Thế giới cùng đối phó với nợ công

Thành An 14/08/2011 07:18

Giá vàng liên tiếp lập những đỉnh cao mới, thị trường chứng khoán chao đảo với sắc đỏ ngập tràn, thế giới dường như đang quay cuồng trong cơn lốc suy thoái mới. Nợ công đã thực sự trở thành một hiểm họa đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Bão tài chính đã đi qua, song hậu quả của nó quá lớn, buộc thế giới một lần nữa phải cùng chung sức đối phó với nguy cơ suy thoái kép.

Thế giới cùng đối phó với nợ công ảnh 1
Nguồn: amazonaws.com

Nền kinh tế thế giới liên tục phát đi những tín hiệu đáng lo ngại. Trước tiên, đó là tình trạng nợ như chúa chổm. Quốc hội Mỹ đã phải nâng mức trần nợ công lên hơn 16.000 tỷ USD. Ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khủng hoảng nợ lan từ Hy Lạp, Ireland sang Italy, Tây Ban Nha, đe dọa gây nên hiệu ứng domino đánh sập nền kinh tế khu vực. Trước những nguy cơ kinh tế suy giảm và thực tế đà phục hồi mong manh của các nền kinh tế lớn, giá vàng và giá dầu tiếp tục lập những kỷ lục mới, song theo chiều ngược nhau. Vàng đã trở thành nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư và lên đỉnh cao mọi thời đại - hơn 1.700 USD/oz, trong khi giá dầu lui về mức 81 USD/thùng- mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Thị trường trái phiếu vì thế ngập tràn sắc đỏ khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Thêm vào đó, sự kiện cuối tuần trước, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) hạ mức xếp hạng tín dụng “vàng” AAA của Mỹ càng khiến thị trường chao đảo. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 634,76 điểm, tương đương 5,55%, xuống còn 10.809,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm mạnh tới 6,66% xuống còn 1.119,46 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng giảm gần 7% xuống còn 2.357,69 điểm.

Dồn dập những tin tức xấu từ kinh tế buộc các nước không còn sự lựa chọn nào khác là phải cùng phối hợp hành động. Đã có những bước đi đầu tiên. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ tích cực triển khai kế hoạch mua trái phiếu của các nước thuộc Eurozone nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ nhấn chìm nhiều nền kinh tế tại lục địa già. Sau khi cân nhắc tình hình hiện nay, ECB đã quyết định chủ động triển khai chương trình thị trường chứng khoán của mình để đảm bảo bình ổn giá trong Eurozone. Theo thông báo trên, ECB sẽ tập trung mua trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha sau khi hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong khu vực đồng tiền chung này thông báo các biện pháp cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ công. Ngoài kế hoạch mua trái phiếu của các nước thuộc Eurozone, ECB cũng thảo luận về khả năng thanh toán tiền mặt trong trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng băng thị trường tiền tệ.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolass Sarkozy khẳng định thực thi các biện pháp như đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh các nước Eurozone mới đây cũng như sớm triển khai gói cứu trợ thứ hai trị giá 160 tỷ euro (tương đương 226 tỷ USD) cho Hy Lạp, nhằm ngăn chặn nguy cơ lan rộng cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực.

Không khoanh tay đứng nhìn, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tuyên bố sẵn sàng cùng hành động để ổn định các thị trường tài chính và bảo vệ tăng trưởng kinh tế.

Theo tuyên bố, G20 khẳng định cam kết “cùng thực thi tất cả các sáng kiến cần thiết để góp phần ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trên tinh thần hợp tác và tin tưởng”. G20 cho biết sẽ liên lạc chặt chẽ trong những tuần tới và “hợp tác thích hợp, sẵn sàng hành động để đảm bảo sự ổn định tài chính và khả năng thanh khoản trên các thị trường tài chính”. Còn tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc chính quyền thực hiện các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Những bước đi liên tiếp này cho thấy tính cấp bách của vấn đề. Rõ ràng, sau ba năm xảy ra khủng hoảng, thế giới vẫn đang đứng trước lằn ranh giới mong manh giữa suy thoái và không suy thoái. Một lần nữa các nước cần phải chung sức hợp lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn - điều đã được chứng minh qua cuộc khủng hoảng vừa qua.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thế giới cùng đối phó với nợ công
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO