Thêm 1 trường hợp mắc bệnh giun rồng tại Phú Thọ
Trung tâm Y tế huyện Yên Lập (Phú Thọ) thông tin, tiếp nhận bệnh nhân trường hợp bệnh nhân mắc bệnh giun rồng - một căn bệnh ký sinh trùng hiếm gặp, nguy hiểm, từng được loại trừ tại Việt Nam.
Đó là trường hợp bệnh nhân T.N.T (47 tuổi), trú tại Khu Móc Thiều, Thượng Long, Yên Lập, Phú Thọ, mắc bệnh giun rồng. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Trước khi nhập viện, người bệnh có các triệu chứng ban đầu như xuất hiện nốt rát sẩn màu hồng nhạt trên da vùng hông trái. Sau 5 ngày, nổi thêm đường ngoằn ngoèo nhỏ dài 5-6 cm ở vùng gối trái, da khô, ngứa từng cơn, không chảy dịch, không hóa mủ, không sốt.
Hiện, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, giám sát dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập khuyến cáo người dân:
- Không ăn đồ tái, sống (gỏi cá, thực phẩm chưa nấu chín).
- Uống nước đun sôi, đặc biệt là nước lấy từ khe núi, suối.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi làm việc.
- Nếu có triệu chứng bất thường (nổi nốt sẩn, ngứa dai dẳng...), hãy đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) tiếp nhận một bệnh nhân trường hợp nam bệnh nhân nam (44 tuổi) trú tại xã Long Cốc nhiễm giun rồng.
Theo thống kê, trong 5 năm từ 2021 đến nay Việt Nam đã ghi nhận 24 ca bệnh giun rồng trong đó huyện Tân Sơn phát hiện 6 ca (4 ca tại xã Thạch Kiệt, 1 ca tại xã Thu Ngạc, 1 ca tại xã Long Cốc) – chủ yếu ở nam giới có thói quen ăn ăn cá gỏi, uống nước chưa đun sôi.
Sở Y tế Phú Thọ khuyến cáo, để phòng bệnh giun rồng nói riêng và các bệnh ký sinh trùng nói chung, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; thường xuyên tiến hành vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông; diệt ruồi, nhặng, gián là những côn trùng reo rắc mầm bệnh.