Thể hiện sinh động bức tranh kinh tế - xã hội đa sắc, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao
Ts. Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Quốc hội vừa khép lại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Tám. Qua phát biểu của đại biểu Quốc hội đã cho thấy rõ nét một bức tranh kinh tế - xã hội đa sắc màu với những thành tựu nổi bật thể hiện sinh động qua ba gam màu sáng rõ được cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi, đánh giá cao.
Bảo đảm năng suất lao động tăng bền vững và ổn định
Trước hết, đã thảo luận kinh tế - xã hội thì không thể không nói đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước vừa đi qua 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và cơn bão số 3 (Yagi) mà 70 năm trên đất liền mới gặp lại với sức tàn phá vô cùng khủng khiếp, gây thiệt hại nặng nề cho 26 tỉnh, thành và một số tỉnh Bắc Trung bộ.
Nhưng với tinh thần, ý chí Việt Nam, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “vượt nắng, thắng mưa”; “ba ca, bốn kíp”…, tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng năm 2024 đạt 6,82%, ước cả năm có thể đạt tới 7%, cao hơn mục tiêu kế hoạch 6-6,5% đề ra, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của Thái Lan năm 2024 chỉ tăng 2,4%, Singapore 3%, Malaysia 4,9%... Nhờ giữ được nhịp tăng trưởng cao mà kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao).
Thứ hai, nếu như trong những năm đại dịch Covid-19, năng suất lao động tụt giảm, thì năm 2024 đã tăng trở lại và tăng tương đối khá. Cụ thể, năm 2021 năng suất lao động chỉ tăng 4,71% so với kế hoạch (phải tăng 4,8%). Tương tự, năm 2022 tăng 4,8% so với kế hoạch là 5,2%; năm 2023 tăng 4,8% so với kế hoạch là 5-6%. Năm 2024 ước đạt 5,56% trong khi kế hoạch là 4,8-5,3%.
Có nhiều yếu tố tác động đến tăng năng suất lao động, trong đó có yếu tố chất lượng nguồn nhân lực. Tuy còn nhiều điều phải bàn nhưng nhìn tổng thể, có thể thấy, chất lượng nguồn nhân lực đã được nâng lên một bước (trong đội ngũ lao động, có xấp xỉ 70% được huấn luyện, thì có hơn 28% có chứng chỉ nghề hoặc có bằng cấp thay vì chỉ hơn 60% được huấn luyện và chỉ 25% có bằng cấp, chứng chỉ như nhiều năm trước.
Tuy vậy, một số đại biểu đã lưu ý rằng, phải bảo đảm năng suất lao động tăng bền vững và tăng ổn định thì mới yên tâm.
Thứ ba, trong hoàn cảnh khó khăn, nhất là khi xảy ra thiên tai, bão lũ, bên cạnh sự lo toan của Nhà nước (chỉ một đợt đã xây dựng xong 5.000 căn nhà đại đoàn kết để xóa nhà tạm, nhà dột nát, cấp 432 tấn gạo, hỗ trợ 430 tỷ đồng cho đồng bào ở một số địa phương khó khăn, giáp hạt, bão lũ, sạt lở đất...), thì ý chí, sức mạnh đoàn kết, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của con người Việt Nam lại càng tỏa sáng mạnh mẽ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân các vùng miền trên cả nước đã đóng góp hơn 2,15 nghìn tỷ đồng cùng nhiều vật dụng thiết yếu khác, khẩn cấp ủng hộ đồng bào những nơi bị cơn bão số 3 tàn phá.
Tổng hợp ý kiến phát biểu của các đại biểu cho thấy, hậu quả của cơn bão Yagi là vô cùng lớn (Chính phủ đã báo cáo có tới 344 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản lên đến hơn 81 nghìn tỷ đồng). Về mặt tạo nguồn lực và cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 7 quyết định chi hỗ trợ. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói rằng: Chưa bao giờ chúng tôi thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau bão Yagi; sau cơn bão chúng tôi phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống liên quan đến hạ tầng nông nghiệp để thích ứng bền vững.
Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc
Trong phiên thảo luận, đã có một số đại biểu phát biểu liên quan đến tư duy pháp luật. Đây là câu chuyện mà hầu như Quốc hội từ Khóa IX đến nay, khóa nào cũng đề cập ít nhất một lần. Riêng Khóa XV này đã bàn nhiều lần, đặc biệt là trong lần thảo luận học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quán triệt việc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật với 8 tính chất: đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch; và triển khai kế hoạch cụ thể của cả nhiệm kỳ theo Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Tuy không đặt thành nhiệm vụ cụ thể nhưng khá nhiều đại biểu phát biểu theo tinh thần cần chuyển đổi tư duy làm luật. Các nhiệm kỳ Quốc hội đều luận bàn đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, qua theo dõi có thể rút ra ba phương án ở ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới (những năm 1986 - 2000): Do chuyển đổi từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa sang thể chế kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, chúng ta chưa có nhiều kiến thức kinh tế hàng hóa đa thành phần cũng như kiến thức kinh tế thị trường nên hầu hết các luật về kinh tế đều được xây dựng theo dạng luật khung, luật nguyên tắc.
Giai đoạn thứ hai, sau nhiều năm, tiếp cận với nền kinh tế mới, hòa nhập khu vực, hội nhập quốc tế, chúng ta khẳng định mô hình kinh tế, đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống” chậm đi vào cuộc sống, khó thi hành nên chúng ta chuyển sang xây dựng luật cụ thể, luật chi tiết.
Giai đoạn thứ ba, bắt đầu từ giữa nhiệm kỳ khóa XI: Lúc này Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Trong định hướng, Nghị quyết chỉ rõ, “Hoàn thiện pháp luật về quy trình xây dựng, ban hành và công bố văn bản quy phạm pháp luật thống nhất cho cả Trung ương và địa phương, theo hướng Quốc hội ban hành luật, giảm dần việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh; Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi hành luật... Xác lập cơ chế bảo đảm luật được thi hành ngay khi có hiệu lực”.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có nhiều vấn đề mới, không phải vấn đề nào cũng có thể luật hóa chi tiết, cụ thể được ngay, vì thế Quốc hội đã thực hiện như tinh thần Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị mà sau này đã xác định, “Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng”.
Và đến thời điểm hiện nay, (có thể coi là bước sang giai đoạn thứ tư), với định hướng: Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc.
Theo quy trình xây dựng luật hiện hành, riêng về khối lượng công việc pháp chế của Chính phủ cũng hầu như không thay đổi mà chỉ chuyển đổi thời gian thực hiện. Hiện tại, hơn 95% các dự án luật đều do Chính phủ trình và việc tổ chức hướng dẫn thi hành luật là những nhiệm vụ không thay đổi của Chính phủ. Nếu Chính phủ trình dự án luật chi tiết, cụ thể thì có nghĩa là khi luật được thông qua, sẽ ít vấn đề phải hướng dẫn; nếu Chính phủ trình dự án luật khung, luật nguyên tắc có nghĩa sẽ phải hướng dẫn rất nhiều điều, khoản sau khi luật được thông qua. Xét thêm yếu tố thời gian thì chắc chắn thời thời gian thông qua luật khung, luật nguyên tắc sẽ ngắn hơn thời gian thông qua luật chi tiết.
Do đó, có thể thời gian kỳ họp Quốc hội sẽ được rút ngắn - một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm nhiều.
Diễn ra trong một ngày làm việc, thông qua phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã phản ánh đa dạng thông tin từ các vùng miền trên cả nước được cử tri tin tưởng gửi gắm, giúp Nhà nước có thêm nhiều “chất liệu”, giải pháp cho quá trình xây dựng, đề xuất ban hành chính sách, luật pháp khả thi hơn; quản lý, điều hành hoạt động của nền kinh tế - xã hội hiệu lực, hiệu quả hơn.