Thế giới cần một thỏa thuận mới cho lao động phi chính thức

- Thứ Bảy, 01/05/2021, 07:19 - Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng kinh tế theo sau cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 đã "khoét sâu" những bất công về chủng tộc và kinh tế đối với những lao động phi chính thức, vốn chiếm phần lớn lực lượng lao động trên thế giới. Trong bối cảnh đó, thế giới cần một chương trình cứu trợ, phục hồi và cải cách cho những lao động phi chính thức, và lấy họ làm trung tâm cho chương trình phục hồi kinh tế giống như cách mà nước Mỹ đã làm thời kỳ Đại suy thoái. Chương trình này nên bắt đầu với hai cam kết cơ bản, hai cam kết này không đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể, mà là thay đổi tư duy của các nhà hoạch định chính sách.

“Thỏa thuận mới” thời kỳ Đại suy thoái

Vào ngày 4.3.1933, trong những ngày ảm đạm nhất của cuộc Đại suy thoái, Tổng thống mới đắc cử Franklin D. Roosevelt của Mỹ đã có bài phát biểu nhậm chức trước 100.000 người tại đồi Capitol. Ông hứa sẽ hành động nhanh chóng để đối mặt với “thực tế đen tối của thời điểm này” và bảo đảm với người Mỹ ta sẽ “tiến hành một cuộc chiến” giống như thể “nước Mỹ thực sự đang bị kẻ thù xâm lược”. Vào thời điểm đó, tỷ lệ thất nghiệp ở một số thành phố đã đạt đến mức đáng kinh ngạc: Toledo, Ohio đã lên tới 80%, và gần 90% ở Lowell, Massachusetts.

Một trong những biện pháp khẩn cấp của Roosevelt là đưa ra Thỏa thuận mới (năm 1933) và Thỏa thuận mới bổ sung (năm 1935) trong một nỗ lực chống lại ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái, tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương của lực lượng lao động. Chương trình có ba trụ cột chính: cứu trợ (cho người thất nghiệp), phục hồi (nền kinh tế và tạo việc làm), và cải cách (thông qua các quy định mới và các chương trình phúc lợi xã hội).

Ba trụ cột lập pháp chính của Thỏa thuận mới thứ hai là Đạo luật An sinh xã hội, thành lập Cơ quan Quản lý tiến độ công trình (WPA) và Đạo luật Wagner.

Đạo luật An sinh Xã hội lần đầu tiên đã thiết lập một “mạng lưới an toàn” kinh tế cho tất cả người Mỹ, đặc biệt là cung cấp bảo hiểm thất nghiệp, tàn tật và lương hưu cho người già.

WPA được thành lập nhằm cung cấp cho những người thất nghiệp những công việc hữu ích giúp duy trì kỹ năng và củng cố lòng tự tôn của họ. Các dự án WPA không được phép cạnh tranh với ngành công nghiệp tư nhân, vì vậy họ tập trung vào các công trình công cộng. Từ năm 1935 đến năm 1941, WPA sử dụng trung bình hàng tháng 2,1 triệu công nhân cho nhiều dự án khác nhau, bao gồm xây dựng đường xá, cầu cống, sân bay và các tòa nhà công cộng; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. WPA cũng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhà văn, giám đốc nhà hát và nhạc sĩ thông qua các chương trình nghệ thuật và văn hóa như vẽ tranh tường công cộng và viết lịch sử địa phương và khu vực.

Đạo luật Wagner (chính thức là Đạo luật Quan hệ lao động quốc gia) tái lập quyền của lao động được thương lượng tập thể (đã bị Tòa án Tối cao vô hiệu hóa trước đó), và đã thành lập Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia (NLRB) để xét xử các tranh chấp lao động.

Tình thế bấp bênh của lao động phi chính thức

Cuộc khủng hoảng Covid-19 tạo cơ hội cho một "thỏa thuận mới khác - một thỏa thuận mới" công nhận, bảo vệ và hỗ trợ người lao động phi chính thức, những người chiếm 61% lực lượng lao động toàn cầu nhưng không có bảo hiểm y tế, không được trả lương khi nghỉ ốm và cũng không có lương hưu. Hầu hết những người lao động này tham gia sản xuất các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sữa, quần áo, giày dép… hoặc cung cấp các dịch vụ quan trọng như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già, dọn dẹp, giao hàng, vận chuyển, quản lý chất thải và phân phối thực phẩm.

Những lao động làm nghề nhặt rác ở Ghana - Nguồn: AFP

Bản chất tất yếu của những công việc này đối với cuộc sống của chúng ta đòi hỏi một chiến lược với ba trụ cột mà cựu Tổng thống Mỹ đã đưa ra trong quá khứ: cứu trợ, phục hồi và cải cách - nhằm giúp đỡ những lao động phi chính thức. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh của các biện pháp phục hồi kinh tế hiện tại của các chính phủ lại đe dọa những đối tượng lao động phi chính thức này.

Vào đầu năm 2020, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự đoán đại dịch Covid-19 và các biện pháp đóng cửa nền kinh tế sẽ phá hủy hoặc làm suy yếu sinh kế của 80% lực lượng lao động phi chính thức toàn cầu, tương đương 1,6 tỷ công nhân. Tương tự, một nghiên cứu được thực hiện ở 12 thành phố trên khắp thế giới của tổ chức Lao động nữ phi chính thức (WIEGO) cho thấy, 70% lao động phi chính thức được khảo sát có thu nhập bằng 0 trong thời gian cao điểm mà toàn thế giới buộc phải đóng cửa biên giới, đóng cửa cơ quan, trường học và áp đặt giãn cách xã hội. Do đó, nhiều người đã phải hạn chế chi tiêu, cạn kiệt tiền tiết kiệm, thế chấp hoặc bán tài sản, lâm vào cảnh nợ nần, mất đi triển vọng phục hồi kinh tế.

Nghiên cứu của WIEGO cũng cho thấy, các biện pháp cứu trợ Covid-19 của các Chính phủ còn yếu và không đồng đều, phản ánh những thiếu sót đã tồn tại từ trước trong các chính sách xã hội và an sinh xã hội. Một người làm công việc giúp việc ở Pleven, Bulgaria cho biết, Chính phủ của họ đã đề xuất nhiều biện pháp cứu trợ, nhưng không áp dụng cho nền kinh tế phi chính thức. Bà nói: “Một trong những điều kiện chính (để cứu trợ) là phải có đóng bảo hiểm xã hội. “Nhiều thành viên của chúng tôi (của HomeNet Eastern Europe) không đóng bảo hiểm và đó là lý do chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào”. Tương tự, Thư ký của Hiệp hội Nhặt rác ở Accra, Ghana nói rằng họ không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ Chính phủ.

Các Chính phủ cũng có xu hướng ưu tiên các tập đoàn và doanh nghiệp chính thức hơn khu vực kinh tế phi chính thức khi dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế. Tại sao các trung tâm mua sắm thì được phép mở cửa trở lại trong khi các chợ tạm thì không? Tại sao các nhà hàng thì được phép sử dụng vỉa hè trong khi người bán hàng rong thì không? Tệ hơn nữa, nhiều Chính phủ đang sử dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 như một cái cớ để bắt giữ và trấn áp những lao động phi chính thức và hoạt động sinh kế của họ, đuổi họ ra khỏi đường phố, bãi rác và không gian công cộng...

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các quỹ cứu trợ đại dịch và các gói kích thích của các Chính phủ hầu như do giới tinh hoa kinh tế thâu tóm - chứ ít khi đến được tay người thất nghiệp hoặc những chủ doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là người lao động phi chính thức ở đáy của kim tự tháp kinh tế. Tại Mỹ, các tập đoàn lớn đã vay tiền theo bảng lương liên bang dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Tại Ấn Độ, các công ty lớn đã vận động thành công để tăng ngưỡng đầu tư cho các công ty quy mô vừa để họ có thể lợi dụng các khoản vay dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố vào tháng 2.2020, ngay khi đại dịch ập đến, cho thấy có tới nguồn viện trợ nước ngoài dành cho các nước nghèo nhất thế giới đã chảy vào tài khoản ngân hàng ở các thiên đường thuế giàu có. Nhưng các tổ chức tài chính quốc tế và Chính phủ các nước tin rằng hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế, và do đó đã cung cấp cho các doanh nghiệp hàng tỷ đô la để giúp họ tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm trong thời kỳ khủng hoảng.

Cộng đồng quốc tế cần thừa nhận rằng khu vực tư và công cộng gộp lại cũng chỉ chiếm chưa đến một nửa tổng số việc làm trên toàn cầu và chỉ dưới 20% các đơn vị kinh tế. Tại sao không bơm các quỹ cứu trợ và phục hồi vào phần đáy rộng lớn của kim tự tháp kinh tế hơn là phần đỉnh - và xây dựng một sự phục hồi từ bên dưới?

Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện sinh, đặt ra những câu hỏi cơ bản về việc liệu có nên đặt con người và thiên nhiên lên trước chủ sở hữu vốn và công nghệ, và liệu có nên bảo vệ quyền của những người thiệt thòi thay vì chỉ tập trung vào lợi ích của tầng lớp tinh hoa chính trị và kinh tế hay không. Đây là thời điểm quyết định: để trả lời cho câu hỏi: liệu cộng đồng toàn cầu có tuân theo lời kêu gọi về công bằng kinh tế và xã hội không?

Học từ quá khứ

Một Thỏa thuận Mới cho người lao động phi chính thức sẽ là yếu tố rất quan trọng để giúp hạn chế những bất công kinh tế mà cuộc khủng hoảng Covid-19 mang lại. Bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ phải hướng tới xóa bỏ tâm lý kỳ thị những người lao động phi chính thức với hai cam kết cơ bản không đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể, mà là thay đổi tư duy của các chính phủ.

Đầu tiên các Chính phủ nên ngừng các biện pháp sách nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động sinh kế của những người lao động phi chính thức. Trong những giai đoạn cao điểm của các biện pháp đóng cửa kinh tế, những người lao động phi chính thức trên khắp thế giới than thở: “Chúng tôi sẽ chết vì đói trước khi chết vì virus”.

Cam kết thứ hai đó là các Chính phủ nên coi những người lao động phi chính thức là những thành phần kinh tế hợp pháp; mời các nhà lãnh đạo của họ tham gia khi thảo luận và lập kế hoạch cứu trợ, phục hồi và cải cách.

Nếu tất cả các nhà lãnh đạo và các cơ quan liên Chính phủ tôn trọng những cam kết này, thế giới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 theo cách bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Quỳnh Vũ