Khát vọng Tây Đô

- Thứ Tư, 07/02/2024, 13:38 - Chia sẻ

TRẦN VIỆT TRƯỜNG - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ 

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước vươn lên trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã, đang hướng đến tầm nhìn, tư duy mới, khát vọng xây dựng, đưa thành phố được mệnh danh là Tây Đô vươn lên tầm cao mới.

20 mùa hoa rực rỡ

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26.11.2003 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, tỉnh Cần Thơ được chia tách thành tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ (trực thuộc Trung ương). Từ ngày 1.1.2004, TP. Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội cho cả vùng phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

                  Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường

Để phát huy tối đa tiềm năng cho phát triển, mục tiêu đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố là phải xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng vùng ĐBSCL.

Với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành trong việc ban hành, cụ thể hóa việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ; nỗ lực phấn đấu, tinh thần đoàn kết, nhất trí, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố; sự ủng hộ nhiệt tình của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và cả nước, qua 20 năm xây dựng, phát triển, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện. Hàng năm, Cần Thơ đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng gấp 9,2 lần so với năm 2004; việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng từ 4.088 tỷ đồng năm 2004 lên 22.000 tỷ đồng năm 2020 và năm 2023 ước đạt 31.293 tỷ đồng, tăng bình quân trên 11,2%/năm.

Công tác quy hoạch và phát triển đô thị được thực hiện tốt. Quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL. Kết cấu hạ tầng đô thị được cải thiện, tạo điều kiện kết nối mạng lưới đô thị vùng.

TP. Cần Thơ là một trong các đô thị trọng điểm thực hiện “Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”; thành phố đã nhận “Chứng chỉ ASEAN thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch”. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng, đặc biệt là hợp tác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL được thúc đẩy, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Hệ thống hạ tầng giao thông trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải vùng và liên vận quốc tế, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng về văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ở mức thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm. Ngoài ra, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng luôn được chú trọng; công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; hoạt động của bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; giữ vững vai trò là địa bàn trọng điểm, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước.

Phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng

Theo “Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, “Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam”. Trên cơ sở tầm nhìn mới, tư duy mới về sự vươn lên của thành phố, thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ khai thác, phát huy đồng bộ các tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực phát triển, biến các nguồn lực đó thành động lực để vươn lên xứng với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL.

Qua 20 năm xây dựng, phát triển, thành phố Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Tư duy phát triển thành phố đến năm 2045 là chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Me Kong. Chủ động khai thác hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là yếu tố con người. Phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm sự gắn kết hữu cơ giữa thành phố với các địa phương trong vùng, với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành trong cả nước.

Với tầm nhìn đó, thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển TP. Cần Thơ, vùng ĐBSCL từ nay đến năm 2045, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân trong việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt quy hoạch TP. Cần Thơ. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, phát triển hạ tầng kinh tế số, công nghệ thông tin, viễn thông, các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông; phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh ứng dụng và khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và vùng ĐBSCL. Đồng thời, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn với phát triển du lịch. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, tăng cường liên kết, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng và các tỉnh, thành khác trong cả nước, tạo cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng.

#