Theo dõi chặt tác động của Covid-19 đến nợ xấu

- Thứ Ba, 22/06/2021, 06:12 - Chia sẻ
Tại cuộc họp báo sáng 21.6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa nợ xấu nội bảng về mức an toàn.

Tín dụng 6 tháng ước tăng 5,5 - 6%

Báo cáo của NHNN cho biết, đến ngày 15.6.2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt.

	Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo về điều hành chính sách tiền tệ nửa đầu năm 2021. Ảnh: T.Phong
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo về điều hành chính sách tiền tệ nửa đầu năm 2021.
Ảnh: T.Phong

Trong 6 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4.2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12.2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3 - 6%/năm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến ngày 15.6.2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%), kết thúc tháng 6 ước tăng 5,5 - 6%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, bao gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng khẳng định tín dụng rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, tốc độ tăng tín dụng bất động sản 3 năm nay có xu hướng giảm dần. Tính đến 30.4, tín dụng bất động sản tăng 4,83%, dự kiến hết tháng 6 tăng 5,5%. Đến hết tháng 6 dự kiến tỷ trọng cho vay chứng khoán nằm trong khoảng 0,48% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, chiếm khoảng 46.700 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này không thay đổi nhiều so với tháng 4, 5. "Tới đây, NHNN sẽ có các giải pháp tiếp tục chỉ đạo các tín dụng giám sát chặt chẽ cho vay ở lĩnh vực này, tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát, người vay sử dụng đúng mục đích", ông Tuấn Anh cho hay.

Trước lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng do tín dụng phục hồi và áp lực lạm phát thế giới tăng mạnh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN không chủ quan với lạm phát, song thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào và NHNN sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất hiện nay. "Mặc dù có những tác động của kinh tế thế giới, biến động chỉ số giá tiêu dùng trong nước song NHNN sẽ quán xuyến các tác động này để điều hành lãi suất, tín dụng hợp lý, vừa tăng thêm lượng vốn cho nền kinh tế, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát mục tiêu. Thực tế, từ đầu năm đến nay, lãi suất của các ngân hàng thương mại (nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước) vẫn tiếp tục giảm”, Phó Thống đốc cho biết.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 336 nghìn tỷ đồng

Nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Những quy định tại Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương mại có điều kiện đồng hành với doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo số liệu của NHNN, đến ngày 31.5.2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 257 nghìn khách hàng với dư nợ 336,6 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23.1.2020 đến nay đạt 3,5 triệu tỷ đồng cho 480 nghìn khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho 174 nghìn khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho 3 triệu khách hàng vay mới 111,2 nghìn tỷ đồng. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ nay tới cuối năm NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn.

Tại cuộc họp với Ủy ban Kinh tế hôm 11.6, ông Tú cho biết, hiện nay nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là 1,76%, tăng 0,07 điểm phần trăm so với cuối năm 2020. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng, nợ có khả năng chuyển xấu thì số nợ xấu là khoảng 3,54%. Tùy theo từng kịch bản, đến cuối năm nay nợ xấu nội bảng có thể dao động 1,54% - 1,91%; tổng nợ xấu tiềm ẩn, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng, nợ có khả năng xấu rơi vào khoảng 3,43 - 3,84%; còn nợ xấu tính theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 có thể vọt lên 4,56% - 4,98%. Những con số này cho thấy nỗ lực xử lý nợ xấu trong những năm qua có nguy cơ bị Covid-19 xóa bỏ.

Hà Lan