Nửa thời kỳ thực hiện Kế hoạch 2020 - 2025, kinh tế - xã hội tỉnh Long An tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung. Đó là tăng trưởng GRDP đều đạt mức khá, trong đó năm 2022 đạt 8,32%, năm 2023 đạt 5,77%; thu ngân sách duy trì ở mức cao, trên 20.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư, nhất là vốn FDI luôn thuộc nhóm 10 cả nước; chuyển đổi số tạo được những đột phá mới... Trong thành tựu chung, HĐND tỉnh có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thể chế hóa, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Khóa X đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, trách nhiệm, đổi mới, hành động và hiệu quả trên các mặt công tác.
Chủ động phối hợp tạo cơ chế đột phá
Với tinh thần chủ động, đổi mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Long An đã ban hành Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm cơ sở triển khai đổi mới toàn diện, thực chất các mặt công tác. Đặc biệt là đổi mới công tác tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết theo hướng chủ động chuẩn bị “từ sớm, từ xa”; chú trọng tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu tác động; họp cụm tổ đại biểu thảo luận trước kỳ họp để có nhiều ý kiến đóng góp từ cơ sở; nghiên cứu ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc; thẩm tra bài bản, chặt chẽ; tổ chức ngay kỳ họp chuyên đề để quyết định những vấn đề cấp bách quan trọng mà không chờ đến kỳ họp thường lệ. Từ cách làm hiệu quả đó, qua 13 kỳ họp, HĐND tỉnh Long An đã ban hành 353 nghị quyết bảo đảm đúng quy định, phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tiếp nối truyền thống trung dũng, kiên cường trong bảo vệ Tổ quốc, đột phá, đổi mới trong xây dựng đất nước và phát huy những kết quả các năm qua, HĐND tỉnh Long An quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nhất là ban hành các cơ chế, chính sách đổi mới, đột phá để kiến tạo không gian và các động lực tăng trưởng kinh tế mới. Năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với UBND tỉnh xây dựng, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành thêm các cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giải pháp đẩy nhanh tiến độ, xử lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách chậm thực hiện; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách an sinh xã hội… Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của HĐND tỉnh trong nửa nhiệm kỳ còn lại, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Long An trở thành “trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam vào năm 2030 và thuộc nhóm tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước vào năm 2050.
Đặc biệt, với sự lãnh đạo của Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng danh mục nhằm chủ động phối hợp với UBND tỉnh báo cáo, xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình HĐND tỉnh xem xét ban hành một số nghị quyết về cơ chế, chính sách mới, đặc thù như: cơ chế giao quyền cho UBND tỉnh chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thí điểm cơ chế tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; thí điểm cơ chế hỗ trợ đầu tư đường trục ấp, liên ấp; chính sách thu hút nhân lực ngành y tế và giáo dục… Sự ra đời của các nghị quyết này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tế, tạo động lực phát triển của tỉnh mà còn mở ra hướng đổi mới tư duy và hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh như Đề án đổi mới đã đề ra. Đó là nâng cao trách nhiệm, chủ động, phối hợp, sáng tạo và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.
Giải quyết trực diện các vấn đề cử tri kiến nghị
Nửa nhiệm kỳ qua, hoạt động giám sát được đổi mới mạnh mẽ. Trước hết, số lượng giám sát chuyên đề tăng và có sự điều phối hài hòa giữa các mức độ giám sát của HĐND, Thường trực, Ban HĐND tỉnh. Nội dung giám sát vừa tập trung vào các vấn đề quan trọng tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, vừa tập trung vào các vấn đề bức xúc cử tri quan tâm. Chú trọng chất lượng kết luận và hiệu quả sau giám sát thông qua việc lập tổ giúp việc, mời chuyên gia tham gia đoàn giám sát, kết hợp khảo sát thực tế với giám sát tại chỗ, chuẩn hóa các văn bản kết luận, báo cáo, kiến nghị và tổ chức theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận của đoàn giám sát.
Đổi mới đã mang lại kết quả rất tốt trên các lĩnh vực giám sát về công tác quản lý và thực hiện quy hoạch; đấu giá quyền sử dụng đất công; sử dụng đất để đầu tư các dự án ngoài ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý chất thải rắn; cải cách giáo dục, quản lý các di tích lịch sử - văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp… Đặc biệt, 5 phiên chất vấn, 5 phiên giải trình, 6 chương trình Đối thoại tập trung vào các vấn đề như: rà soát, xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai; điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn; phát triển nhà ở xã hội, nhà yến; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; ngăn chặn, xử lý nạn tín dụng đen; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, buôn lậu… đã tác động lan toả rất lớn trong xã hội. Đây được xem là điểm nhấn nổi bật, làm đa dạng thêm hình thức giám sát, lắng nghe và giải quyết trực diện các vấn đề cử tri kiến nghị.
Mở rộng dân chủ, lắng nghe ý tưởng, hiến kế từ Nhân dân
Với phương châm “lấy dân làm gốc”, mong muốn nhận được sự đồng hành, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân, Thường trực HĐND tỉnh Long An lần đầu chủ trì, phối hợp với UBND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức Cuộc vận động “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” hướng tới mục tiêu xây dựng “Long An giàu - mạnh; Người dân vui vẻ - hạnh phúc; Xã hội an toàn - văn minh; Chính quyền trong sạch - vững mạnh”. Trong năm 2023, đã tiếp nhận 128 hiến kế và đang được Hội đồng Giám khảo đánh giá, dự kiến khen thưởng vào tháng 2.2024. Các hiến kế được phân loại, chuyển đến cơ quan liên quan để nghiên cứu vận dụng vào quản lý, điều hành phù hợp. Thành công của Cuộc vận động chính là cử tri đã có diễn đàn chính thức để đóng góp ý tưởng xây dựng quê hương và sự quan tâm, tích cực tham gia của cử tri ở các lứa tuổi, các ngành nghề, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Cuộc vận động này sẽ được duy trì thường xuyên trên các nền tảng môi trường mạng của Thường trực HĐND tỉnh và tổng kết xếp loại hàng năm.
Cùng với đó, là hoạt động TXCT có những đổi mới phù hợp. Nổi bật là, đa dạng hình thức TXCT như trực tiếp, trực tuyến và kết hợp trực tiếp với trực tuyến; kết hợp TXCT của Tổ đại biểu HĐND tỉnh và huyện. Đồng thời, đa dạng nhiều kênh thông tin để tương tác, tiếp nhận ý kiến cử tri, công dân thông qua diễn đàn đại biểu dân cử và cử tri trên Trang thông tin và các trang mạng xã hội của HĐND tỉnh như Zalo, Facebook, YouTube… tạo không gian mở cho đại biểu và cử tri.