Thế giằng co

- Thứ Ba, 02/03/2021, 08:34 - Chia sẻ
Vừa qua, Iran đã từ chối lời mời từ các đối tác toàn cầu của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) để thảo luận về khả năng trở lại bàn đàm phán. Lý do nhà nước Hồi giáo đưa ra là các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn còn có hiệu lực. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden từng khẳng định, họ muốn Tehran trở lại với thỏa thuận trên nhưng sẽ không đình chỉ các lệnh trừng phạt cho tới khi nước này tuân thủ trở lại.

Chưa phải cuối con đường

Theo CNBC, Người phát Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết: “Xem xét các hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ và ba cường quốc châu Âu, Iran không coi đây là thời điểm để tổ chức cuộc họp không chính thức với các nước này. Trước đó, các quan chức Iran cho hay, Tehran đang nghiên cứu đề xuất của người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell về việc tổ chức một cuộc họp không chính thức về thỏa thuận hạt nhân giữa các bên. Nhà Trắng nói rằng, chính quyền Tổng thống Biden thất vọng với quyết định của Iran khi bỏ qua cuộc họp không chính thức với Mỹ và các nước ký kết khác của hiệp ước năm 2015 P5+1 gồm Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc cùng EU. Đây là bước lùi đáng kể trong nỗ lực của chính quyền đương nhiệm nhằm khôi phục thỏa thuận, bởi Tổng thống Biden từng nhắc đi nhắc lại rằng ông sẽ đảo chiều chính sách của người tiền nhiệm để trở lại với JCPOA.

Dẫu vậy, một quan chức chính quyền cấp cao nói với NBC News: “Trong khi thất vọng về phản ứng của Iran, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác ngoại giao có ý nghĩa để đạt được sự quay trở lại với nhau trong việc tuân thủ các cam kết của JCPOA. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến ​​của các đối tác P5+1 về con đường tốt nhất trong tương lai”, quan chức này đề cập đến 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) và Đức. Trong khi đó, một nguồn tin cấp cao của Mỹ khác cho rằng, việc Iran từ chối chỉ đơn giản là một phần của quy trình ngoại giao. “Chúng tôi không nghĩ đây là điểm kết thúc của vấn đề. Nếu Iran nói không, chúng tôi sẽ cởi mở với các ý tưởng khác”.
Tuần trước, Cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ (IAEA) đã đạt được thỏa thuận với Iran để tiếp tục các hoạt động xác minh và giám sát “cần thiết” trong tối đa 3 tháng, nhưng sẽ có ít quyền tiếp cận hơn và không còn các cuộc thanh tra đột xuất kể từ 23.2.

Số phận long đong của JCPOA

JCPOA 2015, do chính quyền Obama làm trung gian, đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, vốn đã làm tê liệt nền kinh tế và cắt giảm khoảng một nửa lượng xuất khẩu dầu của nước này. Để đổi lại, Iran đồng ý dỡ bỏ một số chương trình hạt nhân và mở các cơ sở của mình cho các cuộc thanh tra quốc tế sâu rộng hơn. Mỹ và các đồng minh châu Âu tin rằng, Iran có tham vọng phát triển bom hạt nhân cho dù Tehran luôn bác bỏ cáo buộc đó.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã giữ lời hứa tranh cử và rút Mỹ khỏi JCPOA, gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay”. Sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt, các bên ký kết khác của hiệp ước phải hết sức cố gắng duy trì thỏa thuận.

Trong một lá thư được đưa ra hôm Chủ nhật, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cảnh báo Tổng thống Joe Biden không nên tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vì thỏa thuận này “còn nhiều vấn đề”, thay vào đó nên thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện hơn. “Phạm vi của bất kỳ thỏa thuận nào với Iran phải đề cập đến đầy đủ các hành vi của Iran, bao gồm khủng bố trong khu vực, tên lửa đạn đạo và việc giam giữ công dân Mỹ”, bức thư có đoạn viết.

Iran và 6 cường quốc thế giới tham gia phiên họp toàn thể tại tòa nhà Liên Hợp Quốc ở Vienna, Áo hồi năm 2015 -  Nguồn: AFP  

Căng thẳng từng nối tiếp căng thẳng

Thực tế, mối quan hệ căng thẳng của Washington với Tehran đã trở nên tồi tệ hơn dưới thời chính quyền của Tổng thống Cộng hòa Donald Trump.

Năm ngoái, Mỹ đã thực hiện cuộc không kích ám sát tướng Qasem Soleimani, chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran. Nước này trả đũa bằng cách phóng ít nhất một chục tên lửa từ lãnh thổ của mình ngày 7.1.2020 vào hai căn cứ quân sự ở Iraq, nơi đóng quân của quân đội Mỹ và liên quân. Sau cuộc tấn công chết người của Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc chính quyền Trump đã thực hiện “hành động khủng bố”.

Cái chết của tướng Soleimani khiến chính quyền Iran quyết định giảm bớt quy mô hơn nữa việc tuân thủ hiệp ước hạt nhân quốc tế. Tháng 1.2020, Iran cho biết họ sẽ không còn giới hạn khả năng làm giàu uranium hoặc nghiên cứu hạt nhân. Đến tháng 10.2020, Mỹ đơn phương tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran thông qua quy trình phản hồi nhanh, mà các thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ trước đó đã nói rằng Washington không có thẩm quyền thực hiện vì họ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018.

Một tháng sau, một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị ám sát gần Tehran, và chính phủ Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công với sự hậu thuẫn của Mỹ.

Thực ra, trong suốt mùa hè năm 2019, một loạt cuộc tấn công ở Vịnh Ba Tư đã đặt Mỹ và Iran vào con đường đối đầu lớn hơn. Tháng 6.2019, các quan chức Mỹ cáo buộc tên lửa đất đối không của Iran bắn hạ máy bay không người lái giám sát của quân đội Mỹ trên eo biển Hormuz. Theo Iran, máy bay này đã vượt qua lãnh thổ của họ. Sự việc trên diễn ra một tuần sau khi Mỹ đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở vùng Vịnh Ba Tư cũng như 4 tàu chở dầu bị tấn công vào tháng 5. Tháng 6, Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với các nhà lãnh đạo quân sự Iran bị cho là đã bắn hạ máy bay không người lái. Các biện pháp đó cũng nhằm phong tỏa nguồn tài chính cho Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khamenei. Căng thẳng lại tăng vọt vào tháng 9.2019 khi Mỹ đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công ở Ảrập Xêút vào nhà máy chế biến thô và mỏ dầu lớn nhất thế giới.

Cuộc tấn công đã buộc vương quốc này phải cắt giảm một nửa hoạt động sản xuất và gây ra đợt tăng giá dầu thô lớn nhất trong nhiều thập kỷ, đồng thời làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến mới ở Trung Đông. Trong khi đó, Iran khẳng định họ không đứng sau các cuộc tấn công.

Linh Anh