Theo dấu chân Bác đến với nước Nga

Cao Sơn thực hiện 01/09/2011 07:10

Hơn 40 ngày theo dấu chân Bác đến vớái nước Nga, ĐẠO DIỄN, NSƯT TRẦN HỒNG CẨM ấn tượng và xúc động khi thấy tình cảm của người Nga với Việt Nam suốt từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền tảng đầu tiên đến nay gần như không thay đổi. Người Nga vẫn dành cho Việt Nam một tình cảm trân trọng và giữ ấn tượng về một đất nước Việt Nam thủy chung son sắt.

Theo dấu chân Bác đến với nước Nga ảnh 1
    Người dân Việt- Nga bên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Moscow

Sau thành công của 4 tập phim tài liệu về Bác Hồ ở nước Pháp, dường như ông được tín nhiệm với đề tài về hành trình theo dấu chân Bác?

- Khi quyết định thực hiện 10 tập phim theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nước Nga, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh nói với tôi: “Tôi cử anh đi vì anh từng thành công ở Pháp. Trong 10 ngày, trừ thời gian đi lại chỉ còn 7 ngày mà anh đã làm được như thế, thì lần này, với sự chuẩn bị kỹ hơn, tôi tin anh sẽ thành công”. Chúng tôi quyết định thực hiện bộ phim bởi trước đây Bác Hồ gắn bó rất sâu sắc với Liên bang Xô Viết. Bác đã đi Trung Quốc, Pháp, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới nhưng Người chỉ chọn nước Nga ?? gửi gắm những học sinh Việt Nam đầu tiên, từ khi nước nhà còn non trẻ, với mong muốn họ sẽ thành những nhân tài sau này quản lý, lãnh đạo đất nước. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu tình cảm của người dân Nga với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Việt Nam ngày nay như thế nào sau bao biến động của lịch sử, nhằm góp phần tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia.

 Đoàn làm phim chỉ có hai người, gồm đạo diễn Trần Hồng Cẩm và quay phim Lô Đoàn Thắng. Trước khi đoàn sang Nga, đạo diễn Trần Hồng Cẩm đã có chuyến khảo sát các điểm di tích lịch sử. Sau khi khảo sát, ông nhận ra rằng nếu chỉ làm về các điểm di tích sẽ không ai muốn xem phim, vì tư liệu thời đó về Bác Hồ không có. Ông xác định đây phải là bộ phim chính luận, là những hình ảnh về những con người cụ thể, những nhân sỹ trí thức của nước bạn nói về Bác, về tư tưởng của Bác. Trở về, ông đã thay đổi kịch bản khác hẳn với dự kiến ban đầu.

Tập đầu tiên Chuyện về tượng đài Bác Hồ giữa thủ đô nước Nga dự kiến phát sóng lúc 21h30 ngày 1.9. Tại sao ông lại quyết định chọn câu chuyện về tượng đài Bác Hồ tại Moscow để bắt đầu hành trình theo dấu chân Bác đến với nước Nga?

- Phim chia ra nhiều mảng: những kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người Nga, tình cảm của người Nga với Việt Nam, hồi ức của các cựu binh, những dấu tích nơi Bác Hồ đã đặt chân, về cộng đồng người Việt tại Nga… Tập đầu tiên nói về tượng đài Bác đặt giữa thủ đô nước Nga, được xây dựng những năm 1990, trong thời khắc khó khăn nhất, giữa lúc người ta giật đổ cả tượng đài Lênin. Bác Hồ khi đó trong mắt những người chính biến là cộng sản, vậy mà thật cảm động, người Nga vẫn dựng tượng Bác và gìn giữ đến hôm nay.

Trong hơn 40 ngày thực hiện bộ phim tài liệu về Bác trên đất bạn, ông nhận thấy tình cảm của người dân Nga với Bác Hồ, với Việt Nam hiện nay thế nào?

- Tình cảm của người Nga với Việt Nam suốt từ khi Bác Hồ đặt nền tảng đầu tiên đến ngày nay gần như không thay đổi. Người Nga vẫn dành cho Việt Nam một tình cảm trân trọng. Quá trình đi làm phim chúng tôi gặp nhiều người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, họ đều giữ ấn tượng tốt về một đất nước Việt Nam thủy chung son sắt. Họ nói, cả Đông Âu sụp đổ không còn ai nhớ đến công của người Nga, duy nhất đất nước Việt Nam xa xôi vẫn nhớ đến người Nga. Tượng Lênin ở Đông Âu người ta phá hết nhưng ở Việt Nam vẫn có tượng Lênin.

Khi chúng tôi sang làm phim, đến đâu cũng được người dân Nga nhiệt tình giúp đỡ, dẫn đường, chỉ cho những nơi Bác Hồ đã đến, đã sinh sống. Cả ở những thành phố xa xôi, nhiều chục năm không có bóng dáng người Việt cũng vậy. Chúng tôi sang Nga vào thời điểm mọi người đi nghỉ hè nhưng khi có thông tin người Việt Nam sang làm phim về Bác Hồ, họ từ cách xa hàng trăm cây số cũng trở về để trả lời phỏng vấn. Đó là tình cảm của họ với Bác Hồ, với Việt Nam mà không ai có thể bắt buộc họ làm thế. Và, đó cũng là những điều mà phim ảnh không thể nói hết được.

Bộ phim tài liệu cùng chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh ông làm tại Pháp được đánh giá có tính phát hiện cao. Bộ phim này thì sao?

- Ở Pháp, chỉ trong thời gian vẻn vẹn 10 ngày chúng tôi làm được 4 tập phim. 4 tập phim ấy sẽ đi vào lịch sử bởi đó là cơ duyên, sự may mắn trong phát hiện của người làm báo. Khi làm xong tập 1 về Bác Hồ với nhân dân Pháp thì ông Raymond Aubrac chỉ là một nhân chứng trong phim, nhưng qua nói chuyện, tôi phát hiện ở ông một kho chuyện khổng lồ, với những bí mật động trời về một người từng bí mật can thiệp ngăn Mỹ ném bom phá đê sông Hồng... Bộ phim đó đã được Hội Điện ảnh đánh giá là phim tài liệu hay nhất trong hai năm 2007 - 2008. Còn bộ phim về Bác Hồ ở nước Nga có sự chuẩn bị chu đáo hơn, có thời gian thực hiện dài hơn nhưng tính phát hiện cũng không thua kém, bởi nó cũng có những câu chuyện độc. Đó là những câu chuyện được phát hiện chìm lẫn trong ký ức của các cựu binh, những nhân sỹ trí thức, cựu sỹ quan... từng gặp Bác. Bộ phim đã xâu chuỗi tất cả sự kiện thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Xin cám ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Theo dấu chân Bác đến với nước Nga
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO