Xứng đáng vai trò nòng cốt tham mưu, phục vụ công tác bầu cử

 
Xứng đáng vai trò nòng cốt tham mưu, phục vụ công tác bầu cử

Xứng đáng vai trò nòng cốt tham mưu, phục vụ công tác bầu cử

Cùng với tập trung công tác quy hoạch và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán bộ được quy hoạch để tạo nguồn nhân sự chất lượng nhất; phát huy vai trò “cầu nối” giữa Quốc hội với HĐND, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh: Năm 2024, Ban sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng và tiến độ hoàn thành các đề án, nghị quyết được giao để hai năm cuối nhiệm kỳ sẽ tập trung phục vụ bầu cử, tiếp tục xứng đáng với trọng trách cơ quan nòng cốt tham mưu, phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. 

Tạo nguồn nhân sự chất lượng nhất

- Với vai trò cơ quan tham mưu trong công tác tổ chức, bộ máy, xin bà cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động của Ban Công tác đại biểu trong hoàn thiện tổ chức bộ máy, hướng tới sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới?
- Là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ban Công tác đại biểu đã luôn làm tốt vai trò tham mưu, giúp UBTVQH trong công tác đại biểu, công tác tổ chức, cán bộ. Quá trình phát triển hơn 20 năm, tương ứng 5 nhiệm kỳ Quốc hội là khối lượng công việc lớn của Ban để tham mưu, giúp UBTVQH trình Quốc hội kiện toàn bộ máy và nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền. Ban Công tác đại biểu cũng là cơ quan chủ lực tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội khi tham gia các đề án của các cơ quan ban Đảng về công tác cán bộ, về sắp xếp bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đồng thời tham gia tích cực, thường xuyên trong quá trình soạn thảo các dự thảo luật liên quan đến các thiết chế trong bộ máy nhà nước (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…), Ban Công tác đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý, phản ánh tương đối toàn diện và mối quan hệ giữa các thiết chế trong tổ chức quyền lực nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Xứng đáng vai trò nòng cốt tham mưu, phục vụ công tác bầu cử -0
Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Ban đã đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong của Quốc hội, ví dụ như Nghị quyết về việc thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp; Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký Nghị quyết về việc thành lập các hội nghị sĩ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước…

Để góp phần xây dựng hình ảnh Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp chủ động, trách nhiệm, thiết thực và hiệu quả, Ban Công tác đại biểu đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức đối với cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiệm kỳ 2026 - 2031 để tạo nguồn nhân sự chất lượng cao tham gia vào các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH trong nhiệm kỳ tới.

Bảo đảm sự kế thừa, chuyển tiếp liên tục

- Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa cho công tác bầu cử nhiệm kỳ tới, xin bà cho biết những hoạt động cụ thể của Ban Công tác đại biểu để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội và UBTVQH trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031?
- Từ khi được thành lập đến nay, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH tổ chức thành công 4 kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa cho công tác bầu cử sắp tới, trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Ban Công tác đại biểu thường xuyên gắn với mục tiêu phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đơn cử như công tác quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiệm kỳ 2026 - 2031; công tác bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách Khóa XVI là sự chuẩn bị từ sớm, khắc phục tình trạng bị động và thiếu hụt trong công tác nhân sự tại Quốc hội khi chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ; bảo đảm sự kế thừa và chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ đại biểu Quốc hội. Đồng thời, góp phần chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ được quy hoạch sẵn sàng nhận nhiệm vụ và có kết quả hoạt động hiệu quả nhất khi được tín nhiệm giới thiệu và trúng cử làm đại biểu Quốc hội Khóa XVI.
Ban Công tác đại biểu đã tham mưu, phục vụ Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp”. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo kết quả thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và đề xuất những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật. Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu đã khẩn trương rà soát, đánh giá để báo cáo UBTVQH xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật trong năm 2024. Từ kết quả rà soát, cùng với những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch và nguồn nhân sự thực tế, Ban Công tác đại biểu sẽ triển khai các công việc cụ thể để tham mưu Đảng đoàn Quốc hội xây dựng “Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031” để báo cáo và trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua.
Xứng đáng vai trò nòng cốt tham mưu, phục vụ công tác bầu cử -0
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023

Năm 2022, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 ngày 11.7.2022 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu, tổ chức của Ban Công tác đại biểu. Một trong những điểm mới so với Nghị quyết số 575/2008/UBTVQH13 là việc tách bạch nội dung tham mưu, phục vụ của Ban Công tác đại biểu trong công tác bầu cử. Việc phân chia theo nhóm chủ thể tham mưu, phục vụ tại Nghị quyết số 21 là thuận lợi lớn tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng để Ban căn cứ thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, trên cơ sở “Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”, Ban sẽ chủ trì tham mưu, giúp UBTVQH trình Quốc hội quyết định ngày bầu cử; quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương; dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; quy định bộ máy giúp việc Hội đồng Bầu cử quốc gia; tiếp nhận biên bản tổng kết, hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội.

Ngoài những công việc chính liên quan trực tiếp đến công tác nhân sự, Ban Công tác đại biểu sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp UBTVQH ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về bầu cử theo thẩm quyền; tiếp nhận hồ sơ về khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội chưa được giải quyết để giải quyết hoặc xử lý theo quy định; tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và thực hiện các nhiệm vụ khác về bầu cử thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

Như vậy, có thể nói nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu trong công tác bầu cử rất lớn, tập trung vào 2 năm cuối nhiệm kỳ. Do vậy, trong năm 2024, Ban sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm tiến độ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, để hai năm cuối nhiệm kỳ sẽ tập trung phục vụ bầu cử, tiếp tục xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân khi được giao trọng trách là cơ quan nòng cốt trong tham mưu, phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Hướng tới ngày hội của dân tộc, đất nước

- Hướng tới kỷ niệm 80 ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2026), Ban Công tác đại biểu sẽ có những kế hoạch gì đóng góp vào hoạt động trọng thể này?

- Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam là một trong những sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng. Vinh dự đối với Ban Công tác đại biểu khi được UBTVQH tin tưởng giao 3 nhiệm vụ lớn trong Đề án “Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam”. Theo đó, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chủ trì phát động phong trào thi đua hướng tới Lễ Kỷ niệm; đặc biệt, là cơ quan chủ trì làm đầu mối tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Viêt Nam.

Ngay từ khi được giao nhiệm vụ, Ban đã chủ động xây dựng Kế hoạch và chuẩn bị các nội dung tham mưu UBTVQH, lãnh đạo Quốc hội tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua hướng tới Lễ Kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam. Ngoài các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong khối các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, UBTVQH mong muốn nhận được sự hưởng ứng tham gia của các cơ quan, tổ chức, địa phương trong phong trào thi đua để ngày Lễ Kỷ niệm thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh,

Được bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Chủ tịch Hội Nghị sĩ Việt Nam - Hàn Quốc (nhiệm kỳ 2021 - 2026) là vinh dự đối với tôi khi được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và thành viên hai hội tin tưởng giao. Trong 2 năm qua, với vai trò là Chủ tịch Hội, tôi đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động hướng tới tăng cường mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam và Hàn Quốc; góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao nhân dân, ngoại giao nghị viện, đưa hình ảnh Quốc hội Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Năm 2023, với cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, tôi đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân, đặc biệt là tổ chức Hội nghị giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Campuchia - Việt Nam tại Tây Ninh, để lại ấn tượng trong lòng các bạn Nhân dân Campuchia và Việt Nam, được đông đảo phóng viên, báo chí trong nước và Campuchia đưa tin, đánh giá là hoạt động thiết thực trong việc tiếp tục xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện hai bên bền vững, lâu dài.

Với cương vị là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, tôi đã chủ động liên hệ gặp gỡ Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam để trao đổi về một số hoạt động của Nhóm Nghị sĩ; tham dự hội nghị, hội thảo, gặp gỡ, tiếp xúc với chính giới Hàn Quốc sang thăm Việt Nam. Gặp gỡ, trao đổi, làm việc với Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Hàn - Việt và các tổ chức, cá nhân liên quan để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao Nghị viện, thúc đẩy quan hệ giữa doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và ngược lại.

Hiện nay, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đang tập trung hoàn thiện Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH và Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” để trình UBTVQH cho ý kiến thông qua vào đầu năm 2024. Cùng với những nội dung, tiêu chí thi đua được đề ra tại Kế hoạch phát động thi đua hướng tới Lễ Kỷ niệm 80 năm, hai nghị quyết trên sẽ là căn cứ để UBTVQH xét tặng các danh hiệu thi đua và khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp vào hoạt động của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Ban Công tác đại biểu được giao chủ trì, xây dựng Chương 2 -  Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển về chế độ bầu cử, cơ cấu tổ chức, phương hướng hoạt động” trong khuôn khổ đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Với vai trò là người đứng đầu Ban Công tác đại biểu, tôi sẽ tích cực tham gia và chỉ đạo, đồng thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức thuộc hai đơn vị chuyên môn của Ban tập trung, chủ động hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao để tích cực tham gia vào các hoạt động của UBTVQH phát động hướng tới ngày Lễ trọng đại này.

Phát huy sức mạnh tổng hợp các cơ quan quyền lực nhà nước

- Trên cơ sở những đóng góp quan trọng trong tiếp tục tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với HĐND các cấp, công tác tham mưu, giúp UBTVQH giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND sẽ tiếp tục được chú trọng như thế nào để làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa cơ quan dân cử ở Trung ương với cơ quan dân cử ở địa phương, thưa bà?

- Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, ngay từ những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ban Công tác đại biểu đã chủ động báo cáo, xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH ban hành các Đề án, Nghị quyết liên quan đến các hoạt động tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với HĐND nói chung và trong thực hiện chức năng giám sát, hướng dẫn hoạt động của UBTVQH đối với HĐND nói riêng.

Kết quả tham mưu của Ban Công tác đại biểu đã được Đảng đoàn Quốc hội ghi nhận bằng việc thông qua Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND” kèm theo Kế hoạch của UBTVQH ban hành để tổ chức triển khai thực hiện Đề án và UBTVQH ban hành Nghị quyết số 594/NQ - UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp UBTVQH, trong năm 2023, Ban Công tác đại biểu đã chủ động đăng ký 2 Đề án tài khoa học cấp bộ liên quan đến hoạt động của HĐND. Cụ thể: “Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND” và “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Dự kiến sau khi được nghiệm thu, kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để Ban Công tác đại biểu báo cáo UBTVQH xem xét việc hoàn thiện chính sách về hoạt động của HĐND, trước mắt là ban hành Quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, Ban Công tác đại biểu được giao nhiệm vụ tham mưu UBTVQH ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Đây là nhiệm vụ quan trọng được Ban Công tác đại biểu tập trung triển khai trong quý I và quý II năm 2024 để trình UBTVQH xem xét, quyết định, qua đó tạo cơ sở pháp lý để hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp đi vào nền nếp, để đại biểu ngày càng gắn kết hơn với cử tri.

Ban Công tác đại biểu đã trình UBTVQH báo cáo kết quả hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại phiên họp thường kỳ tháng 9.2023 để UBTVQH giám sát hoạt động của HĐND. Ở chiều ngược lại, thông qua việc xem xét báo cáo kết quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo và tham mưu, phục vụ lãnh đạo Quốc hội tham dự các kỳ họp HĐND, Ban Công tác đại biểu đã tiếp nhận và tổng hợp các ý kiến của HĐND, gửi các cơ quan có thẩm quyền để bổ sung cơ sở thực tiễn hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của HĐND và các chính sách, pháp luật chuyên ngành…

Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND lần đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ này. Sau hai lần tổ chức thành công vào đầu năm 2022 và đầu năm 2023, Ban Công tác đại biểu đang xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội tổ chức Hội nghị lần thứ Ba vào tháng 3.2024 tại Thủ đô Hà Nội. Cùng với đổi mới hoạt động theo Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực trong cả nước, chú trọng đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng của hội nghị theo vùng, theo chủ đề… sẽ là nhiệm vụ Ban Công tác đại biểu tập trung triển khai trong thời gian tới để tiếp tục khẳng định vai trò cơ quan kết nối giữa Quốc hội với HĐND, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan quyền lực nhà nước.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thực hiện: HOÀNG ANH
Trình bày: Xuân Tùng; Duy Thông