Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Thể hiện rõ quan điểm nhân văn của Nhà nước

- Thứ Năm, 10/12/2020, 06:33 - Chia sẻ
Người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là đối tượng đặc biệt, cần được ưu tiên bảo vệ và bảo đảm các quyền lợi của trẻ em theo Công ước quốc tế. Nhấn mạnh điều này, tại Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho đối tượng này trong thời gian cai nghiện bắt buộc, thể hiện rõ quan điểm mang tính nhân văn của Nhà nước ta.

Cân nhắc tiếp tục áp dụng cai nghiện bắt buộc

Các biện pháp cai nghiện đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 31, dự thảo Luật. Theo đó, cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

	Học viên học nghề tại cơ sở cai nghiện ma túy Ảnh Nhật Thy
Học viên học nghề tại cơ sở cai nghiện ma túy
Ảnh Nhật Thy

Trường hợp cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy, hoặc đã cai nghiện ma túy tự nguyện nhưng vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, hoặc trong quá trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có vi phạm bị chấm dứt điều trị theo quy định của Chính phủ và tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Dự thảo Luật cũng quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 6 tháng đến 12 tháng.

Góp ý về nội dung này tại Kỳ họp thứ Mười, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, dự thảo Luật quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và 6 tháng đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó là có sự phân biệt về thời hạn quản lý giữa người từ đủ 18 tuổi trở lên với người dưới 18 tuổi.

ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, độ tuổi không nói lên được thời gian người này tiếp cận, sử dụng trái phép chất ma túy là mới hay đã lâu, cũng như liều lượng, cường độ sử dụng nhiều hay ít. Mặt khác, tình hình học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Điều này chứng tỏ ma túy ngày nay không phân biệt độ tuổi. Đại biểu Trương Thị Yến Linh đặt câu hỏi: Do đâu chúng ta lại căn cứ độ tuổi để quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy?

Cùng quan điểm này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, cần giải thích thật sự rạch ròi, có căn cứ về sự khác nhau trong thời hạn quản lý người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và người nghiện ma túy dưới 18 tuổi. Đại biểu cũng đề nghị, cân nhắc bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy.

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ em 

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý vấn đề này tại phiên họp thứ 51, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ và biện pháp phải khác so với đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Đó là quan điểm mang tính nhân văn của Nhà nước ta. Nếu quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy thì vô tình coi đối tượng này giống như trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên. Do vậy, Thường trực Ủy ban "giữ như dự thảo Chính phủ trình".

Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Mười về dự thảo Luật này, một số ĐBQH kiến nghị đánh giá tác động chính sách từ các điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện chế độ học tập văn hóa, từ cơ sở vật chất, nguồn lực, đội ngũ nhân viên công tác xã hội cho đến chương trình giáo dục phổ thông dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này để có quy định phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội thấy rằng, được học tập văn hóa là một trong các quyền trẻ em, tuy nhiên còn nhiều quyền khác của trẻ em cũng cần được ưu tiên như: Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần; được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể; quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Để bảo đảm đầy đủ quyền được học văn hóa của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, với thời gian cai nghiện ma túy từ 6 tháng đến 12 tháng, trong  điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của các cơ sở cai nghiện ma túy như hiện nay  thì việc quy định cụ thể trong Luật sẽ khó bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề xuất tiếp thu ý kiến của ĐBQH theo hướng quy định các cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm quyền lợi tốt nhất đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời gian cai nghiện bắt buộc.

Một số ĐBQH cũng ý kiến đề nghị việc lập hồ sơ đưa người cai nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc cần được quy định ngay trong Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật dự kiến được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung một điều về lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó, quy định hồ sơ phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan bảo vệ quyền trẻ em với các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân và đề xuất phương án quản lý tốt nhất cho từng trường hợp.

Nhất trí với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình bày tại phiên họp sáng qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình đề nghị, nên lưu ý đến quy định về điều kiện đối với cơ sở cai nghiện bắt buộc giữ các em từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi.

Việc thực hiện các quy định về biện pháp cai nghiện đối với người 18 tuổi trở lên hiện nay tương đối thuận lợi nhưng đối với trẻ em từ đủ 12 đến 18 tuổi thì phải tính toán hết sức kỹ, vì đối tượng này đang trong độ tuổi đi học, vui chơi, cho nên việc đưa vào cai nghiện bắt buộc còn liên quan đến quyền trẻ em và các vấn đề nhân đạo... Nếu đưa các cháu vào cai nghiện bắt buộc từ 6 tháng đến 1 năm thì việc bảo đảm học hành cho các cháu như thế nào? Nêu thực tế này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trong dự thảo Luật thiết kế theo hướng: Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không coi là biện pháp xử lý hành chính.

Trao đổi, làm rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, tại Điều 34, dự thảo Luật đã quy định rất rõ cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí khu riêng đối với các đối tượng, trong đó có đối tượng từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi. Chỉ có cụm từ này trong Khoản 5, Điều 34, nếu sửa lại một chút sẽ đầy đủ hơn. Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Điểm c, Khoản 5, Điều 34 quy định: Cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm bảo đảm tốt nhất quyền lợi đối với người nghiện ma túy đề nghị sửa lại thành có trách nhiệm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em đối với người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời gian cai nghiện bắt buộc, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em mà Việt Nam tham gia.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đối với trẻ em từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi đi cai nghiện tập trung thì cần có một điều riêng. Cần chỉnh lý thống nhất với các luật khác, bảo đảm quyền lợi tốt nhất, lợi ích tốt nhất cho các em, dù đi cai nghiện nhưng quyền con người, quyền trẻ em mà chúng ta đã cam kết trong Công ước quốc tế vẫn phải được bảo đảm.

Nhật An