Thêm nguy cơ với đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Bảy, 27/03/2021, 13:04 - Chia sẻ
Bên cạnh các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nguy cơ khác đó là sụt lún đất do khai thác nước ngầm.

Kết quả khảo sát, nghiên cứu tại các tỉnh, thành phố Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, Bến Tre công bố tại Hội thảo về quản trị khai thác nước ngầm và sụt lún đất ở đồng bằng Sông Cửu Long do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức mới đây cho thấy, tình trạng sụt lún đất và việc khai thác nước ngầm được xác định có mối liên hệ rõ rệt. Sụt lún thể hiện qua các tác động đến cơ sở hạ tầng và mức độ người dân có thể nhận thấy những thay đổi.

Còn theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún 1cm/năm, cá biệt một số điểm có tốc độ trung bình lên đến 5,7cm/năm. Riêng tại Cần Thơ, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2005 - 2017, tốc độ sụt lún trung bình là 1,31 cm/năm, nơi có tốc độ sụt lún cao nhất lên đến 4,37 cm/năm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo các chuyên gia là do quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm. Cụ thể, do quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp nên mạch nước ngầm bị khai thác tràn lan dẫn đến sụt lún, từ đó nền đất bị dịch chuyển kéo theo việc sạt lở bờ sông, bờ biển. Ngoài ra, vì tầng đất mặt dưới sâu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là lớp cát, 80% nền đất là đất yếu nên chỉ riêng việc xây dựng nhà cửa, đường sá cũng khiến xuất hiện lún...

Bên cạnh đó, dù đồng bằng sông Cửu Long có lượng nước mặt khá lớn nhưng chất lượng lại đang suy giảm do ô nhiễm từ thâm canh nông nghiệp khiến chi phí xử lý nước mặt tăng đáng kể. Bên cạnh đó, người dân có xu hướng dùng nước ngầm nên dẫn đến tình trạng khai thác quá mức. Ví dụ chỉ riêng TP Cần Thơ, theo đánh giá từ năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lưu lượng khai thác nước ngầm đã lên tới 188.844 m3/ngày đêm. Trong đó, nước sinh hoạt chiếm 53%, cho nông nghiệp và công nghiệp là 23% và 24%.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp trọng tâm trước mắt là cần có sự hợp tác giữa các bên, đồng thời có quy hoạch chung để khoanh định vùng hạn chế khai thác nước. Hơn nữa, vì các tỉnh, thành phố hiện xây dựng quy hoạch hoặc phân khu dựa trên nhu cầu của mình dẫn đến không có liên kết cũng như không có tiêu chí thống nhất, trong khi đó, các tầng chứa nước không có ranh giới hành chính nên hợp tác để quản lý nguồn nước hiệu quả, bền vững càng trở nên cần thiết.

Cần nhắc lại rằng, từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết xác định thay đổi tư duy phát triển; tôn trọng quy luật, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, lựa chọn mô hình thích ứng với tự nhiên, thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, việc
quản lý khai thác nước ngầm có mối tương quan rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn nước ngầm, nếu không sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường. Và rõ ràng trách nhiệm đang đặt lên vai chính quyền các cấp ở đây không ai khác; trách nhiệm quản lý và chuyên môn của Bộ tài nguyên môi trường cần vào cuộc quyết liệt phối hợp bộ ngành liên quan ngăn chặn kịp thời và xây dựng chiến lược, văn bản quản lý hiệu lực, hiẹu quả.

Ninh Khánh