Mong muốn được thuê nhà ở xã hội
Trước thực trạng thị trường bất động sản đang có nhiều biến động, giá nhà ở ngày càng lên cao gấp nhiều lần so với thu nhập của đa số người dân, dẫn đến việc tiếp cận, sở hữu một căn nhà ở xã hội của người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Người dân mong mỏi có thể gia tăng nhà ở xã hội cho thuê để giảm gánh nặng tài chính, cho họ có nơi “an cư lạc nghiệp”.
Là công nhân KCN Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) gần 10 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Nga (quê Phú Thọ) đang thuê trọ tại chung cư khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Dù được thuê tại khu nhà ở công nhân nhưng cuộc sống hàng ngày của gia đình chị khá vất vả vì chất lượng dịch vụ không bảo đảm, gây bất tiện cho sinh hoạt. Song, với mức thu nhập của 2 vợ chồng chỉ đủ nuôi 2 con ăn học, chị vẫn chấp nhận thuê.
Chị Nga cho biết, ước mơ mua nhà ở xã hội không chỉ của riêng chị mà của rất nhiều công nhân xa quê khác nhưng với nguồn thu nhập như hiện tại, thì đây là giấc mơ quá “xa xỉ”. Khi biết Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam sẽ dùng quỹ phúc lợi của mình để xây nhà cho công nhân, người lao động thuê, gia đình rất ủng hộ và mong chờ sẽ sớm thuê được căn nhà ở xã hội có đầy đủ tiện ích, bảo đảm sinh hoạt hàng ngày và có không gian vui chơi cho trẻ nhỏ.
Trước thông tin này, nhiều người lao động thu nhập thấp rất vui mừng bởi có thêm cơ hội tiếp cận các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đa số người lao động cũng mong muốn, giá thuê nhà ở xã hội sẽ hợp lý để họ có thể tiếp cận. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết: hiện nay, mỗi công nhân tại tỉnh có thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng, cao lắm chỉ 10 triệu, trong khi người lao động phải lo nhiều chi phí nên rất khó để mua được nhà. Chính vì vậy, giải pháp nhà ở cho thuê rất hữu ích, đáp ứng nhu cầu của người lao động và cũng giảm các thủ tục cho người lao động tiếp cận với nơi sinh sống có chất lượng sống, tiện ích cao hơn.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động
Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam vào nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tham gia vào thị trường với vai trò là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội. Điều này sẽ góp phần hoàn thành Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Chính phủ thời gian tới.
Hiện, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thí điểm dự án 244 căn nhà ở xã hội cho thuê ở tỉnh Hà Nam và mô hình được người lao động quan tâm. Trưởng Ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Văn Nghĩa cho biết: qua khảo sát, đánh giá nhu cầu nhà ở công nhân tại một số địa phương, công nhân mong muốn được thuê nhà của Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng, thay vì phải thuê ở nhiều khu dân cư chưa bảo đảm chất lượng, giá thuê lại cao. Do vậy, mô hình này đã cho thấy hiệu quả khi giúp người lao động thuê nhà với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh, giúp người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc phát huy vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong sứ mệnh mới này kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho thị trường nhà ở xã hội. Đồng thời, với tư cách là chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt nhà đầu tư, và giải quyết được bài toán cấp thiết về nhu cầu chỗ ở cho người lao động.