Thế giới của tưởng tượng

Thái Minh 14/01/2019 07:40

Không chỉ là những cuốn sách hay sự xuất hiện ngày càng nhiều tác giả trẻ, sức lan tỏa của Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch còn đánh dấu sự chuyển hướng của các cây bút. Đó là những chủ đề mới, phương pháp mới, mang hơi thở thời đại mà vẫn truyền tải thông điệp hiện thực cuộc sống.

Bầu không khí sáng tác mới

Trong một không gian giao lưu mở sáng 12.1 tại Thư viện Hà Nội, các em thiếu nhi cùng gia nhập sân chơi văn hóa đa dạng, giàu màu sắc với các hoạt động từ đọc sách, tham quan triển lãm, xem phim hoạt hình, diễn tiểu phẩm kịch, thi kể chuyện - vẽ tranh sáng tạo... Lễ kỷ niệm chặng đường 10 năm thực hiện Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch đã trở thành ngày hội sôi động cho các em nhỏ, nơi gặp gỡ của các nhà văn, họa sĩ, cây bút viết và vẽ cho thiếu nhi. Giống như một cuộc hội ngộ đầy kỷ niệm, cũng tràn đầy tình cảm hồn nhiên của tuổi thơ và những người yêu tuổi thơ, song cũng là lúc nhìn lại hành trình đổi mới, sáng tạo dòng văn học này ở Việt Nam.

Các em thiếu nhi say mê với các nhân vật được vẽ trên những trang sách Ảnh: Lê Thư
Các em thiếu nhi say mê với các nhân vật được vẽ trên những trang sách Ảnh: Lê Thư

Năm 2006, Chính phủ Đan Mạch tài trợ Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch, nhằm mở ra cánh cửa giao lưu giữa nhà văn, họa sĩ Việt Nam và Đan Mạch; tăng cường năng lực sáng tạo cho các nhà văn, họa sĩ Việt Nam với những kỹ năng và phương pháp làm việc mới; phát hiện những cây viết, vẽ và các tác phẩm mới; và đặc biệt là tạo điều kiện cho các em nhỏ được tiếp cận với những hình thức mới, đem những cuốn sách có giá trị đến trẻ em khắp các vùng miền. Thông qua những chuyến tàu kể chuyện, các câu lạc bộ bạn đọc trên khắp cả nước, dự án đã nâng cao khả năng tiếp cận nghệ thuật cũng như góp phần thúc đẩy đa dạng văn hóa. Liên tục trong 10 năm, dự án tổ chức thành công 8 cuộc vận động sáng tác, thu hút hàng trăm tác giả chuyên và không chuyên tham gia với gần 4.000 tác phẩm. 104 tác phẩm truyện và tranh truyện đoạt giải qua các cuộc vận động sáng tác đã được Nhà xuất bản Kim Đồng in thành sách, giới thiệu đến đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi và tái bản nhiều lần, lên đến hàng vạn bản.

Nhưng trên cả số lượng là cơ hội thay đổi đầy sáng tạo dành cho các cây bút trẻ, để họ được thử nghiệm những phương pháp mới, chủ đề mới, để những sáng tác cho thiếu nhi thấm đẫm hơi thở thời đại mà vẫn truyền tải thông điệp cuộc sống. Nhớ lại thời gian cách đây một thập kỷ, Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch được tiến hành trong bối cảnh đầy khó khăn. Giám đốc Lê Thị Dắt chia sẻ, bấy giờ là Giám đốc Dự án nhưng cũng chưa biết triển khai thế nào, nên bắt đầu từ đâu, do sự khác biệt phong cách, phương thức sáng tác. Trong khi các nhà văn, họa sĩ Việt Nam làm việc rời rạc, ai đảm trách công việc của người nấy thì các bạn Đan Mạch lại đưa ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu, từ lên ý tưởng đến viết và trình bày sách. Kết quả là hình thức sáng tác theo nhóm đem lại hiệu quả cao hơn.

Nguồn năng lượng sáng tạo

“Một sự khác biệt rất rõ đủ giúp chúng ta học hỏi được rất nhiều. Khi người vẽ và người làm lời cùng hiểu và hỗ ứng nhau, giá trị của trang sách được nâng lên. Chúng tôi hiểu rằng, nhất là cho văn học thiếu nhi, không làm việc rời rạc được”, bà Lê Thị Dắt nói. Như một bước chuyển giao năng lượng, sáng tác văn học thiếu nhi đã có sự thay đổi rõ rệt. Thay vì xu hướng hiện thực của thế hệ cũ, các nhà văn trẻ bước sang thế giới khác, giàu tưởng tượng hơn, có sức bật hơn về hình ảnh cả bên ngoài và nội tâm. Thành quả này được ví như món quà giá trị đem lại niềm vui đọc sách cho các em nhỏ. Các thế hệ người cầm bút trước đó dần thay đổi cách viết, và dường như cũng có một thế hệ mới trưởng thành. Họ có tiềm năng, lợi thế để hội nhập, tiếp cận và học tập phương pháp sáng tác của nước ngoài cũng như hội tụ nỗ lực để bứt phá khỏi lối mòn sáng tác truyền thống.

Việc các nhà văn, nhất là cây viết trẻ, tích cực tìm tòi đề tài, phương pháp sáng tác làm hài lòng các em nhỏ luôn cần thiết, song suốt một thời gian dài, sức sáng tạo đó bị đóng khung khiến cho dòng văn học thiếu nhi Việt Nam khó cạnh tranh với thể loại khác. Giả tưởng là một thể tài hoàn toàn mới đáp ứng tâm lý của lứa tuổi mộng mơ, giúp tuổi thơ được thả hồn với ý tưởng, ước muốn, sau đấy hàm chứa thông điệp về hiện thực. Trong quá trình giao lưu, hợp tác với các tác giả nước ngoài, thể tài này dần được đưa ra như một cầu nối kéo gần các tác giả với bạn đọc nhỏ tuổi, dần trở thành xu hướng sáng tác chính. Văn học thiếu nhi dưới sáng tạo của các cây bút Việt Nam nhờ vậy, ngày càng dung hòa được việc thỏa mãn trí tưởng tượng với tính giáo dục nhân văn sâu sắc.

Gắn bó với văn học thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, trên những chuyến tàu văn học đi về các vùng miền, đến với từng em nhỏ luôn có những tiếng nói chân thực, trải nghiệm đáng nhớ đối với người cầm bút. Chuyến tàu đó là thành quả của nỗ lực tạo ra không gian kết nối các tác giả trong nước - ngoài nước, gợi mở ý tưởng để cùng nhau xây dựng nguồn năng lượng đổi mới. Một điều quan trọng nữa là cần phải giữ vững bản sắc dân tộc trong sáng tác để sự đổi mới ấy còn mang màu sắc Việt Nam. “Trẻ em trên thế giới cũng giống nhau cả thôi, ở tâm hồn ngây thơ, nguyên sơ, đồng điệu với giá trị nguồn cội, nhân loại. Suy từ thành công của Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi lẫn nhau để mang đến thế giới sách phong phú cho trẻ em. Nhưng cố gắng của riêng một nhà xuất bản, một nhóm tác giả thì chưa đủ. Sau chặng đường kỷ niệm này, chúng ta còn cần một năng lượng lâu dài hơn, có khi phải có cả tác động của ngành giáo dục nữa. Có như thế, văn học thiếu nhi Việt Nam mới phát triển, thậm chí đi ra thế giới”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thế giới của tưởng tượng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO