Màn bay chào mừng của "hổ mang chúa" SU30-MK2
Một trong những phần được mong chờ nhất tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 là màn bay chào mừng với những "tuyệt kỹ" của các phi công lái tiêm kích "hổ mang chúa" SU30-MK2 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.
SU30-MK2 là tiêm kích đa năng hạng nặng do Tập đoàn SUKHOI của Nga sản xuất, nâng cấp lên từ tiêm kích SU-27, theo định danh NATO là "Flanker-C". Sở hữu tốc độ vượt âm thanh, khả năng tác chiến đa năng, với khả năng đạt tốc độ tối đa hơn 2.000 km/h, loại chiến đấu cơ này có thể thực hiện các nhiệm vụ từ không chiến, tấn công mặt đất cho đến tuần tra bảo vệ vùng trời.
Năm nay nội dung bay trình diễn khác và đặc biệt so với năm 2022 khi bay biên đội với 3 - 4 chiếc tiêm kích trên bầu trời Hà Nội. Trong đó, màn trình diễn tại sân bay Gia Lâm sẽ có các động tác nhào lộn và biểu diễn của từng chiếc tiêm kích SU30-MK2. Đặc biệt chú trọng các mục bay đội hình, bay độ cao thấp đến cực thấp, tăng cường kỹ thuật lái dẫn đường. Ngoài ra, còn có sự phối hợp, hiệp đồng tỉ mỉ hơn giữa chỉ huy bay, các phi công, các số trong biên đội, giữa buồng trước và buồng sau...
Tham gia bay huấn luyện 7 chiếc tiêm kích SU30-MK2 lần này là đoàn phi công của Trung đoàn Không quân 927 và Trung đoàn 923 - những "bậc thầy" dày dặn kinh nghiệm bay và phối hợp ăn ý trong mỗi bài tập.
Đặc biệt, tất cả các phi công được chọn bay chào mừng triển lãm lần này đều là các phi công được tuyển chọn kỹ lưỡng và hoàn toàn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Với các phi công, mỗi chuyến bay là biểu tượng của bản lĩnh và vinh quang của không quân Việt Nam.
Để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi chuyến bay huấn luyện đều phải được lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ thuật từ ngày hôm trước. Dù làm việc trong môi trường khắc nghiệt, với tiếng ồn tần suất cao, các cán bộ kỹ thuật vẫn luôn duy trì sự tập trung cao độ, bảo đảm mỗi công đoạn kiểm tra đều đạt độ chính xác tuyệt đối.
Lực lượng quân khuyển lần đầu tham gia trình diễn
Lần đầu tiên lực lượng quân khuyển tham gia trình diễn ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho sự kiện tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024; với khoảng 150 cán bộ chiến sĩ cùng 120 quân khuyển của Trường Trung cấp 24 Biên phòng, luyện tập suốt nhiều ngày qua để sẵn sàng trình diễn tại Lễ khai mạc Triển lãm.
Quân khuyển sẽ trình diễn các nội dung: cơ bản kỹ thuật, vượt qua vòng lửa, đánh bắt tội phạm trong quá trình tuần tra thực hiện nhiệm vụ biên giới; đánh bắt tội phạm khủng bố kết hợp lực lượng đặc công.
Triển lãm dự kiến trưng bày nhiều loại khí tài trang bị trong biên chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên diện tích 10.300m2, tăng nhiều so với Triển lãm năm 2022. Đặc biệt, Triển lãm sẽ đổi mới công nghệ trình chiếu trong trưng bày, sử dụng công nghệ 3D mapping mô hình sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh; công nghệ thực tế ảo VR mô phỏng diễn biến của các giai đoạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ với các đợt tấn công của quân đội ta ở cánh đồng Mường Thanh; các mô hình xe tăng số hiệu 843 và 390 cũng sẽ được mô phỏng, tiến vào dinh Độc Lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Theo Thiếu tá Lưu Quang Liệu, Chủ nhiệm Bộ môn cơ bản kỹ thuật thế lực, Khoa huấn luyện chó chiến đấu, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, ngay sau khi được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng giao nhiệm vụ, đơn vị đã lựa chọn kỹ lưỡng huấn luyện viên và quân khuyển tham gia lễ khai mạc.
Quá trình tuyển chọn lực lượng, chuẩn bị và huấn luyện quân khuyển bắt đầu từ đầu tháng 3. Quân khuyển được tuyển chọn từ becgie Đức và becgie Bỉ (malinois) - hai dòng chiến đấu có sức khỏe, sức bền và đội hình đồng đều; đạt nhiều tiêu chuẩn khắt khe về ngoại hình, thần kinh.
Trong số này, có những quân khuyển từng tham gia công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất thảm khốc ở Làng Nủ (Lào Cai) hồi tháng 9; tham gia bới bùn tìm nạn nhân ở Rào Trăng (Thừa Thiên Huế) hay cả ở vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ... Cả đội hình quân khuyển đang dốc sức luyện tập để góp mặt trình diễn làm nhiệm vụ mới.
Quá trình hợp luyện với các lực lượng khác, đòi hỏi quân khuyển phải làm quen với âm thanh, tiếng nổ. Đối với những quân khuyển lần đầu tham gia, Trường Trung cấp 24 Biên phòng lên kế hoạch từng giai đoạn, thành lập phản xạ huấn luyện, làm quen âm thanh từ xa đến gần, phối hợp lực lượng đến hợp luyện.
Theo Ban Tổ chức, Triển lãm có sự tham gia của khoảng 2.200 cán bộ, chiến sĩ; trong đó có các đặc công sẽ trình diễn 4 tiết mục chính, mỗi tiết mục mang đậm dấu ấn văn hóa, tinh thần dân tộc và khát vọng hòa bình… Mỗi tiết mục biểu diễn là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật, nghệ thuật và bản sắc dân tộc, thể hiện sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.