Thêm chính sách thu hút đối tượng tham gia

Hải Yến 16/06/2021 06:43

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, mặc dù công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH đã có những bước tăng trưởng ấn tượng, song, số người tham gia vẫn còn rất thấp so với tiềm năng. Vì vậy, cần có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đề nghị nâng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng dần theo từng năm Nguồn: ITN
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đề nghị nâng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng dần theo từng năm
Nguồn: ITN

Số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, với mục tiêu phấn đấu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện đã tạo cơ hội cho người lao động thuộc khu vực phi chính thức được tham gia. Mặc dù vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2020, cả nước còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Đặc biệt, vẫn còn số lượng lớn người lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH. Nguyên nhân là do chính sách BHXH tự nguyện cho lao động khu vực phi chính thức mới giới hạn ở 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi nhóm này có thu nhập không cao và bấp bênh, chưa thực sự hấp dẫn người lao động. Bên cạnh đó, BHXH bắt buộc cũng còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Vì vậy, để có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 45% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là thách thức rất lớn.

Trên cơ sở đó, TS. Hoàng Bích Hồng, Khoa Bảo hiểm, Đại học Lao động và Xã hội nhận định, tới nay, vẫn còn hơn 40% số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Bên cạnh đó, số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng khi tính đến hết năm 2020 mới có trên 1,2 triệu người tham gia, chiếm 3,7% số người thuộc diện tham gia.

BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị báo cáo trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đề xuất, mức hỗ trợ tăng từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Dự kiến số tiền chi hỗ trợ sẽ tăng dần từng năm, đến năm 2025 là 1.167 tỷ đồng và đến năm 2030 là 3.141 tỷ đồng. Nếu chính sách được thực thi, dự kiến năm 2025 tăng khoảng 3,6 triệu người và đến năm 2030 tăng 8,9 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.

Ổn định và mở rộng chính sách hỗ trợ

Bên cạnh những vấn đề tồn tại, ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến cho mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH càng thêm khó khăn. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, trong đó mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu; tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với công chức viên chức, người lao động không chuyên trách ở cấp xã, người giao kết hợp đồng lao động. Để thu hút người lao động, nhất là người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề cũng xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.

“Nhà nước hỗ trợ cho người lao động khu vực phi chính thức để khuyến khích họ tham gia BHXH. Có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc, Thái Lan áp dụng hệ thống đồng đóng góp, trong đó, người lao động đóng một phần và Chính phủ hỗ trợ một phần. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung dần các chế độ hưởng BHXH như thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau để hấp dẫn người lao động tham gia” - Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý đại học Kinh tế Quốc dân Giang Thanh Long đề xuất.

Cùng quan điểm đó, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ thêm, Nhà nước cần phải có quy định mở rộng về người tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động có thu nhập bình quân tháng, bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng. Nếu thu nhập của người lao động dưới mức tiền lương tối thiểu vùng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giống như đang áp dụng đối với nông dân tham gia BHXH tự nguyện.

Mặt khác, TS. Hoàng Bích Hồng cho rằng, chính sách BHXH cần làm rõ sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, giúp người lao động được cộng nối thời gian tham gia và cách tính lương hưu là giống nhau, để tránh tình trạng người lao động nhận BHXH một lần khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc. Bên cạnh đó, chính sách BHXH phải cố định kể từ khi tham gia đối với mỗi người lao động hoặc nếu có sự thay đổi thì cũng được thông báo ngay từ khi người lao động bắt đầu tham gia. Chính sách BHXH ổn định sẽ tạo sự tin tưởng cho người dân, vừa tăng tính tự giác cho nhóm người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, vừa khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thêm chính sách thu hút đối tượng tham gia
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO