Xem - Nghe - Đọc

Theo dòng điện ảnh

- Chủ Nhật, 18/07/2021, 06:26 - Chia sẻ
Với cuốn sách này, nếu đọc hết và đọc kỹ, cộng với một chút kiến thức nền, bạn sẽ lần lượt được khám phá lại các thời kỳ, trào lưu điện ảnh nổi bật từ khi bộ môn nghệ thuật ra đời đến nay. Các câu chuyện trong điện ảnh giúp chúng ta hệ thống lại những kiến thức thú vị.

       Khác với các cuốn sách điện ảnh được dịch ở Việt Nam đa phần là chuyên môn và học thuật, rất quý với dân trong giới nhưng đôi khi lại xa lạ và khó đọc với dân ngoại đạo, cuốn "Theo dòng lịch sử điện ảnh" dù vẫn được kiến giải dưới góc nhìn chuyên môn, nhưng dễ tiếp cận và có tính giải trí cao. 

        Sách được chia thành 8 phần. Trong mỗi phần lại có những chủ đề khác nhau và trong mỗi chủ đề lại có những tiểu mục khác nhau. Mỗi chủ đề được gói gọn trong 2 trang, và trong 2 trang đó sẽ chia ra khoảng 7, 8 tiểu mục nhỏ kèm hình ảnh đi kèm với nội dung không quá 100 từ và hình ảnh minh họa với cách thiết kế như tạp chí điện ảnh. Và trong 100 từ đó, nhóm tác giả vừa đưa ra những thông tin cơ bản kiểu súc tích, ngắn gọn, nhưng vẫn có những kiến giải, những góc nhìn đậm chất cá nhân hoặc có tính tái khám phá. 

           Với cuốn sách này, nếu đọc hết và đọc kỹ, cộng với một chút kiến thức nền, bạn sẽ lần lượt được khám phá lại các thời kỳ, trào lưu điện ảnh nổi bật từ khi bộ môn nghệ thuật ra đời đến nay. Các câu chuyện trong điện ảnh giúp chúng ta hệ thống lại những kiến thức thú vị. Ví dụ như Paris trở thành một nhân vật đặc biệt trong điện ảnh ra sao, tại sao thành phố này lại được giới đạo diễn mê đến vậy. Và các thành phố điện ảnh khác như Tokyo trong "Lost in Translation"; New York với vẻ tối tăm nhớp nháp trong "Taxi Driver" của Martin Scorsese đến lãng mạn và hoài cổ trong "Manhattan" của Woody Allen; hay Los Angeles - thành phố của những giấc mơ tan vỡ, từ "Sunset Boulevard" kinh điển của Billy Wilder tới "Mulholland Drive" ảo mộng và hắc não của David Lynch tới "La La Land" vừa ngọt ngào vừa cay đắng của Damien Chazelle...

         Các câu chuyện cũng đưa ta lần lượt khám phá 10 bộ phim hay nhất về thảm họa, những câu chuyện tình vĩ đại, những câu chuyện ma rùng rợn, những bộ phim về tốc độ hay những bộ phim gây ra nhiều tai tiếng và tranh cãi nhất trong lịch sử điện ảnh...

           Phần "Các nghề nghiệp" giúp các bạn tìm hiểu các thuật ngữ về điện ảnh hay các kỹ thuật làm phim, các yếu tố cấu thành nên điện ảnh, các giải thưởng và LHP quan trọng nhất... Tất cả được giải thích một cách súc tích và dễ hiểu nhất, ví dụ như tại sao "Bản dựng của đạo diễn" (Director's Cut) lại được giới mộ điệu mong chờ; thế nào là cảnh chen (insert); tại sao thao tác travelling quan trọng hay dựng phim làm thay đổi một bộ phim như thế nào (tôi nhớ mãi lần phỏng vấn Trần Anh Hùng vào năm 2003, anh nói chỉ khi bước vào phòng dựng và ráp nối những cảnh phim với nhau theo một nhịp điệu riêng, anh mới hình dung ra bộ phim thành hình như thế nào)...

           Những phần có tính giải trí cao và nhiều thông tin thú vị nhất là "Các nhân vật" (những nhan sắc quyến rũ chết người, các tay gangster nguy hiểm trong điện ảnh, những kẻ phản diện huyền thoại)...; "Thể loại" (với những kiến thức cơ bản nhất về các thể loại quan trọng của điện ảnh, từ phim chiến tranh đến phim sử thi, từ phim võ thuật đến phim tâm lý tình cảm, từ những bộ phim hành trình đến phim hạng B trên màn ảnh rộng)...

          Ba phần hay nhất trong cuốn sách theo tôi là "Các ngôi sao"; "Các đạo diễn" và "Các đất nước".

         Có lẽ do cuốn sách này Nhã Nam mua bản quyền của Larousse và do các tác giả Pháp biên soạn nên góc nhìn của họ khá đa dạng và giới thiệu được những tác giả, những nền điện ảnh vừa quan trọng vừa lạ lẫm của nghệ thuật thứ 7, chứ không chỉ tập trung vào cái rốn Hollywood. 

         Ví dụ như trong phần "Các ngôi sao", tôi rất thích hai trang so sánh giữa hai huyền thoại phim câm của Hollywood là Charlie Chaplin và Buster Keaton. Tại sao hai tên tuổi này lại tạo được ảnh hưởng lớn đến thế trong giới điện ảnh, và tại sao nghệ thuật dàn cảnh, diễn xuất của họ vẫn được rất nhiều tên tuổi đương đại ảnh hưởng và thừa kế, đặc biệt là Wes Anderson?

          Hay như trong phần giới thiệu về Keaton, các tác giả phân tích về "Cơ chế gây cười" của Buster Keaton, trong đó, một cảnh hài hước bao gồm nhiều sự tính toán hơn cả một tác phẩm cơ khí. Trò hề của Keaton được xây dựng một cách khéo léo, tận dụng bối cảnh, những thứ ngoài tầm nhìn của máy quay, động tác máy quay hay việc bố trí không gian một cách hình học để đánh lừa những trông đợi của khán giả. Nếu nhân vật của ông phải hoàn thành một hành động, anh ta sẽ chỉ làm được điều đó qua một chuỗi thất bại hợp lý và chật vật. Tất cả đều chính xác đến từng milimet, đặc biệt là trong việc tổ chức những pha đuổi bắt và những kỳ công về thể lực và nhào lộn mà ông tự thực hiện. 

         Quả thật phần lý giải này giúp tôi hiểu hơn về những bộ phim câm kinh điển của Buster Keaton mà ngày nay xem lại vẫn không hết ngạc nhiên tại sao ở cái thời sơ khai đó (những năm 20 của thế kỷ 20), ông đã tạo ra những bộ phim hài hấp dẫn tuyệt vời mà không cần dùng đến kỹ xảo như sau này.

         Phần "Các ngôi sao" này cũng giúp độc giả tìm hiểu về các ngôi sao huyền thoại của điện ảnh Pháp, Ý, Hollywood, những cặp đôi huyền thoại, những nhân vật vai phụ nổi tiếng, hay thậm chí là chuyện... râu tóc của diễn viên cũng có khối chuyện lý thú. Ví dụ như nhớ đến 

nam tài tử Javier Bardem là nhớ đến những kiểu đầu có một không hai trong các bộ phim nổi tiếng. Anh chàng diễn viên người Tây Ban Nha này khiến khán giả sợ khiếp vía với kiểu đầu bát úp và vẻ mặt lầm lì trong "No Country for Old Men"; còn trong "Skyfall" thì sở hữu mái tóc bạch kim chói lọi  hay kiểu đầu hói lơ thơ vài sợi tóc khi nằm trên xe lăn trong "The Sea Inside", một tuyệt phẩm của điện ảnh Tây Ban Nha từng giành giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. 

         "Các đạo diễn" là phần hay nhất của cuốn sách, nơi ta được chiêm ngưỡng những bậc thầy của điện ảnh và những di sản của họ để lại cho hậu thế. Ở phần này, ta sẽ khám phá những huyền thoại của điện ảnh Ý đến các nhà làm phim huyền thoại của Hollywood thời kỷ nguyên vàng; 10 đạo diễn nổi bật nhất của châu Á (từ Ozu đến Hầu Hiếu Hiền; từ Satyajit Ray đến Akira Kurosawa; từ Từ Khắc, Vương Gia Vệ đến Trương Nghệ Mưu và Park Chan Wook); Những diễn viên trở thành đạo diễn xuất chúng (Clint Eastwood, Takeshi Kitano, Rainer Werner Fassbinder, Woody Allen...); Các đạo diễn thuộc dòng "Hollywood mới" như Francis Ford Coppola, Martin Scorsese, Steven Spielberg...

          Và cuối cùng là các đạo diễn tác giả được xếp riêng vì những đóng góp quan trọng và tiên phong của họ cho điện ảnh như Alfred Hitchcock, Federico Fellini, Stanley Kubrick, Ingmar Bergman, David Lynch, Agnes Varda, Pedro Almodovar, Kathryn Bigelow, Jane Campion...

         Trong bài "Stanley Kubrick với 10 bộ phim", tôi ấn tượng với cách tác giả phân tích ngắn gọn về sự cầu toàn của vị đạo diễn huyền thoại này; cách ông biến nó thành một tuyên ngôn nghệ thuật về việc làm chủ kỹ thuật và thẩm mỹ trong "Barry Lyndon", bộ phim sử thi gây choáng ngợp thị giác lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học: "Đạo diễn kể lại sự thăng tiến vô giá và sự suy sụp không thể tránh khỏi của một người đàn ông có bản chất yếu đuối. Ông sử dụng các ống kính với độ mở hẹp và trường ảnh sâu, tạo ra những bức tranh thực thụ được quay thành phim, cảm giác được nhấn mạnh nhờ sử dụng zoom quay chậm. Ông khéo léo kết hợp với NASA để chế tạo ra một loại ống kính độc nhất dành cho những cảnh chỉ được quay với ánh nến". 

          Với Alfred Hitchcock, ngoài những thông tin khá quen thuộc, tôi lại thấy hứng thú với các tác giả phân tích về cách đạo diễn này sử dụng lý thuyết của Freud trong việc xây dựng tâm lý nhân vật, khiến những bộ phim của ông, dù được làm ra với mục đích giải trí, lại sâu sắc và tồn tại bất biến với thời gian. 

        Còn rất nhiều thông tin thú vị hoặc được kiến giải dưới góc nhìn mới trong cuốn sách này vừa giúp người đọc có những kiến thức căn bản nhất về điện ảnh trong hơn 100 năm phát triển, vừa có cơ hội tìm hiểu sâu và khám phá về các đạo diễn huyền thoại, các thể loại quan trọng hay các quốc gia nổi bật trên bản đồ điện ảnh thế giới. 

         Chỉ tiếc là đọc từ đầu đến cuối không thấy các tác giả đề cập đến bất cứ một bộ phim hay một tác giả nào của Việt Nam, kể cả Trần Anh Hùng hay những bộ phim của Pháp làm về Việt Nam. Trừ một thông tin duy nhất kiểu chuyện phiếm: Từ Khắc, ông đạo diễn nổi tiếng của Hong Kong thời hoàng kim, vốn được sinh ra ở... Sài Gòn.

Lê Quân