“The Chef Show” - Cái lý của đam mê

Lê Hồng Lâm 02/06/2019 08:22

Bộ phim nổi tiếng “The Chef Show” tái xuất bằng phần tiếp theo, với phiên bản truyền hình, sẽ lên sóng Netflix vào ngày 7.6 tới.

“Chef” chỉ là một bộ phim độc lập kinh phí thấp so với những phim bom tấn Jon Farveau làm nhưng đôi khi những cảm xúc mà nó mang lại thì đống tiền hàng trăm triệu đô khắp toàn cầu của mấy bộ phim bom tấn ồn ào cháy nổ không thể so sánh.

Tác phẩm điện ảnh để đời của Jon Farveau - một diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất của nhiều bom tấn thành công là bộ phim độc lập đúng chất “feel-good movie” (phim mang lại cảm giác tích cực) mà tôi rất yêu thích.

“The Chef Show” sắp ra mắt có thể coi là phần tiếp theo của Chef, và dù chỉ là một show truyền hình nhưng Jon mời được những ngôi sao hàng đầu, đặc biệt là những nhân vật siêu anh hùng trong “Avengers” mà anh góp công tạo dựng như Iron Man (Robert Downey Jr), Pepper Potts (Gwyneth Paltrow) lẫn “Người nhện” (Tom Holland) tham gia.

Đơn giản, ẩm thực là một niềm đam mê lớn của Jon Farveau. Nên thi thoảng, giữa các dự án bom tấn mang lại lợi nhuận khổng lồ, anh lại dành ra vài tháng cho sở thích của đời mình, giống như cách mà anh từng tạo ra “Chef” của 5 năm trước vậy. 

“Chef” chỉ là một bộ phim độc lập kinh phí thấp so với những phim bom tấn anh làm nhưng đôi khi những cảm xúc mà nó mang lại thì đống tiền hàng trăm triệu đô khắp toàn cầu của mấy bộ phim bom tấn ồn ào cháy nổ không thể so sánh.

Jon Favreau vốn không phải xa lạ với phim bom tấn. Anh từng là đạo diễn của “Iron Man” phần đầu tiên, người góp công lớn tạo ra đế chế Marvel lớn mạnh như sau này. Sau đó, anh tiếp tục đạo diễn “Iron Man 2”, ngồi ghế sản xuất cho “Iron Man 3” hay “The Avengers” và sắp tới đây là đạo diễn “The Lion King” phiên bản phim hoạt hình có người đóng của nhà Disney, một trong những bom tấn đáng chờ đợi nhất hè năm nay. 

Nhưng Jon đồng thời cũng là một diễn viên hài duyên dáng, một biên kịch thành công ngay từ những bộ phim độc lập thời khởi nghiệp của mình như Made, Swingers (đóng chung với Vince Vaughn) và vẫn tiếp tục giữ vai Happy Hogan trong “Avengers: Endgame” và sắp tới trong “Spider-Man: Far From Home” sắp ra mắt. 

Sau hơn một thập kỷ đắm chìm trong những bộ phim bom tấn kinh phí khổng lồ, Jon Favreau quyết định thực hiện một bộ phim độc lập kinh phí thấp, một dự án cá nhân đầy thú vị. 

Phải công nhận một điều, ở những đạo diễn có tố chất tốt, dù không phải bộ phim nào cũng thành công, nhưng ta có thể thấy dấu ấn cá nhân của họ thể hiện ở mỗi bộ phim. Với “Iron Man”, dấu ấn của Jon chính là cách xây dựng nhân vật Người sắt, từ việc tuyển diễn viên “đo ni đóng giày” cho Robert Downey Jr (biến anh này từ một diễn viên gần như hết thời trở thành ngôi sao hạng A có cát xê cao nhất hiện nay), đến việc mang lại cho nhân vật truyện tranh này một vẻ ngoài rất hài hước, rất “ngầu” và một nhịp điệu phim lôi cuốn, phù hợp với thị hiếu đại chúng ở thế kỷ XXI hơn. Rõ ràng là ta có thể thấy tác động của cách xây dựng nhân vật Iron Man đến nhiều bộ phim nhân vật siêu anh hùng khác của Marvel sau này.

Quay lại Chef. Trong bộ phim này, Jon Farveau vừa biên kịch vừa đạo diễn và đóng luôn vai chính. Jon vào vai anh bếp trưởng Carl Casper trong một nhà hàng hạng sang nổi tiếng ở Los Angeles. Carl là một anh bếp trưởng nghiện việc, thừa cân, đang ở độ tuổi khủng hoảng trung niên, đã ly hôn và thi thoảng cuối tuần ghé đưa cậu con trai 10 tuổi đi chơi. 

Carl không thiếu gì, anh ta có những người đồng nghiệp cấp dưới luôn hỗ trợ, có mối tình lãng mạn với cô gái Molly phục vụ trong nhà hàng vừa ngọt ngào vừa nóng bỏng do Scarlett Johansson đóng. Nhưng cái Carl thiếu là điềm đam mê đang bị ngủ quên, những sáng tạo của một anh nghệ sĩ chế biến món ăn bị bóp nghẹt theo công thức sẵn có của anh chủ nhà hàng do Dustin Hoffman đóng, biến anh trở thành một anh thợ bếp chăm chỉ và chỉ cần thuộc bài. Những sáng tạo món mới của Carl luôn bị anh chủ nhà hàng dập tắt: “Tôi thuê anh và anh chỉ cần làm theo thực đơn”. Và khi một cây bút phê bình ẩm thực nổi tiếng chê bai những món ăn của Carl ngày càng nhạt nhẽo, còn lý do khiến anh tăng cân là do ăn lượng thức ăn thừa quá nhiều trong nhà bếp thì Carl thực sự nổi sùng. Cuộc khẩu chiến “ăn miếng trả miếng” trên twitter giữa nhà phê bình ẩm thực khó ưa và anh đầu bếp lần đầu biết tham gia mạng xã hội đã trở thành một màn thách đố và cuối cùng là màn tấn công bằng võ mồm của Carl ngay giữa nhà hàng. Cái clip do khách ghi lại biến Carl thành một con ngáo ộp với tốc độ lan truyền trên mạng xã hội nhanh như virus. Tất nhiên là Carl mất việc.

Đoạn này chiếm khoảng 1/3 thời lượng phim, với nhịp điệu nhanh và cuốn hút, với cái mồm nói liến thoắng của Jon Favreau (tốc độ bắn thoại chắc chỉ thua Vince Vaughn) thực ra là một ẩn dụ của Jon về sự sáng tạo trong cỗ máy khổng lồ của nước Mỹ. Cái nhà hàng hạng sang ở L.A mà Carl được thuê làm bếp trưởng cũng như những bộ phim bom tấn mà Jon được thuê làm đạo diễn trong suốt hơn một thập niên qua. Anh nổi tiếng, anh được trả tiền cao, nhưng anh chỉ cần làm theo công thức sẵn có đã được nhà sản xuất “kiểm định an toàn”, không cần sáng tạo, không cần dấu ấn cá nhân, vốn rất may rủi.

Hành trình của Carl khi rời bỏ vị trí chef ở một nhà hàng hạng sang L.A để trở thành một anh đầu bếp bán thức ăn dạo trên một chiếc xe tải cũng khá giống với Jon Farveau tạm thời dừng lại những bộ phim bom tấn dòng chủ đạo (nhằm đến khán giả đại chúng) để quay trở lại với những bộ phim độc lập thời đầu khởi nghiệp, theo kiểu không chính thống, nhưng tất nhiên phù hợp với xu thế thời đại hơn. 

Trong chuyến hành trình từ Miami, đi qua New Orleans, Austin về lại L.A, chiếc xe bán thức ăn tới thành phố nào, cậu con trai 10 tuổi của Carl lập tức cập nhật status, hình ảnh đến đó, một chiêu marketing hiệu quả đến mức, khách hàng xếp hàng dài cả cây số để được phục vụ món sandwich Cuba trứ danh. 

Ở bộ phim này, mối quan hệ cha con của Carl đối lập hoàn toàn với mối quan hệ giữa Carl và ông chủ nhà hàng. Một bên là làm thuê, anh chỉ cần làm đúng thực đơn. Một bên là mối quan hệ gia đình, máu mủ ruột thịt luôn hỗ trợ nhau hết mình để anh được quyền sáng tạo như anh mong muốn. 

Điều này hoàn toàn có thể liên tưởng đến những bộ phim bom tấn và những bộ phim độc lập kiểu tác giả ở Hollywood. Tất nhiên, anh cũng không cần phải chối bỏ hay tẩy chay những bộ phim bom tấn, nếu anh có dấu ấn cá nhân và được tôn trọng. Như hình ảnh cuối phim, Carl được chính anh phê bình ẩm thực từng khiến anh mất việc đầu tư mở một nhà hàng lớn, nhưng Carl được tôn trọng tuyệt đối và toàn quyền sáng tạo. Thậm chí hình ảnh chiếc xe tải bán thức ăn trở thành một biểu tượng của nhà hàng.

Nhưng hơn cả một ẩn dụ về nghề nghiệp, Chef là một bộ phim mang lại cảm hứng ngọt ngào về mối quan hệ, từ cha con, vợ chồng (dù đã chia tay) đến đồng nghiệp. Phim của Jon luôn dư thừa năng lượng lạc quan và đầy sức sống. Như đã nói ở đầu, những màn chế biến thức ăn điệu nghệ của Carl, dù là trong nhà hàng hạng sang hay lúc anh làm cho cô bạn gái Molly khiến ta nuốt nước bọt khô cả cổ và không ngừng bật cười vì hài hước. Những điệu nhạc mang âm hưởng Mỹ Latin hay Cuba rộn rã càng làm tăng thêm nhịp điệu ngẫu hứng tươi vui hối hả, nhất là ở phần sau khi bộ phim có dáng dấp của một road movie (phim hành trình). 

Và tất nhiên với một bộ phim tràn đầy sức sống như thế này, dàn diễn viên diễn xuất đầy tung hứng, đặc biệt là Jon Farveau và đứa con trai 10 tuổi. Bên cạnh chủ đề ẩm thực thì chủ đề cha con có thể được coi là chính của bộ phim này. Một trong những bài học đầu đời mà Carl dạy cho cậu con trai của mình về nghề đầu bếp là lòng trung thực và phải chinh phục khách hàng bằng chất lượng thực sự. 

Khi cậu bé Percy định bán một cái bánh bị nướng cháy cho khách hàng (do số lượng khách chờ quá đông), Carl đã kéo con xuống xe và nói với cậu rằng: “Bố muốn lay động mọi người thông qua những gì bố làm. Nó là nguồn sống của bố và bố yêu nó. Vậy giờ ta có nên bán cái bánh kia không?”. Sau vụ tai nạn nghề nghiệp và tìm lại được đam mê của mình, đó là bài học mà Carl muốn truyền lại cho con. 

Chef của Jon Farveau cũng có cái hay là các nhân vật không cần quá đào sâu tâm lý (như mối quan hệ giữa Carl và vợ cũ hay Carl và cô bồ sexy Molly) mà vẫn khiến người xem thấy vừa đủ và hợp lý. Có những mối quan hệ không cần giải thích quá rõ mà vẫn khiến ta tin, có lẽ nhờ diễn xuất ăn ý giữa các diễn viên. Vì thế mà Scarlett Johansson xuất hiện không nhiều mà vẫn khiến ta ngây ngất, Robert Downey Jr xuất hiện chỉ trong một phân đoạn dài chưa tới 3 phút mà khí chất hài hước, rất “ngầu” của anh Iron Man hiện lên đầy đủ, và cô vợ cũ do Sofía Vergara gốc Mỹ Latin đóng thì quá xinh đẹp và ngọt ngào khiến ta muốn họ quay lại với nhau khi bộ phim kết thúc.

Và điều quan trọng nữa là những thông điệp nhẹ nhàng mà bộ phim này để lại cho chúng ta. Trong đời này, dù có thành công và được trọng vọng đến mấy, nếu ta chủ quan và biến mình trở thành một công cụ cho kẻ khác, ta sẽ sớm bị đào thải. Nhưng nếu ta có đủ nghị lực và đam mê, ta sẽ vượt qua những thách thức, nghi ngờ của người khác và tìm lại thành công cho mình.

    Nổi bật
        Mới nhất
        “The Chef Show” - Cái lý của đam mê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO