Thế giới 2022 đứng trước những cơ hội gì?

- Thứ Năm, 13/01/2022, 06:20 - Chia sẻ
Bên cạnh những rủi ro mà dịch bệnh mang lại như nguy cơ thiếu vaccine và biến thể có thể đẩy thế giới vào các làn sóng dịch bệnh mới, cùng với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát và nợ… thế giới cũng đang đứng trước những cơ hội và hy vọng mới. Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ đã đưa ra dự đoán về 10 khả năng tích cực có thể xảy ra trong năm 2022 với xác suất được đánh giá từ thấp đến cao.

1. WTO có những cải cách cần thiết

Nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn duy trì một trật tự quốc tế bao trùm, dựa trên luật lệ, họ cần phải nhanh chóng ngăn chặn tình trạng phân mảnh kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ, đang ngày càng trầm trọng thêm do Covid-19. Điều đó đòi hỏi phải cải tổ một Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang tê liệt, tổ chức vốn chi phối tới 80% thương mại toàn cầu. Điều này có thể bắt đầu bằng một cơ chế giải quyết tranh chấp được đổi mới để tránh kiện tụng cùng một ban giám sát hiệu quả; sự minh bạch về trợ cấp, các quy tắc thương mại kỹ thuật số mới, vai trò lớn hơn đối với khí hậu, quyền lao động, tự do hóa thương mại.

Xác suất: Trung bình

2. Phát triển thành công một vaccine phổ quát chống lại các biến thể

Đến giờ, chúng ta phải chấp nhận rằng Covid-19 sẽ không sớm biến mất. Bước sang năm thứ ba sống chung với dịch bệnh, làn sóng lây nhiễm mới lại xuất hiện, ngay cả ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao cùng với sự xuất hiện của biến thể mới rất đáng quan tâm, Omicron. Chúng ta cần một loại vaccine toàn cầu chống lại tất cả các biến thể của virus. Các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu Gillings của Đại học Bắc Carolina đang nghiên cứu một loại vaccine như vậy và bước đầu cho ra những kết quả đáng khích lệ trên chuột. Điều này có thể mang lại chìa khóa để ngăn chặn đợt bùng phát tiếp theo. Các nước tiên tiến nên đặt nghiên cứu này thành ưu tiên quốc gia và mở rộng quy mô để mọi người trên thế giới đều có thể hưởng lợi từ kết quả. 

Xác suất: Trung bình

3. Có một bộ tiêu chuẩn và quy định mới về AI

Các ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), từ nhận dạng khuôn mặt đến phân loại công việc sẽ trở nên phổ biến trong cả thập kỷ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu những quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu được thống nhất cho lĩnh vực này. Mặc dù AI hiện là lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc thống trị, nhưng Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách tạo ra một khuôn khổ quy định có thể thiết lập các tiêu chuẩn như vậy. Dự luật Đạo luật trí tuệ nhân tạo vừa được trình lên Nghị viện châu Âu đưa ra các quy định chi tiết đối với việc sử dụng AI cũng như các tiêu chuẩn đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo. Sáng kiến ​​của EU sẽ thúc đẩy các nước lớn xây dựng các tiêu chuẩn trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Hội đồng Công nghệ và Thương mại Hoa Kỳ - EU nên ưu tiên xây dựng sự đồng thuận xuyên Đại Tây Dương về những vấn đề này, có thể tạo cơ sở cho một thỏa thuận rộng lớn hơn giữa Nhóm 20 quốc gia (G20).

Xác suất: Thấp

4. Tạo ra cách tiếp cận xuyên Đại Tây Dương đối với quy định kỹ thuật số

EU đang bắt đầu xác định khái niệm “chủ quyền công nghệ” như một phương tiện giúp tăng cường tính cạnh tranh của liên minh. EU đang xem xét một đạo luật nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ mà EU coi là “người gác cổng” trong việc thiết lập các điều khoản về dữ liệu thương mại. Quốc hội Mỹ nên coi tham vọng của EU là cơ hội để thực hiện các quy định kỹ thuật số của chính họ; đồng thời nên nỗ lực tìm điểm chung với EU về các vấn đề kỹ thuật số. Sự đồng thuận giữa Mỹ và EU sẽ tạo ra đòn bẩy để thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu về lĩnh vực này.

Xác suất: Trung bình

5. Khủng hoảng Ukraine được xử lý ổn thỏa

Cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng ở biên giới Ukraine nên được biến thành cơ hội để đưa quan hệ Nga - Mỹ đi vào nền tảng ổn định hơn. Để tránh nguy cơ của một cuộc đối đầu nguy hiểm, Mỹ và EU cần đứng ra làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev về một Thỏa thuận Minsk II mới. Ngoài ra, Mỹ cần thay đổi suy nghĩ cho rằng, các biện pháp trừng phạt đối với Nga hoặc việc Mỹ và NATO tích cực viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ khiến Putin nản lòng. Trái lại, đó chỉ là hành động khiêu khích thiếu khôn ngoan. Xung đột ở Ukraine là vấn đề không thể “gác sang một bên” trong nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm ổn định mối quan hệ Mỹ -Nga. Thành công trong quản lý cuộc khủng hoảng Ukraine có thể mở ra cơ hội để cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, nhất là vào thời điểm Mỹ muốn tập trung mọi nguồn lực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Xác suất: Dưới trung bình

6. Trung Quốc và Mỹ thành công hạ nhiệt căng thẳng

Cuộc gặp trực tuyến kéo dài gần 4 giờ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung vào giữa tháng 11 cho thấy thừa nhận của cả hai nhà lãnh đạo rằng mối quan hệ giữa hai siêu cường đang vượt quá tầm kiểm soát, vào thời điểm mà cả Tổng thống Biden và ông Tập Cận Bình đều đang cần tập trung vào các chương trình nghị sự khó khăn trong nước. Hội nghị thượng đỉnh, như ông Biden miêu tả, đã đặt ra những “lan can” để giảm thiểu rủi ro và từng bước tạo ra khuôn khổ để quản lý khả năng chung sống cạnh tranh giữa hai quốc gia. Bên cạnh việc quản lý những vấn đề có thể gây xung đột, hai bên cũng tập trung thúc đẩy các lĩnh vực có thể hợp tác, bao gồm lợi ích chung liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng cũng như những thách thức do bất ổn ở Afghanistan, chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Hiện vẫn chưa rõ liệu mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ bước vào mối quan hệ bình thường mới hay quay trở lại vòng xoáy đi xuống của tình trạng mất lòng tin đặc trưng trong những năm gần đây, nhưng ít nhất hiện đang có một cơ hội để hai cường quốc hàng đầu né tránh căng thẳng.

Xác suất: Trung bình

7. Khởi động hiệp định thương mại kỹ thuật số châu Á - Thái Bình Dương

Lỗ hổng lớn nhất trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ chính là thương mại. Và Mỹ bù đắp lỗ hổng này bằng thương mại kỹ thuật, vốn là lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng hiện nay, chiếm 17% thương mại bán lẻ toàn cầu vào năm 2020. Đã có những ví dụ thuyết phục để Mỹ thúc đẩy một thỏa thuận khu vực dựa trên ngôn ngữ thương mại kỹ thuật số, đó là Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada, Thỏa thuận Thương mại Kỹ thuật số Mỹ - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (trước khi Mỹ rút khỏi hiệp ước). Hoặc một loại hiệp định mới tương tự như Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số Singapore - New Zealand - Chile (DEPA), được đánh giá là tiên phong trong cách tiếp cận thân thiện với người lao động và doanh nghiệp nhỏ, có thể trở thành hình mẫu lý tưởng để khởi động một thỏa thuận lớn hơn của khu vực.

Xác suất: Trên trung bình

8. Thành quả ban đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

Tuyên bố chung của Hội nghị Khí hậu Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra năm ngoái đã không thể đề ra một quyết tâm nhằm ngăn chặn gia tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức dưới 2 độ C. Tuy nhiên, những cam kết khác đạt được tại hội nghị này đều có thể mang lại lợi ích đáng kể trong việc cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Chẳng hạn, hiệp định khí hậu Mỹ - Trung được công bố tại Glasgow có thể giúp đẩy nhanh các mục tiêu đó bằng cách góp phần thúc đẩy giảm 50% khí mê-tan vào năm 2030. Một bước đi tích cực là việc bổ sung các điều khoản thực thi vào các quy tắc kinh doanh carbon đã được nêu tại COP26. G20 có thể cụ thể hóa các cam kết ngăn chặn nạn phá rừng mơ hồ bằng cách khuyến khích các quốc gia trồng một tỷ cây xanh vào năm 2025 với sự vào cuộc của “quan hệ đối tác công - tư”. Những sáng kiến ​​này nếu được tích cực thúc đẩy cũng sẽ tạo ra thành quả trong lĩnh vực khí hậu.

Xác suất: Trung bình

9. Mỹ, Nga, Trung Quốc hợp tác về không gian

Cuộc sống phụ thuộc vào công nghệ của nhân loại sẽ trở nên khó khăn nếu các vệ tinh liên lạc bị vô hiệu hóa. Vậy nhưng, hiện nay, chưa có bất kỳ hệ thống kiểm soát giao thông không gian quốc tế nào cũng như chưa có bất kỳ cơ quan toàn cầu độc lập nào cung cấp dữ liệu về định vị vệ tinh và quỹ đạo. Vì vậy sự hợp tác giữa các cường quốc không gian sẽ là yếu tố cần thiết và có lợi cho cả thế giới. Mặc dù có thể đã quá muộn để cả Mỹ, Nga, Trung Quốc hợp tác trong một sáng kiến ​​duy nhất về Mặt Trăng, nhưng họ có thể thu được lợi ích chung từ việc chia sẻ kế hoạch và kết quả khám phá của mình.

Xác suất: Dưới trung bình

10. Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự trị chiến lược của Liên minh châu Âu

Chính quyền Biden nên hoan nghênh quyền tự chủ chiến lược của EU thay vì lo lắng về việc liệu nó có gây hại cho NATO hay không, nhất là khi ưu tiên hiện tại của Mỹ là biến châu Á thành trọng tâm địa chính trị hàng đầu. Quyền tự chủ chiến lược được EU xác định là nhằm bảo đảm “năng lực hành động tự chủ khi cần thiết bất cứ khi nào có thể”, bao gồm cả việc thực thi quyền lực kinh tế của họ trong các lĩnh vực như công nghệ. EU đã trở thành quốc gia đặt ra tiêu chuẩn về quyền riêng tư dữ liệu và đang mạo hiểm đưa ra các quy tắc cạnh tranh mới để kiềm chế sức mạnh của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ ở châu Âu. Việc trở thành đồng minh của Mỹ không có nghĩa là phải phụ thuộc vào Mỹ. Washington từng là tác nhân thúc đẩy tiến trình hội nhập châu Âu sau Thế chiến II, họ nên tiếp tục vai trò lĩnh xướng này trong quá trình thúc đẩy một EU tự chủ, đặc biệt là về an ninh.

Xác suất: Dưới trung bình

Đạt Quốc