Thể hiện tư duy và cách làm mới, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là thống nhất, toàn diện, không tách rời
Tại Hội nghị lần thứ 12, Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao đối với ba nhóm nội dung trọng tâm có ý nghĩa chiến lược, định hướng lâu dài, trực tiếp phục vụ chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng và thúc đẩy quá trình tiếp tục đổi mới, phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới; trong đó, với việc tích hợp nội dung 3 văn kiện thành một Báo cáo chính trị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, PGS. TS VŨ VĂN PHÚC nhấn mạnh, đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tư duy mới, cách làm mới.
Không chia lẻ từng nhiệm vụ
- Thưa ông, tại Hội nghị lần thứ 12 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện Đại hội XIV của Đảng thành một Báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ; ông đánh giá thế nào về điểm mới này?
- Việc Trung ương quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện, gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng thành Báo cáo chính trị là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tư duy mới, cách làm mới để chúng ta có một báo cáo chính trị ngắn gọn, súc tích, đầy đủ. Bởi lẽ, sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... là thống nhất, toàn diện, đồng bộ, không tách rời.

Với tư duy và cách làm mới này, chúng ta tiếp tục nâng cao vị thế, khẳng định rõ hơn vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với đất nước, nhất là khi cả nước ta đang tiến hành những cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, trong đó có cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đảng ta cũng xác định gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược, trong đó phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên.
Với quan điểm xuyên suốt này, thì việc trình Đại hội XIV của Đảng phải bảo đảm thống nhất trong một văn kiện và có sự gắn kết chặt chẽ 4 nhiệm vụ chiến lược nêu trên, không thể chia lẻ từng nhiệm vụ và càng không phải mỗi nhiệm vụ là một báo cáo riêng.
- Cùng với văn kiện, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIV cũng là nội dung trọng tâm tại Hội nghị lần này, thưa ông?
- Chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng là sự chuẩn bị cho tương lai phát triển của đất nước, là vận mệnh của Đảng, sự phát triển của dân tộc.
Tại Hội nghị vừa qua, Trung ương đã thống nhất việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhìn chung dựa trên cơ sở quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc mà cần căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch, nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.
Định hướng nêu trên hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhất là khi xây dựng quy hoạch có thể chưa phát hiện hết hoặc vì một lý do nào đó mà chưa đưa vào quy hoạch những nhân tố có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, có năng lực lãnh đạo nổi trội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày càng đòi hỏi rất cao, rất nặng nề, khó khăn phức tạp trong giai đoạn mới hiện nay.
Trên tinh thần xem “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đề cao chất lượng, hiệu quả, sản phẩm công tác, sự cống hiến của cán bộ để làm thước đo trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; bảo đảm phù hợp về cơ cấu, độ tuổi, giới tính, dân tộc, vùng miền. Điều này có nghĩa, việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng phải lấy hiệu quả làm thước đo.
Phát huy lợi thế riêng biệt của từng tỉnh, từng xã
- Cũng tại Hội nghị vừa qua, Trung ương đã đánh giá sơ bộ việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; ông nhìn nhận như thế nào về việc thực hiện chủ trương này?
- Dù ở thành thị hay nông thôn, những thay đổi trong bộ máy nhà nước đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Bộ máy tinh gọn hơn, giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, thì chính là người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Từ thực tiễn triển khai và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tôi cho rằng, để mục tiêu “phục vụ dân tốt hơn” thực sự đi vào đời sống, thì điều then chốt nhất là đội ngũ cán bộ. Cán bộ phải chủ động phục vụ người dân, thực sự vì dân phục vụ, đáp ứng tốt nhất, hiệu quả nhất, nhanh nhất yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; đặt lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp lên trên hết, trước hết. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá cán bộ.
- Những quyết sách và chỉ đạo của Trung ương lần này là rất thiết thực, kịp thời, nhất là trong bối cảnh các địa phương trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp sau hợp nhất, sáp nhập. Ý kiến của ông về nội dung này như thế nào?
- Đối với việc xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội cấp địa phương nhiệm kỳ 2025 - 2030, tôi cho rằng, trước tiên các cấp ủy cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh mới, xã mới trong kỷ nguyên mới, chứ không đơn thuần là "cộng cơ học" dự thảo văn kiện của các tỉnh cũ, xã cũ.
Dự thảo văn kiện Đại hội cấp tỉnh và cấp xã cần đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để có thể triển khai ngay trong thực tiễn, đúng phương châm: ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đồng thời phải thực sự “chuyển” hóa được những chủ trương, đường lối của Trung ương thành những nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, sát dân, dễ thực hiện tại địa phương mình.
Dự thảo các văn kiện Đại hội của địa phương không phải là "sao chép lại" chủ trương của Trung ương, mà phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình.
Thực tiễn cho thấy, mỗi địa phương đều có đặc thù riêng. Do vậy, khi xây dựng dự thảo văn kiện đại hội và mô hình phục vụ dân, để có thể vừa bảo đảm chủ trương, định hướng chung, vừa phát huy được lợi thế “ngách” riêng biệt của từng tỉnh, từng xã, thì phải nghiên cứu thật kỹ đặc điểm, thế mạnh, văn hóa, truyền thống, lịch sử... của địa phương mình để vận dụng sáng tạo nhưng vẫn phù hợp, thực tiễn.
- Những quyết đáp của Trung ương tại Hội nghị lần này vừa là những vấn đề mang tầm định hướng chiến lược, vừa rất thực tiễn. Như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là Hội nghị đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng..., thưa ông?
- Việc tổ chức quán triệt sâu rộng kết quả Hội nghị Trung ương 12 là vô cùng cần thiết, bởi thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân sẽ hiểu đúng, thực hiện đúng, đồng thuận cao với các chủ trương, quyết sách vừa được thông qua với sự thống nhất rất cao.
Đất nước đang đổi mới từng ngày. Chúng ta đang đứng trước vận hội mới nhưng cũng đầy thử thách. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp, đan xen cơ hội và thách thức. Bối cảnh tình hình đó đòi hỏi những nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị phải được triển khai và thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất với quyết tâm cao nhất để tiếp tục đổi mới toàn diện, cùng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, phát triển, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
- Xin cảm ơn ông!