Chính trị

Thể hiện dòng chảy đổi mới của Quốc hội từ năm 2011 đến nay

Thái Minh 11/07/2025 18:59

Góp ý dự thảo sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026)" sáng 11/7, nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà lịch sử cho rằng bên cạnh bảo đảm tính chính xác, khoa học, sách phải thể hiện dòng chảy đổi mới của Quốc hội từ năm 2011 đến nay.

Bảo đảm chính xác, toàn diện

Nhằm hoàn thành bộ sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam" qua 80 hình thành và phát triển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa và Xã hội (trước đây là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Quốc hội tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026)" nhằm tổng kết, giới thiệu về lịch sử tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam Khóa XIII, XIV và XV.

Ban biên soạn sách được thành lập ngày 27/3/2024, gồm một số cán bộ Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội.

Hội thảo có sự tham gia của nguyên lãnh đạo Ủy ban Văn hóa và Xã hội, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học lịch sử
Hội thảo góp ý dự thảo sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026) có sự tham gia của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học lịch sử. Ảnh: Hồ Long

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, Ban Biên soạn đã tổ chức sưu tầm hàng trăm đầu mục tài liệu, với hàng chục nghìn trang tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Quốc hội như: các văn kiện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các kỳ bầu cử Quốc hội; kỷ yếu các kỳ họp Quốc hội; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội...

Trên cơ sở tài liệu sưu tầm được, Ban Biên soạn xây dựng Đề cương nghiên cứu và đề cương chi tiết. Ban Biên soạn xác định rõ đối tượng, phạm vi nghiên cứu và thống nhất với những nội dung đã biên soạn của 2 tập (tập 3 và 4) Lịch sử Quốc hội (từ năm 1976 - 2011); đồng thời, bám sát đề cương chi tiết mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt.

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thay mặt Ban biên soạn báo cáo quá trình nghiên cứu, biên soạn và một số nội dung chính của dự thảo sách
PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, báo cáo quá trình nghiên cứu, biên soạn và một số nội dung chính của dự thảo sách. Ảnh: Hồ Long

Nghĩa là tái hiện rõ các kỳ bầu cử Quốc hội; trình bày sự phát triển về tổ chức, bộ máy và hoạt động của các kỳ họp Quốc hội, với những nội dung cơ bản: hoạt động lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; công tác giám sát, hoạt động đối ngoại của Quốc hội; công tác dân nguyện và việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội.

“Để kịp tiến độ nghiệm thu và xuất bản sách đúng dịp kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam vào tháng 1/2026, bản thảo mới chỉ dừng lại ở thời điểm kết thúc Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, tháng 6/2025”, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên cho biết.

Nhiều ý kiến nhận định, việc nghiên cứu, biên soạn sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V có ý nghĩa rất quan trọng, yêu cầu phải bảo đảm chất lượng, phản ánh đầy đủ, toàn diện, chính xác, khách quan, khoa học quá trình phát triển về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ hoạt động.

Thể hiện rõ hoạt động của Quốc hội

Theo nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật, việc biên soạn và xuất bản sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026) là sự tiếp tục ghi nhận và khẳng định đóng góp của Quốc hội đối với đất nước; đặc biệt là để thế hệ sau hiểu rõ, trân trọng và phát huy vai trò, vị trí của Quốc hội trong hệ thống chính trị.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học
Nguyên Viện trưởng Viện Sử học PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật đánh giá cao việc biên soạn và xuất bản sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026). Ảnh: Hồ Long

Dự thảo sách bố cục tương đối hợp lý với 3 chương chia theo 3 khóa Quốc hội, mỗi chương chia làm hai mục lớn và các tiểu mục nhỏ có tiêu đề tương thích với nội dung trình bày. Đa số tài liệu tham khảo được trích dẫn là tài liệu gốc, có độ tin cậy cao, gồm các văn bản của Đảng, Quốc hội. Văn phong trình bày mang tính quan phương, chính luận.

“Tuy nhiên, đặt tiêu đề các tiểu mục cần ngắn gọn, súc tích, có sự thống nhất trong cách trình bày. Hoạt động của Quốc hội từ tháng 7/2025 đến đầu năm 2026 có thể tiếp tục bổ sung trước khi xuất bản tháng 1/2026”, PGS. TS Nguyễn Văn Nhật góp ý.

Lịch sử hoạt động Quốc hội trong 3 khóa XIII, XIV, XV được đặt trong bối cảnh đặc biệt, do đó thông tin bối cảnh cũng cần cụ thể hơn, rõ nét hơn. Nhận định như vậy, TS. Võ Văn Bé, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho rằng, nên đưa bối cảnh chung cũng như một số nét đặc thù của tình hình trong nước và quốc tế liên quan để thể hiện rõ hoạt động của Quốc hội trước những tác động của thời cuộc.

“Bên cạnh đó, tính chính xác của một ấn phẩm về lịch sử cực kỳ quan trọng. Ban soạn thảo cần rà soát một loạt mốc thời gian, sự kiện…, đối chiếu với dữ liệu gốc, trích dẫn theo dữ liệu gốc. Cách trình bày một số nội dung cần kiểm tra lại để có sự tương đồng, thống nhất" - TS. Võ Văn Bé chỉ ra.

Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cùng đông đảo chuyên gia, nhà khoa học về lịch sử
Hội thảo có sự tham gia của đại biểu Quốc hội các thời kỳ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh, bên cạnh bảo đảm tính chính xác, khoa học, sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V phải thể hiện dòng chảy đổi mới của Quốc hội từ năm 2011 đến nay. Hàng năm đều công bố 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu trong năm của Quốc hội, Ban soạn thảo có thể dựa vào đó để nêu ra những điểm nhấn, làm toát lên những thành tựu, đổi mới của Quốc hội.

“Ngoài ra, đứng ở góc độ độc giả, tôi rất mong sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V bổ sung những nội dung liên quan đến công tác dân nguyện, góp phần thể hiện và khẳng định niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cũng như có thêm nội dung về các nữ đại biểu Quốc hội, số lượng người dân tham gia các đợt tiếp xúc cử tri… làm nổi bật tính chất dân chủ, minh bạch của Quốc hội ta”, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm gợi ý.

Những ý kiến đóng góp thẳng thắn, sâu sát, khoa học, tâm huyết tại hội thảo giúp Ban biên soạn cuốn sách nắm bắt đầy đủ hơn bối cảnh, đặc điểm, hoạt động, điểm nổi bật của từng khóa Quốc hội. Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cuốn sách với chất lượng cao nhất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thể hiện dòng chảy đổi mới của Quốc hội từ năm 2011 đến nay
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO