Xuân ấm trên rẻo cao

- Thứ Tư, 07/02/2024, 13:55 - Chia sẻ

Khi cánh hoa đào, hoa mận bung nở trên những triền đồi là lúc xuân đã về với các bản làng vùng cao. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, cuộc sống đồng bào các dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang khởi sắc từng ngày. Đây chính là động lực để Hòa Bình tiếp tục bứt phá, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ…

Sức sống mới vùng tái định cư

Sớm tinh mơ, khi sương mù còn giăng phủ, đại diện các hộ gia đình trong khu tái định cư xóm Tớn (xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc) đã tập trung tại nhà văn hóa cùng chuẩn bị cho bữa cơm đoàn kết sum vầy. Trong niềm vui ấy không thể thiếu những món ăn đặc sản, những trang phục xúng xính trang sức trong ngày Tết của đồng bào dân tộc Mường. Người người, nhà nhà hân hoan đón chào xuân mới, không khí vui tươi ngập tràn cả một góc trời vùng “sơn cước”.

Xuân ấm trên rẻo cao -0

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo, cử tri và Nhân dân tỉnh Hòa Bình mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là về cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện Chương trình. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và cơ chế thực hiện khoán bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn xã khu vực II và khu vực III...

- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình BÙI ĐỨC HINH -

Đến thăm gia đình chị Ngần Thị Quế khi đang tất bật sửa soạn nhà cửa đón năm mới. Trong ngôi nhà sàn vững chãi, chị Quế xúc động khi nghĩ về những tháng ngày cơ hàn đã qua: đã từng trong cảnh “chưa nắng đã lo, chưa mưa đã sợ”, mới cảm nhận hết được niềm vui của người dân ở khu tái định cư. Trận mưa bão lịch sử xảy ra tháng 10.2017 đã đẩy hàng trăm hộ dân của xã Nam Sơn vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình chị được di dời khỏi vùng nguy hiểm đến khu tái định cư xóm Tớn vào năm 2019.

Từ khi được định cư tại nơi ở mới, đời sống người dân đã khá lên từng ngày, nhà nhà đều yên tâm phát triển kinh tế. Nhiều chương trình, dự án đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xóm đáp ứng mong mỏi của người dân. Các tuyến đường giao thông được xây dựng giúp bà con thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. “Những năm gần đây, các hộ trong xóm đón Tết, vui xuân sung túc, phấn khởi hơn nhiều. Người dân sống quây quần hơn, không rải rác như trước nên có việc gì cũng giúp đỡ nhau, tình làng, nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt”, chị Quế cho biết.

Những tia nắng sớm bắt đầu nhảy nhót trên những dãy núi khi trời chuyển sang trưa, phá tan sương mù tĩnh mịch nơi bản làng xa xôi. Cuộc sống dần khấm khá, người dân không còn phải “lo Tết” như thời gian khó mà thay bằng niềm hân hoan đón Tết, vui xuân. Xuân này càng thêm ý nghĩa khi những hộ gia đình trong vùng có nguy cơ sạt lở cao ở xóm Tuổng Đồi (xã Mường Chiêng, huyện Đà Bắc) được đón chào mùa xuân đầu tiên trong ngôi nhà kiên cố tại khu tái định cư. Thời điểm này, khi điện, đường, trường, trạm đã hoàn thành, nhiều gia đình đã sắm sửa, tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết.

Được sự động viên, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, gia đình ông Hà Văn Xoan chuyển về định cư ở vùng đất mới mang theo niềm tin và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Không giấu được những giọt nước mắt, ông Xoan xúc động: “Chúng tôi không còn lo mưa lũ tàn phá mùa màng, nhà cửa, có động lực để làm ăn, chăm lo cho gia đình. Năm nay, gia đình đón Tết ấm cúng trong ngôi nhà mới được xây dựng từ công sức lao động và đóng góp, hỗ trợ của địa phương cũng như bà con trong vùng”.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cuộc sống mới của người dân tại các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giờ đây như đang “bén rễ, đâm chồi”. Ngoài bảo đảm an cư, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, những năm qua, tỉnh Hòa Bình còn đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, các ngành chú trọng hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn...  đặc biệt trong dịp lễ, Tết.

Tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Với hơn 74% dân số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Hòa Bình xác định ưu tiên phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đã thực hiện các chính sách và đầu tư cho vùng khó khăn, ĐBKK để khuyến khích, cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa. Các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn được tập trung thực hiện để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo.

Bằng nỗ lực của các cấp, các ngành thông qua lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, diện mạo nông thôn, miền núi, đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn từng bước cải thiện, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Toàn tỉnh hiện có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,29% xuống 9,79% (giảm 2,5%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm từ 2,5 - 3%, với xã ĐBKK giảm từ 4 - 4,5%.

Nỗ lực vươn lên của người dân tại các vùng đất khó là minh chứng cho quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở Hòa Bình trong cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh chia sẻ, bài học kinh nghiệm xuyên suốt của tỉnh trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo chính là việc thay đổi nhận thức của đồng bào từ tư duy đến hành động, phát huy tính tự lực, tự cường và khối đại đoàn kết dân tộc. Tỉnh cũng chú trọng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương; ưu tiên các nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề giúp đồng bào DTTS có thu nhập cao hơn.

Thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đó, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 30.7.2021 về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, từng bước thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm 50% số xã, thôn, bản ĐBKK; đến năm 2030, cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK.

Đối với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình, việc chăm lo, nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp bách. Với chủ trương “đúng và trúng” đang triển khai thực hiện, Hòa Bình tin tưởng đồng bào các dân tộc toàn tỉnh sẽ có một cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn để cùng đoàn kết, đồng lòng với cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng quê hương phát triển nhanh, bền vững.

Trần Tâm
#