Theo Quyết định, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó bao gồm các hoạt động: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế; tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất…
Thực tế cho thấy, giai đoạn 2017-2018 tập đoàn Samsung từ chỗ chỉ có 10 nhà cung ứng linh kiện trong nước thì đến nay đã có khoảng 100 nhà cung cấp là vendor cấp 1. Nhiều chuyên gia đánh giá việc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển là điều kiện quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn từ nước ngoài đến Việt Nam đầu tư.
Theo Công ty Honda Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp đã có 3 nhà máy đang hoạt động tại Vĩnh Phúc, trong đó có 2 nhà máy sản xuất xe máy và 1 nhà máy sản xuất ô tô, với tổng diện tích 150.000 m2, công suất 1,75 triệu xe máy/năm và 35.000 xe ô tô/năm. Hiện tỷ lệ nội địa hoá đối với sản xuất xe máy tại Công ty Honda đã đạt 96% và với ô tô đạt 27%.
Đặc biệt, để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, công ty đã liên kết với 140 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, trong đó, có 100% linh kiện nhựa, cao su; 90% linh kiện kim loại; 80% linh kiện điện tử được cung ứng từ các công ty sản xuất trong nước và khoảng 20% linh kiện điện tử được mua thông qua các công ty thương mại.Trong khi đó, với Công ty Toyota Việt Nam, hiện doanh nghiệp đã có 60 nhà cung cấp linh kiện, trong đó có 11 nhà cung cấp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 40%.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh, phụ kiện chuyên sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho biết hiện nay nhu cầu linh, phụ kiện của các doanh nghiệp lớn, tập đoàn nước ngoài rất lớn và tiếp tục có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách trong nước nhằm trợ lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển được xem là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Mặc dù Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ khá đa dạng, song theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai các chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp hỗ trợ vào thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi trong quy định khá ngặt nghèo, chưa thật sự phù hợp, khiến cho các doanh nghiệp rất khó tiếp cận và khó đáp ứng được yêu cầu để hưởng chính sách. Bên cạnh đó, một hạn chế trong chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam chưa có sự ràng buộc và cũng chưa khuyến khích để các doanh nghiệp nước ngoài tăng tính lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thuý - Chuyên gia chính sách công nghiệp, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, để mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhà nước cần chủ động kêu gọi tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu tìm kiếm những nhà cung cấp Việt Nam, gom vào thành một chương trình và có những chính sách kết nối với khu vực doanh nghiệp trong nước
Với tiềm năng của thị trường, Việt Nam với nền công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ không chỉ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn giúp gia tăng giá trị trong các sản phẩm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút được dòng vốn đầu tư từ trực tiếp nước ngoài các tập đoàn lớn, thu hút được các dự án FDI chất lượng cao, tạo thêm không gian cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam.