Quảng Bình đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển

Quảng Bình đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển -1
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng làm việc tại dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Mai 

Quảng Bình đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển

Phát huy truyền thống quê hương, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn chưa có tiền lệ nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, tỉnh Quảng Bình đã đạt được một số chỉ tiêu cơ bản qua nửa nhiệm kỳ với nhiều điểm sáng nổi bật, không chỉ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng mà còn đặc biệt chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Nhấn mạnh nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh VŨ ĐẠI THẮNG cho biết: Tiếp tục hiện thực hóa khát vọng phát triển, năm 2024, tỉnh tập trung cao độ cho khâu đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển.

Vượt thách thức chưa từng có tiền lệ 

- Tỉnh Quảng Bình đã đi quá nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với nhiều khó khăn, thách thức. Song với nỗ lực, quyết tâm cao, tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, thưa ông?

- Phát huy truyền thống quê hương, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn chưa có tiền lệ nhưng bằng tinh thần quyết tâm và nhiều quyết sách đúng đắn, tỉnh Quảng Bình đã đạt được một số chỉ tiêu cơ bản qua nửa nhiệm kỳ: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 6,63%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân/người đạt 60,24 triệu đồng, tăng gần 14 triệu đồng so với năm 2020.

Bên cạnh đó, một số điểm sáng nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua là Quảng Bình trở thành 1 trong 9 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh được phê duyệt tạo điều kiện để tỉnh triển khai các quy hoạch quan trọng như: Khu Kinh tế Hòn La; xây dựng thị xã Ba Đồn đạt tiêu chí đô thị loại III thuộc tỉnh; xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2045; xây dựng đô thị Hoàn Lão đến năm 2045; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng phát triển các tiềm năng, thế mạnh, từng bước đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp có những chuyển biến tích cực, nhiều dự án được đầu tư và đi vào hoạt động. Giai đoạn 2021 - 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Quảng Bình tăng bình quân 10,3%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9%/năm. Về du lịch, năm 2023, Quảng Bình ước đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2,14 lần so với năm 2022; một số cơ sở du lịch đẳng cấp khu vực và quốc tế được đưa vào khai thác...

Quảng Bình đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển -0

Với truyền thống kiên cường vượt qua gian khó của quê hương và khát vọng vươn lên luôn hiện hữu trong mỗi tập thể, cá nhân, tin tưởng rằng, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ từng bước đưa quê hương phát triển nhanh và bền vững, đồng hành cùng đất nước hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình VŨ ĐẠI THẮNG

- Để “thắp lên” những điểm sáng kể trên, tỉnh Quảng Bình đã có những kế hoạch gì cho sự phát triển trước mắt cũng như bền vững về sau, thưa ông?

- Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định tinh thần: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã góp phần tạo tiền đề, động lực cho tăng trưởng, đổi mới sáng tạo. Hơn nửa nhiệm kỳ qua, cấp ủy các cấp đã quán triệt thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, coi trọng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo thực hiện 4 khâu đột phá trong nhiệm kỳ, gồm: phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Khi đã có chủ trương từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh phải kịp thời cụ thể hóa thành chính sách, sâu sát thực tiễn, nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính, bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với chính sách. Công tác kiểm tra, thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được hết sức chú trọng thực hiện. Có thể khẳng định, việc hoạch định đường lối không chỉ cần tính chiến lược mà còn phải bảo đảm kịp thời, sát thực tiễn. Song song với triển khai là quá trình cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia giám sát, điều chỉnh để chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Quảng Bình đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển -0
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình kiểm tra tiến độ các dự án tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch. Ảnh: Ngọc Mai 

Tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng 

- Bên cạnh tập trung cho mũi nhọn phát triển, tỉnh luôn có những chính sách thiết thực chăm lo cho người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, thưa ông?

- Chăm lo tốt cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, các đối tượng yếu thế là nội dung chúng tôi luôn đặt cạnh mục tiêu phát triển. Hơn nửa nhiệm kỳ qua, Quảng Bình đã ban hành nhiều chính sách đồng bộ, bảo đảm “phủ sóng” đến mọi đối tượng. Hiện, 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) là 2 xã cuối của tỉnh chưa được sử dụng điện lưới. Đây chính là băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo tỉnh.

Căn cứ tình hình thực tế, giải pháp cần thiết và hiệu quả nhất là đầu tư điện lưới, đáp ứng nhu cầu đời sống và sản xuất cho đồng bào. Năm 2022, với nỗ lực của tỉnh, các sở, ngành, địa phương, dự án kéo điện lưới xuyên qua Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được thông qua và chính thức khởi công, kỳ vọng sẽ mang lại những đổi thay mạnh mẽ cho 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh, đưa đời sống đồng bào nơi đây từng bước khởi sắc, mà vẫn bảo đảm an toàn cho Di sản.

Về tổng thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08, ngày 10.6.2022 về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 09, ngày 14.6.2022 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh Khóa XVIII đã ban hành nhiều nghị quyết, như: hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh; chế độ, chính sách cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chăm lo Nghệ nhân dân gian, vận động viên thể thao có thành tích cao; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thôn bản, tổ dân phố; hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển… Trong điều kiện địa phương còn khó khăn, đây là những quyết sách xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời nguyện vọng, mong mỏi của Nhân dân, là động lực quan trọng tiếp sức cho các tầng lớp Nhân dân trong phát triển đời sống, sản xuất, kinh doanh, lao động, học tập, chinh phục những tầm cao mới.

Quảng Bình đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển -2
Đoàn công tác khảo sát Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Ảnh: Ngọc Mai

- Năm 2024 được xem là năm “nước rút” để Quảng Bình chuẩn bị về đích kế hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025 với những khó khăn còn hiện hữu. Tỉnh đã đề ra định hướng gì để thực hiện đột phá các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, thưa ông?

- Năm 2024 là thời điểm gần như "về đích" đối với tất cả các mục tiêu của nhiệm kỳ, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển. Quảng Bình xác định phấn đấu hoàn thành cơ bản hoặc vượt các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Trong đó, đặc biệt tập trung cao độ cho khâu đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển trong tương lai, bao gồm các tuyến giao thông vận tải trọng điểm như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; mở rộng Cảng Hàng không Đồng Hới…; hệ thống cảng biển - tận dụng lợi thế đường bờ biển dài và cảng nước sâu; chuẩn bị điều kiện cho các dự án mở rộng hầm đường bộ Đèo Ngang, cầu Gianh, cầu Quán Hàu.  

Bên cạnh đó, hạ tầng năng lượng cũng là một trong những động lực chính của tỉnh. Từ hiệu quả giải ngân trong năm 2023, dự kiến Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ hoàn thành trong năm 2024, tạo dư địa lớn để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới. Sản phẩm năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi đang được thăm dò, đánh giá, hứa hẹn tiềm năng phát triển trong tương lai gần. Ngành du lịch tiếp tục phấn đấu đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt tại các phân khúc cao hơn nữa.

Trong công tác xây dựng Đảng, tỉnh quyết tâm thực hiện tốt chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 của Đảng bộ tỉnh “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới vì sự phát triển của quê hương, đất nước”; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước chào mừng 420 năm hình thành tỉnh, 75 năm ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm ngày tái lập tỉnh; chuẩn bị tốt các điều kiện cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

- Xin cảm ơn ông!

KHÁNH TRINH thực hiện