Đồng Nai theo đuổi phát triển có chọn lọc
Giữ vững đoàn kết, quyết tâm đổi mới
- Điều gì khiến ông cảm thấy hài lòng nhất khi nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ (2021 - 2023) đầy khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19?
- Vâng, chắc chắn đó là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh. Nhờ đó, chúng tôi đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng; được Nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đồng tình ủng hộ.
Thành quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh từ 2021 - 2023 tăng 6,79% - tuy thấp hơn so với Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh (8,5%) nhưng vẫn thuộc nhóm tăng trưởng cao của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp, phát triển đồng bộ, chất lượng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Trong đó, chúng tôi đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 cho Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam để triển khai dự án sân bay Long Thành với tổng diện tích 2.532ha, đạt tỷ lệ 100%; cơ bản hoàn thành việc thu hồi đất giai đoạn hai 2.400ha; khởi công xây dựng hai gói thầu Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đồng thời, phối hợp triển khai nhiều công trình, dự án quan trọng như Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (đã đưa vào sử dụng - PV), Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Cầu Phước An, đường T1, T2 kết nối sân bay Long Thành...
Chúng tôi cũng rất quan tâm đến chất lượng tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững, theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, đồng bộ các ngành và lĩnh vực, trong đó tập trung các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, thúc đẩy gia tăng năng suất các nhân tố tổng hợp TFP.
- Người dân được hưởng lợi như thế nào từ thành quả tăng trưởng đó, thưa ông?
- Có thể khẳng định, đời sống nhân dân tỉnh Đồng Nai không ngừng được cải thiện. Chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của Đồng Nai đạt gần 140 triệu đồng/người. Tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm sóc sức khỏe nhân dân; từng bước cải thiện môi trường sống, chất lượng không khí, chất lượng môi trường. Chúng tôi cũng ưu tiên bố trí các công trình sinh hoạt cộng đồng, tạo được nhiều không gian sống chất lượng cho người dân như công viên, bãi đậu xe, khu vui chơi giải trí công cộng, nơi để rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể dục thể thao… Tỷ lệ hộ nghèo giảm, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, là địa phương có số lượng công nhân cao, chúng tôi chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà cho người thu nhập thấp; kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giảm dần các khu nhà trọ công nhân không đạt quy chuẩn. Hiện, Đồng Nai đã dành nhiều quỹ đất thu hút nhà đầu tư để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của công nhân. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2030 xây dựng ít nhất 50.000 căn, đến 2030 đáp ứng 28% nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân. Riêng trong năm 2021, đã xây dựng 273 căn; năm 2022: 200 căn; năm 2023: 472 căn và đang chuẩn bị các dự án mới cho năm 2024.
Phát triển có chọn lọc, lấy người dân làm trung tâm
- Bên cạnh thành quả tăng trưởng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cá nhân ông đang trăn trở về những vấn đề gì?
- Dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song chúng tôi cũng nhận thấy rằng, kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Cụ thể là chất lượng thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không cao. Thu hút nhiều, nhưng chủ yếu các dự án hỗn hợp, hàm lượng khoa học - công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến đóng góp vào ngân sách chưa cao. Các khu công nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa được chọn lọc, dẫn đến tình trạng quỹ đất công nghiệp không còn nhiều, khó thu hút các nhà đầu tư lớn.
Hạ tầng xã hội cũng là một vấn đề đặt ra đối với Đồng Nai. Sự gia tăng nhanh chóng dân số cơ học và người lao động nhập cư trên địa bàn dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết an sinh xã hội; gây quá tải cho giáo dục, y tế và các thiết chế văn hóa, thể thao, nhu cầu nhà ở xã hội bị quá tải, tác động tiêu cực đến môi trường sống...
Trong bối cảnh như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng và an sinh xã hội từng giai đoạn thì nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố quyết định. Đồng Nai trong nhiều năm luôn là đơn vị đóng góp ngân sách nhà nước lớn nhưng nguồn lực tài chính được giữ lại còn chưa tương xứng, chưa bảo đảm để đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
"Chúng tôi sẽ xây dựng chính quyền Đồng Nai là một chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ. Xây dựng tỉnh Đồng Nai là đô thị đẳng cấp, đáng sống!"
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh
-Vậy tỉnh có đối sách nào cho những vấn đề này?
- Báo cáo lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua. Trong đó, nêu rõ quan điểm: (1) Lấy người dân làm trung tâm; (2) Phát triển có chọn lọc; (3) Phát huy thế mạnh, tiềm năng; (4) Hướng tới tương lai; (5) Phát triển bền vững. Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, Đồng Nai xác định đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao; là đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống; nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, thúc đẩy thực hiện hiệu quả mục tiêu phát thải trung tính "Net-Zero 2050".
Đặc biệt, chúng tôi sẽ thay đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng chọn lọc các nhà đầu tư có công nghệ tốt hơn, không thâm dụng lao động, nâng cao chất lượng lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đây là thử thách mà lãnh đạo tỉnh và những nhà đầu tư mới phải nỗ lực. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, với mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 phấn đấu xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội, từng bước đưa công nhân rời các khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội.
Đặc biệt năm 2024, chúng tôi sẽ phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công bảo đảm khoa học, có tính khả thi cao; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, làm việc "cầm chừng"... nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
-Phát triển bền vững, có chọn lọc và lấy người dân làm trung tâm phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Tỉnh định hướng như thế nào về nhiệm vụ quan trọng nhưng không hề dễ dàng này?
- Để phục hồi môi trường và tiến tới kiểm soát hiệu quả vấn đề môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững, cần nỗ lực kiểm soát các dự án mới. Các dự án mới đầu tư vào tỉnh phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải chuẩn mực. Đồng thời, có lộ trình, quyết liệt và từng bước xử lý vi phạm về môi trường của các dự án cũ không đáp ứng yêu cầu.
- Xin cảm ơn ông!
Thái Bình thực hiện