Thêm một bước “điện tử hóa” Kho bạc Nhà nước

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 07:13 - Chia sẻ
Kho bạc Nhà nước vừa triển khai thí điểm việc gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử và dự kiến áp dụng chính thức từ 1.12 tới. Bước đi này nằm trong tiến trình hiện đại hóa công tác quản lý ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước, hướng tới hình thành “Kho bạc số” trong tương lai, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho cả kho bạc và ngân hàng thương mại.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Ngày 16.11 vừa qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện thí điểm gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử. Đây là bước cải cách công tác quản lý ngân quỹ nhà nước được quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.

	Gần 70% số thu ngân sách qua các ngân hàng thương mại được KBNN ủy nhiệm thu Nguồn: ITN
Gần 70% số thu ngân sách qua các ngân hàng thương mại được KBNN ủy nhiệm thu
Nguồn: ITN

Để thực hiện bước cải cách này, KBNN đã xây dựng Hệ thống quản lý ngân quỹ để thực hiện gửi tiền có kỳ hạn theo phương thức điện tử (Hệ thống quản lý ngân quỹ).

Cụ thể, Hệ thống quản lý ngân quỹ gồm 2 phần. Phần dành cho KBNN được cài đặt trong mạng WAN của Bộ Tài chính để phục vụ người sử dụng thuộc KBNN thực hiện các nghiệp vụ lựa chọn ngân hàng thương mại để gửi ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Phần này gồm các chức năng: Đánh giá lựa chọn ngân hàng thương mại dự kiến gửi tiền có kỳ hạn; tính toán, thiết lập các hạn mức giao dịch (hạn mức quý, hạn mức ngày, hạn mức cho từng kỳ hạn); nhận bản chào nhận tiền gửi từ các ngân hàng thương mại; mở bản chào; xác định kết quả; quản lý hợp đồng, phụ lục hợp đồng, quản lý thanh toán và báo cáo.

Phần dành cho ngân hàng thương mại mở ra internet, cung cấp các chức năng: Nhận các thông báo từ KBNN; chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN; tra cứu, tải xuống các văn bản của KBNN; kết nối với hệ thống chứng thực chữ ký số (CA) để ký chữ ký số.

Để chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm thành công Hệ thống quản lý ngân quỹ tiến tới triển khai chính thức, KBNN đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, KBNN đã phối hợp với ngân hàng thương mại sửa đổi, bổ sung hợp đồng khung về các nội dung liên quan đến việc thực hiện quy trình gửi tiền có kỳ hạn qua hệ thống quản lý ngân quỹ và phụ lục hợp đồng điện tử. Các ngân hàng thương mại cũng chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng triển khai thí điểm, bao gồm: Chứng thư số của ngân hàng thương mại, chứng thư số của người có thẩm quyền ký bản chào nhận tiền gửi, người được ủy quyền ký phụ lục hợp đồng điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp...

Bảo đảm minh bạch, tiết kiệm thời gian

Theo thông tin từ Cục Quản lý ngân quỹ (KBNN), Hệ thống quản lý ngân quỹ đã được triển khai thí điểm từ ngày 16 - 30.11 và dự kiến triển khai chính thức từ 1.12.

Với Hệ thống quản lý ngân quỹ, tất cả các giao dịch giữa kho bạc và ngân hàng đều được điện tử hóa. Cụ thể, hệ thống quản lý ngân quỹ sẽ tự động thực hiện việc tính toán, chấm điểm đánh giá, kết xuất danh sách các ngân hàng thương mại dự kiến gửi tiền có kỳ hạn (trên cơ sở dữ liệu các tiêu chí đánh giá của từng ngân hàng thương mại được nhập vào Hệ thống). Đồng thời, tự động xác định kết quả lựa chọn ngân hàng thương mại để gửi tiền có kỳ hạn (gồm khối lượng, lãi suất gửi tương ứng từng kỳ hạn tại từng ngân hàng thương mại, trên cơ sở các bản chào nhận tiền gửi của các ngân hàng thương mại, lãi suất gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tối thiểu cho từng kỳ hạn).

Đặc biệt, tính bảo mật được bảo đảm trong suốt quá trình chào, nhận bản chào, mở bản chào do Hệ thống quản lý ngân quỹ được thiết kế, xây dựng để không thể có bất cứ sự can thiệp của con người (kể cả chuyên gia công nghệ thông tin) vào việc mã hóa bản chào, hay xem được bản chào trước giờ mở.

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ cho biết, quy trình này bảo đảm được việc áp dụng công nghệ tin học vào xử lý nghiệp vụ. Đồng thời tiết giảm được thời gian và công sức cho nhân lực của kho bạc và ngân hàng, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, an toàn vì không có sự can thiệp của con người. Đặc biệt, thực hiện Hệ thống quản lý ngân quỹ, công chức kho bạc sẽ không còn mất thời gian làm những công việc sự vụ nên KBNN sẽ dành thời gian để mở các nghiệp vụ mới như mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ sẽ được thực hiện tới đây...

Theo lãnh đạo KBNN, việc thực hiện gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử là một bước đi trong tiến trình hướng tới hình thành “Kho bạc số” trong tương lai. Trước đó, hệ thống kho bạc đã triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tất cả đơn vị sử dụng ngân sách. Cũng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và hướng đến mục tiêu xây kho bạc số, tháng 6.2020, KBNN đã mở rộng phối hợp thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử với 4 ngân hàng thương mại cổ phần. Hiện tại, gần 70% số thu ngân sách nhà nước đã thực hiện qua các ngân hàng thương mại được KBNN ủy nhiệm thu và 99% số thu ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử.

Hà Lan