Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Thể hiện đúng ý nguyện của Nhân dân

- Thứ Tư, 17/03/2021, 06:49 - Chia sẻ
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao dân trí, tạo điều kiện “chính danh” cho ứng cử viên, một yêu cầu quan trọng hiện nay là các hội nghị hiệp thương tiếp theo cần được bảo đảm thể hiện đúng ý nguyện của Nhân dân. Muốn vậy, cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên, cần mở rộng thành phần tham dự và cơ chế giám sát đối với các hội nghị hiệp thương; thông tin hiệp thương phải được bàn bạc, thống nhất trong BCH các tổ chức này trước khi người đại diện tham dự hội nghị và biểu quyết.

Phản ánh trung thực ý chí của Nhân dân

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định nhất quán: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Công dân trực tiếp thực hiện quyền chính trị thiêng liêng của mình, thiết lập nên quyền lực nhà nước bằng việc bầu ra Quốc hội, HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, với mỗi khóa Quốc hội và nhiệm kỳ HĐND là 5 năm. Đó là những tiến bộ ưu việt trong thể chế bầu cử của nước ta, bảo đảm hướng tới mục tiêu cốt lõi phản ánh đầy đủ, trung thực ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Thực hành dân chủ trong bầu cử chính là để bảo vệ và phát huy những thành quả cách mạng của dân tộc mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu xây dựng nên. Bầu cử sẽ phát huy và phát triển quyền dân chủ sinh hoạt chính trị toàn dân. Thông qua đó, làm cho mọi công dân thực sự tham gia vào công việc của Nhà nước, làm cho nền tảng xã hội càng sâu rộng, ý thức chính trị và khả năng tham gia vào đời sống chính trị của Nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Hội nghị hiệp thương lần thứ Hai thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2021-2026 - ẢNH TRẦN THOA
Hội nghị hiệp thương lần thứ Hai thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2021-2026
Ảnh: Trần Thoa

Để “chính danh” ứng cử viên

Cố nhiên, dân chủ trong bầu cử phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nền dân chủ cộng hòa của nhân loại có lịch sử ra đời hàng nghìn năm cũng chưa thể có hình mẫu hoàn chỉnh tuyệt đối. Ngay cả những nước văn minh, giàu có, dân trí cao, với thể chế bầu cử dân chủ gọi là hoàn thiện vào loại bậc nhất cũng có những vấn đề còn gây tranh cãi, thậm chí dẫn đến bạo lực. Thể chế bầu cử nước ta cũng vậy, từ ngày Độc lập 2.9.1945 đến nay, dù phải trải qua hơn 30 năm trong điều kiện chiến tranh - vẫn luôn được duy trì nhất quán theo nguyên tắc tiến bộ: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tuy vậy, trong thực tiễn không thể tránh khỏi những hạn chế, bất cập cần khắc phục.

Thứ nhất, phải cải thiện, nâng cao dân trí. Dân trítrọng tâm hiện nay chính là ý thức về quyền và trách nhiệm của mỗi người dân. Họ có thể thờ ơ bầu cử hoặc chưa đúng khi “chọn mặt gửi vàng”, nhưng không thể coi đó là hạn chế khách quan, xã hội dân chủ không chấp nhận mãi như vậy. Hệ thống chính trị cần hiểu và quan tâm người dân đang nhận thức về tự do dân chủ, hiểu biết về quyền công dân, quyền ứng cử, quan tâm đến vấn đề bầu cử ở mức độ nào. Muốn vậy, không chỉ dựa vào các báo cáo tổng kết bầu cử đôi khi còn nặng tính chủ quan và bệnh thành tích, mà cần tổ chức nghiên cứu khoa học, đánh giá khách quan để có giải pháp hiệu quả. Đó là trách nhiệm của Đảng và chính quyền trong việc chuyển hóa các giá trị dân chủ vào đời sống, hun đúc lòng tin của dân chúng.

Thứ hai, về tính “chính danh” của ứng cử viên. Quyền ứng cử được Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015 quy định có hai hình thức: Người được các tổ chức hợp pháp giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Tuy vậy, trên thực tế số người có tâm huyết tự ứng cử và trúng cử còn rất ít. Bất cập này do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể có 2 nguyên nhân chính: (1) Dân trí và sự dấn thân; (2) Quy định phân bổ số lượng người cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang Nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế được giới thiệu ứng cử mà thiếu quy định phân bổ khác dành cho người tự ứng cử. Với truyền thống văn hóa “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, người tự ứng cử cảm thấy chưa “chính danh”, cử tri cũng chú ý đến họ trong sự nghi ngờ. Thiển nghĩ, nên có cơ chế thích hợp để những người có tâm huyết thực sự muốn cống hiến, phục vụ Nhân dân tự ứng cử; bởi họ thường là những người chính trực, coi trọng liêm sỉ, không màng danh lợi, không cầu cạnh. Đó chính là sự biểu thị trọng dân, tin dân.

Thứ ba, về quy trình hiệp thương. Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử là quá trình thực hành dân chủ, phối hợp và thống nhất ý chí, hành động giữa các tổ chức thành viên của MTTQ, nhằm định hướng cơ cấu, lựa chọn sơ bộ, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử để giúp Nhân dân lựa chọn cuối cùng. Đây là cơ chế dân chủ bảo đảm phản ánh tính chất đại diện của đại biểu trong cơ quan quyền lực nhà nước, duy trì sự ổn định chính trị, nâng cao chất lượng ứng cử viên.

Tuy nhiên, nếu nguyên tắc hiệp thương không được tuân thủ chặt chẽ, hoặc chỉ đơn thuần như một thủ tục để hợp thức hóa hồ sơ bầu cử theo luật định thì sẽ không bảo đảm thể hiện đúng ý chí Nhân dân. Chẳng hạn như: Thành phần mời dự hiệp thương; cách thức, thời gian tổ chức hội nghị; việc cung cấp thông tin, thảo luận và hình thức biểu quyết, sự tham gia giám sát của xã hội… là những vấn đề thường bộc lộ hạn chế, cần được chú ý cẩn trọng, chặt chẽ. Có ý kiến cho rằng, một số tổ chức thành viên của MTTQ không thể đại diện cho Nhân dân và các thành viên trong tổ chức vì chất lượng hoạt động tổ chức đó kém, thiếu sâu sát cơ sở và hội viên. Cũng có những người tuy đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định nhưng không thể trở thành ứng cử viên chính thức sau hiệp thương mà không được giải thích rõ ràng, thuyết phục theo tinh thần dân chủ.

Vì vậy, cùng với kiến nghị mở rộng thành phần tham dự và cơ chế giám sát đối với các hội nghị hiệp thương, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên; thông tin hiệp thương phải được bàn bạc, thống nhất trong BCH các tổ chức này trước khi người đại diện tham dự hội nghị và biểu quyết.

Thứ tư, về công tác tuyên truyền. Không chỉ coi trọng tuyên truyền pháp luật mà cần chú ý tuyên truyền khuyến khích các ứng cử viên xây dựng chương trình hành động thiết thực, cụ thể, cam kết giữ lời hứa khi trúng cử. Cung cấp thông tin, công khai rộng rãi tiểu sử, chương trình tranh cử của các ứng cử viên đến từng hộ gia đình như một số nơi đã làm để người dân giám sát, tìm hiểu sâu, kỹ hơn, hạn chế hội họp thời Covid. Tuyên truyền càng sâu rộng thì dân chủ càng được phát huy, thu phục được nhân tâm, lòng tin; khiến cho những kẻ cơ hội, những thông tin xấu, bịa đặt không thể lung lạc được lòng dân.

ThS.Nguyễn Vân Hậu