Phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Thêm giải pháp, giảm gánh nặng

- Thứ Tư, 20/01/2021, 07:01 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia y tế, cùng với việc đối mặt với sự diễn biến phức tạp của bệnh truyền nhiễm như Covid-19, Việt Nam còn phải giải quyết những gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm gây ra, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức tới việc phát huy vai trò của tuyến y tế cơ sở.
	Phát huy vai trò của tuyến y tế cơ sở trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm Nguồn: ITN
Phát huy vai trò của tuyến y tế cơ sở trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm
Nguồn: ITN

Nâng cao nhận thức, thực hành phòng, chống bệnh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Trần Văn Thuấn, ở nước ta, ước tính mỗi năm số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội do bệnh phải điều trị suốt đời, làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù vậy, đến nay, việc triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như thiếu sự phối hợp liên ngành, nhiệm vụ phòng, chống các yếu tố nguy cơ chủ yếu vẫn do ngành y tế đảm nhận; trong khi đó, nhận thức, thực hành của người dân và cộng đồng xã hội về phòng, chống bệnh không lây nhiễm còn nhiều hạn chế; tỷ lệ người dân có kiến thức đúng và tự phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị còn thấp.

Chia sẻ thông tin tại địa phương, theo đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, tại các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh, số người bị các bệnh tim mạch, tiểu đường ngày càng tăng và có chiều hướng trẻ hóa. Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thời điểm quản lý, điều trị ngoại trú cho khoảng 2.100 bệnh nhân tiểu đường, khoảng 100 bệnh nhân điều trị các bệnh tim mạch, hay tại Bệnh viện Bãi Cháy, mỗi ngày điều trị cho 20 - 25 bệnh nhân bị ung thư các loại... Tuy nhiên, số lượng mắc các bệnh không lây nhiễm hiện đang điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh chỉ là số nhỏ so với lượng người mắc bệnh trong cộng đồng. Điều đáng nói là phần lớn người bệnh không biết mình bị mắc những bệnh này để đến các cơ sở y tế điều trị sớm; chỉ khi bệnh chuyển giai đoạn muộn, mới phát hiện và đi điều trị. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị bởi bệnh nhân rất khó phục hồi.

Nguồn: ITN

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn tâm thần cho giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong xây dựng, thực thi các chính sách để kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh, tập trung vào tăng cường vận động thể lực, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm tiêu thụ muối và nước ngọt, phòng chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá, là một trong những giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe đặc biệt là truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để đi khám, chữa kịp thời, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh.

Phát huy vai trò của tuyến y tế cơ sở

“Để phòng, chống bệnh không lây nhiễm, cần phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở và quyết liệt chỉ đạo để mở rộng triển khai hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở, nhằm đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đến năm 2025 có 95% số trạm y tế xã, phường thực hiện dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm” - GS.TS. Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm đó, không ít chuyên gia cho rằng, tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm, chính là phải tập trung cho y tế cơ sở. Theo đó, các địa phương nên tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc cũng như đào tạo, tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế. Bởi một trong những hạn chế hiện nay là tuyến y tế cơ sở, đặc biệt các trạm y tế xã, chưa triển khai đầy đủ dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài - yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với bệnh không lây nhiễm. Đây cũng là lý do chính làm cho số người mắc bệnh được phát hiện và quản lý điều trị còn ít.

Nguồn: ITN

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, nhiều năm qua, đã tổ chức các đợt khám sàng lọc ở các xã trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số xã miền núi, biên giới, hải đảo - nơi bà con chưa quan tâm đến khám sức khỏe định kỳ; tổ chức quản lý, điều trị cho người mắc các bệnh không lây nhiễm. Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tăng cường hoạt động khám bệnh lưu động để giúp người dân kịp thời phát hiện bệnh và tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng bệnh. Mặt khác, ngành y tế cũng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn để cán bộ y tế thôn, bản đến từng hộ gia đình đo huyết áp, tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Trong khi đó, tại Bắc Kạn, trong năm 2020, chương trình phòng, chống tăng huyết áp trên địa bàn toàn tỉnh đã khám sàng lọc cho 136.686 trường hợp, số bệnh nhân tăng huyết áp toàn tỉnh được quản lý là 16.409 người, đang điều trị là 13.259; số người được truyền thông 27.909. Số bệnh nhân mắc đái tháo đường cả tỉnh được quản lý là 2.876, số bệnh nhân đang điều trị là 2.579, số người được truyền thông là 16.725.

Nhằm thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, ngành y tế Bắc Kạn đã xác định mục tiêu trong năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh có 20% người dân từ 40 tuổi trở lên được truyền thông các kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường; 100% trạm y tế xã có đầy đủ thuốc điều trị tăng huyết áp theo đúng quy định; 100% cán bộ trạm y tế tham gia hoạt động quản lý bệnh được tập huấn về chuyên môn; 100% y tế thôn bản tham gia hoạt động quản lý bệnh được tập huấn về sàng lọc yếu tố nguy cơ...

Đỗ Quyên