Thêm việc cho doanh nghiệp?

- Chủ Nhật, 07/02/2021, 06:20 - Chia sẻ

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của quỹ cấp tỉnh hoặc vào tài khoản của quỹ ở cấp huyện do UBND cấp tỉnh ủy quyền.

Bởi vậy, trong văn bản gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn góp ý vào dự thảo Nghị định, 29 doanh nghiệp FDI đã nêu nhiều bất cập khi dự thảo buộc doanh nghiệp phải thu loại quỹ này từ người lao động. Cụ thể, các doanh nghiệp này cho rằng, nếu quy định doanh nghiệp phải đứng ra thu từ người lao động, sau đó đóng cho cơ quan quản lý nhà nước sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc đưa ra quy định chế tài với doanh nghiệp trong trường hợp không thu đủ quỹ phòng chống thiên tai từ người lao động là bất cập, tạo thêm gánh nặng, thêm việc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng chưa "nghĩ ra" cách thu như thế nào cho phù hợp với quy định pháp luật và bảo đảm công bằng vì theo Bộ luật Lao động, doanh nghiệp không thể khấu trừ lương của người lao động để nộp quỹ; việc thu bằng tiền mặt cũng có nhiều rủi ro. Hơn nữa, nhiệm vụ của doanh nghiệp là sản xuất kinh doanh, không thể tổ chức hệ thống, cơ cấu nhân sự, in biên lai để thu phí thay cho cơ quan quản lý nhà nước...

Với những lập luận trên, các doanh nghiệp đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai chuyển việc thu quỹ về chính quyền phường, xã nơi người lao động thường trú, thống nhất một mức chung để bảo đảm không chồng chéo, mất công bằng trong thu quỹ. Nếu ban soạn thảo giữ nguyên như dự thảo cần quy định rõ cách xử lý các vướng mắc, khó khăn nêu trên...

Theo một báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 15.10.2020, có 60/63 tỉnh, thành phố thu Quỹ phòng chống thiên tai với tổng số thu 3.500 tỷ đồng. Số chi kể từ ngày lập quỹ là 1.808 tỷ đồng, còn lại lên tới 1.692 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương có thu nhưng không chi, hoặc chi rất thấp... "Bình luận" về việc này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, Quỹ phòng, chống thiên tai phải được huy động và sử dụng hiệu quả hơn. Ngoài ra còn có tình trạng nơi thu, nơi không thu, tỉnh thu được nhiều, tỉnh thu được ít, nhiều địa phương không chi, trong khi nhu cầu rất lớn. Cá biệt, có tỉnh là tâm điểm của vùng thiên tai bão lũ mà không lập quỹ. Vậy công tác quản lý nhà nước; các bộ, ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc hay chưa? Ngay Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, nước ta là một trong số các quốc gia chịu tổn thương lớn nhất về biến đổi khí hậu nhưng Quỹ phòng, chống thiên tai còn dư tới 1.962 tỷ đồng là rất vô lý, gây lãng phí nguồn lực. Vậy nên câu hỏi ở đây là sẽ duy trì hoạt động của quỹ này như thế nào? Và việc dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai quy định doanh nghiệp phải thu loại quỹ này từ người lao động có phù hợp hay không?

Thực tế, nhu cầu duy trì, phát triển Quỹ phòng chống thiên tai là có, thậm chí là cấp thiết. Vấn đề là ở chỗ sẽ "tạo nguồn" và sử dụng như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả chứ không thể thu thì cứ thu, có chi được hay không còn tùy. Đặc biệt, phải làm rõ cơ quan nào sẽ đứng ra thu, không thể "đẩy" cho doanh nghiệp.

Ninh Hà