Thể chế thúc đẩy đổi mới giáo dục

Thể chế thúc đẩy đổi mới giáo dục -0

Thể chế thúc đẩy đổi mới giáo dục

Nghị quyết số 29-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN ĐẮC VINH cho biết, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 29, Quốc hội đã không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Quán triệt sâu sắc, triển khai bài bản

- Năm 2023 chúng ta tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhìn lại quá trình này, theo ông, đâu là những thành tựu nổi bật?

- Sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Đảng ta thông qua Cương lĩnh mới (Cương lĩnh 2011), trong đó yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội. Đây là chủ trương rất lớn, yêu cầu rất cao, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Có thể khẳng định, Nghị quyết 29 đã được các cấp ủy Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc, triển khai bài bản. Quốc hội có Nghị quyết riêng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết số 88/2014/QH13); Chính phủ có chương trình hành động (Nghị quyết 44, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29); Quyết định 404 phê duyệt Đề án thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội… Ở địa phương, nhiều cấp ủy Đảng ban hành nghị quyết riêng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nghị quyết 29 được triển khai toàn diện ở các cấp học, trong đó giáo dục phổ thông được đặc biệt quan tâm; mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện được đặt ra rõ ràng, triển khai cụ thể. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 đánh giá, việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội đã tạo ra chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong giáo dục phổ thông, từng bước đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 29 đề ra.

Đối với giáo dục đại học, một trong những điểm nổi bật là việc hoàn thiện thể chế theo hướng tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, tăng cường nguồn lực, điều kiện hỗ trợ giáo dục đại học. Mục tiêu chung là phát triển hợp lý về quy mô, cơ cấu; đồng thời nâng cao chất lượng, từng bước xác định lĩnh vực ngành nghề được ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chỉ thị về giáo dục nghề nghiệp, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030... Giáo dục mầm non được quan tâm, năm 2017 đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đây là một trong những thành tựu lớn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thể chế thúc đẩy đổi mới giáo dục -0

Tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ

- Bên cạnh việc ban hành Nghị quyết 88, ở góc độ lập pháp, Quốc hội đã cụ thể hóa tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như thế nào, thưa ông?

- Thực hiện chức năng của mình, Quốc hội đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, luật hóa nhiều định hướng lớn về đổi mới giáo dục và đào tạo; cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 29 với nhiều chính sách lớn, tạo điều kiện để Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, phát triển giáo dục theo định hướng đã đề ra.

10 năm qua, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013, thông qua 25 luật và 28 nghị quyết có nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo. Trong đó, có 3 luật chuyên ngành về giáo dục và đào tạo, gồm: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học, Luật Giáo dục, cụ thể hóa tinh thần đổi mới trong nhiều quy định cho các cấp học, trình độ đào tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng rà soát, lồng ghép các nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo trong các luật, bộ luật khác để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ.

- Để bảo đảm các quy định pháp luật đi vào cuộc sống, thực sự tạo chuyển biến đối với giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, công tác giám sát đã được triển khai ra sao, thưa ông?

- Tuy Quốc hội chưa giám sát tối cao lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhưng nội dung này được lồng ghép trong các chuyên đề khác trong 10 năm qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát 2 chuyên đề về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và ban hành các nghị quyết quan trọng. Mới đây nhất là giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” năm 2023. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cơ quan được giao phụ trách lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngoài giám sát hàng năm, đã tiến hành 13 hoạt động giám sát chuyên đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở đánh giá về những kết quả, hạn chế trong thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật, các Đoàn giám sát đã có những kiến nghị cụ thể gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để góp phần tăng cường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, các phiên giải trình tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng góp phần tạo chuyển biến tích cực cho ngành giáo dục. Ví dụ, sau phiên giải trình của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nội vụ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, Bộ Chính trị đã xem xét kiến nghị, chấp thuận bổ sung 65.980 biên chế giáo viên. Đây là minh chứng cụ thể cho thấy Quốc hội đồng hành với Chính phủ, với ngành giáo dục để thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Xây dựng văn hóa học đường - nhiệm vụ trọng tâm

- Bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước đã và đang có nhiều thay đổi, đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục và đào tạo; theo ông, sẽ phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách như thế nào để tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao?

- Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là trọng trách của ngành giáo dục thời gian tới.

Thể chế thúc đẩy đổi mới giáo dục -0
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

“Nghị quyết 29 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong tất cả các bậc học. Giáo dục đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu, nên nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng là quá trình không ngừng nghỉ, không được phép tự bằng lòng và dừng lại mà luôn phải tiến lên phía trước. Đây là yêu cầu rất cao nhưng cũng là nhiệm vụ rất vinh quang”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Để đạt mục tiêu, trong tổng thể phát triển giáo dục và đạo tạo, cần quan tâm tới một số vấn đề. Trước hết, tiếp tục khẳng định "giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cho giáo dục và hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục. Cần tiếp tục tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhưng chỉ dựa vào đầu tư của Nhà nước là không đủ, cần có chính sách hiệu quả để thu hút được nguồn lực từ xã hội; đồng thời quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung, khối ngoài công lập nói riêng.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo phát triển nhanh hơn. Quốc hội, Chính phủ đang có chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo, mong muốn tạo ra chính sách đột phá từ đào tạo đến tuyển dụng, bồi dưỡng, tập huấn, đãi ngộ... để tạo dựng được đội ngũ giáo viên tốt hơn. Thực tế, trong môi trường sư phạm, giáo viên luôn có vai trò quan trọng.

Thứ ba, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các giải pháp bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Một trong những yêu cầu lớn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục. Bên cạnh đó, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, ưu đãi giáo viên địa bàn còn khó khăn, học sinh, sinh viên nghèo.

Thứ tư, chú trọng xây dựng văn hóa học đường, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Môi trường sư phạm phải vừa có sức cạnh tranh về học thuật; vừa phải là môi trường văn hóa để học sinh, sinh viên rèn luyện, trưởng thành về nhân cách, phát triển toàn diện, đáp ứng các chuẩn mực của xã hội.

Cuối cùng, bảo đảm sự nhất quán, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cần phải là một hệ thống nhất quán, có sự bổ trợ, hỗ trợ cho nhau.

- Xin cảm ơn Chủ nhiệm!

  Thực hiện: Anh Minh
Trình bày: Xuân Tùng