Thế giới đa sắc màu của đồ chơi và trò chơi dân gian
Trong 2 ngày 29 - 30.9, công chúng đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được hòa mình vào thế giới đa sắc màu của đồ chơi và trò chơi dân gian. Có thể coi lễ hội Trung thu 2012: Vui cùng đồ chơi dân gian là dịp để khơi gợi hứng thú của trẻ em đối với đồ chơi và trò chơi dân gian.
Trò chơi, đồ chơi dân gian vẫn hấp dẫn
Từ nhiều năm nay, đồ chơi dân gian được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giới thiệu vào dịp Tết Trung thu hàng năm, nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận và biểu biết thêm về đồ chơi truyền thống của Việt Nam, qua đó khích lệ, tôn vinh các thợ thủ công, làng nghề làm đồ chơi truyền thống. Trung thu 2012, hơn 20 trò chơi dân gian cùng hơn một chục loại đồ chơi truyền thống được giới thiệu, trong đó một số đồ chơi, trò chơi truyền thống của người dân đô thị cổ Hội An lần đầu tiên góp mặt, như chơi bài chòi, làm đèn lồng Hội An, nặn và trang trí con thổi... Các em nhỏ, cả Tây và ta, say sưa học làm đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, tô vẽ mặt nạ, tàu thủy sắt tây... Tay chân, mặt mũi lấm lem màu mực, nhưng ai cũng tỏ ra thích thú với những sản phẩm do chính mình làm ra. Khu vực các trò chơi dân gian cũng sôi động với nhảy bao bố, nhảy dây, kéo co, bịt mắt đập niêu, đi goòng…
![]() |
Chị Tiffany (Anh) dẫn 2 con nhỏ tham gia hết trò chơi này đến trò chơi khác, từ tô mặt nạ đến làm bánh dẻo, tìm hiểu con thổi, đi cầu thăng bằng… Tiffany cho biết, ở Anh vào mùa hè cũng có các hội chợ tương tự tổ chức tại các làng quê, nhưng đồ chơi và trò chơi không phong phú như ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. “Đây thực sự là cơ hội cho trẻ hòa nhập cộng đồng, tìm hiểu và đắm mình trong thế giới của những trò chơi đậm sắc thái địa phương, thỏa sức tưởng tượng…”.
Vợ chồng bác sỹ tâm lý Daniel Fisher (Boston, Mỹ) cũng thích thú khi vô tình được hòa mình vào không khí Tết Trung thu ở Việt Nam. Không chỉ dành thời gian tìm hiểu những trò chơi dân gian lạ mắt, những đồ chơi thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của thợ thủ công Việt Nam, ông bà Daniel Fisher đặc biệt ấn tượng với các gian hàng bán mỳ Quảng, cao lầu, bánh đập của Hội An. “Ở đất nước chúng tôi, ngay cả các lễ hội vùng nông thôn cũng không có gian hàng ẩm thực đặc sản địa phương, mà toàn đồ ăn nhanh. Các bạn đã khôn khéo kết hợp quảng bá ẩm thực độc đáo của mình. Thật tuyệt vời”.
![]() Tô mặt nạ |
Trăn trở giữ nghề
Ông Nguyễn Văn Quyền, làng Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội, được Bảo tàng mời đến trình diễn và hướng dẫn khách tham quan cách làm đèn kéo quân. Ông khoe, sáng 29.9 (tức 14.8 ÂL), người nhà gọi điện thông báo, hơn 200 chiếc đèn kéo quân gia đình ông làm dịp Trung thu năm nay đã bán hết. Một vị khách đang hướng dẫn con dán đèn kéo quân cạnh đó cho biết thêm, trên phố Hàng Mã cũng không còn chiếc đèn kéo quân nào. Thông tin về việc đồ chơi Trung Quốc có thể gây độc hại cho con trẻ cũng như tính bạo lực của chúng khiến nhiều phụ huynh tìm về đồ chơi truyền thống. Nhờ thế những chiếc đèn kéo quân của ông Quyền bán chạy hơn và lượng tiêu thụ cũng nhiều hơn. Tương tự là những chiếc trống con của gia đình chị Vũ Thị Là ở Yên Mỹ, Hưng Yên hay tàu thủy sắt tây chạy bằng hơi nước của gia đình chị Nguyễn Thị Thuyết ở Thanh Xuân, Hà Nội…
![]() |
Tuy vậy, những tín hiệu đáng mừng trên không làm vơi bớt nỗi lo thất truyền đồ chơi dân gian. Chị Nguyễn Thị Thuyết kể, vợ chồng chị làm cật lực mỗi năm cũng chỉ được khoảng trên dưới 1.000 chiếc tàu thủy, trừ chi phí, mỗi tháng hai vợ chồng thu về khoảng 2 triệu đồng, nhưng phải hết một năm, qua dịp Trung thu mới cầm được tiền trong tay. “Nếu không có dãy nhà làm thêm cho sinh viên thuê, có lẽ vợ chồng tôi chả còn trụ lại với nghề này cho đến tận bây giờ được”.
Không gọi làm đèn kéo quân là một nghề, ông Quyền chỉ coi đây là một thú vui, bởi thu nhập quá thấp, “thấp hơn cả người đi làm phụ may”. Giá một chiếc đèn kéo quân thường chỉ 150.000 đồng, trong khi tiền mua nguyên liệu đã mất hơn một nửa, mà một ngày giỏi lắm cũng chỉ làm được 1 chiếc. Vì thế, trong làng giờ chỉ còn một vài gia đình làm đồ chơi này, và chỉ vào dịp Tết Trung thu. Con cái ông cũng chẳng ai quan tâm. Ông Quyền nhận lời tham gia trình diễn và hướng dẫn làm đèn kéo quân tại Bảo tàng như là một cách để giữ cho thú chơi của mình không bị biến mất. “Nhiều người biết làm tức là còn nhiều người thích và như thế đèn kéo quân sẽ được duy trì”.
Mong muốn của những người như ông Quyền, chị Thuyết là được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng trước mắt là ngày càng có nhiều người biết và thích thú đồ chơi truyền thống. Họ sẵn sàng truyền nghề để một phần văn hóa truyền thống không bị mai một.