Đặt mình vào người lao động để lắng nghe và thấu hiểu

Đặt mình vào người lao động để lắng nghe và thấu hiểu -0

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung:

Đặt mình vào người lao động để lắng nghe và thấu hiểu

Luật Bảo hiểm xã hội lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn. Tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn. Đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là một luật chuyên ngành đặc thù, gắn với quyền lợi của hàng chục triệu người, bảo đảm an sinh cho người lao động nghỉ hưu.

Nhận diện nguyên nhân

- Xin được bắt đầu từ câu chuyện "làn sóng" rút bảo hiểm xã hộ (BHXH) một lần trong những năm 2021, 2022 sau đại dịch Covid-19. Thưa Bộ trưởng, ông nhìn nhận hiện tượng này thế nào?

- Đúng là sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng nhu cầu đơn hàng của thế giới giảm, nên hiện tượng rút BHXH một lần của người lao động diễn ra khá nhiều, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp vùng động lực tăng trưởng kinh tế phía Nam, tại một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Lý do đã rõ! Sau đại dịch nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng. Thời điểm căng thẳng như năm 2021, có khoảng 60 - 80% người lao động làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng tạm thời mất việc làm. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm và không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Bên cạnh đó, việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm; còn thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động, khiến họ không được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH; một số doanh nghiệp thay đổi dây chuyền công nghệ, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động từ 35 - 40 tuổi trở lên, khiến nhiều người bị mất việc…

"Chính vì vậy, khi chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng dự thảo Luật, tôi đã yêu cầu: phải đặt mình vào người lao động, lắng nghe nguyện vọng của họ là gì? Vướng mắc ở đâu so với pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội hiện hành? thì chúng ta mới có thể gỡ được nút thắt bấy lâu…" 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ĐÀO NGỌC DUNG

- Ngoài nguyên nhân nêu trên, còn lý do nào khác không, thưa ông?

- Theo tôi, đó còn là nhận thức của người lao động về tham gia BHXH để bảo đảm an sinh sau khi nghỉ hưu. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra, phần lớn người lao động rút BHXH một lần đều ở độ tuổi từ 30 - 40, chiếm khoảng 40,4%; nhóm tuổi từ trên 60 tuổi đứng thứ 5, chiếm khoảng 1,1%. Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội giai đoạn 2016 - 2022 cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, trong đó trên 90% ở khu vực doanh nghiệp và có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH, chiếm 26% số người hưởng BHXH một lần.

Đặt mình vào người lao động để lắng nghe và thấu hiểu -1
Luật BHXH (sửa đổi) đã được các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV. T. Giáp

Tìm phương án phù hợp nhất cho người lao động

- Trước tình hình người lao động rút BHXH một lần gia tăng, cá nhân ông có suy nghĩ gì?

- Chắc chắn, việc rút BHXH một lần gia tăng đặt ra thách thức rất lớn với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Bởi điều này đồng nghĩa với mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia BHXH và số người hưởng lương hưu, từ đó không đạt được mục tiêu chính sách là: "Bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH". Việc gia tăng số người hưởng BHXH một lần như hiện nay sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân như Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu: "Đến năm 2030, 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội".

Ở khía cạnh khác, dân số Việt Nam hiện đang già hóa nhanh, không đầy 20 năm tới, xu hướng hưởng BHXH một lần gia tăng, sẽ tác động lớn đến tỷ lệ dân số già được hưởng hưu trí hàng tháng trong tương lai. Điều này có nghĩa là ngân sách Nhà nước sẽ phải chi nhiều hơn cho trợ cấp đối với người cao tuổi, những người không có lương hưu, ngay cả khi dự kiến giảm độ tuổi được hưởng. Còn đối với cá nhân người lao động, việc hưởng BHXH một lần sau một năm nghỉ việc, sẽ ảnh hưởng đến việc tích luỹ quá trình đóng góp cần thiết để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, làm giảm cơ hội được hưởng lương hưu khi về già.

- Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ: "Cần truy tố hình sự đơn vị, công ty trốn đóng BHXH, cấm xuất cảnh, ngừng cung cấp hóa đơn thuế…" Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm nội dung này?

- Đây đúng là một thực trạng nhức nhối trong nhiều năm nay. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai các giải pháp khắc phục việc chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng BHXH. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng như: quy định cụ thể hai hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng, khuyến khích người lao động sớm nộp số tiền đóng BHXH; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH; quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, theo quy định của Bộ luật Hình sự; bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện chính sách BHXH, phát triển đối tượng tham gia BHXH…

- Trong dự thảo có đưa ra 2 phương án cho phép người lao động rút BHXH một lần. Vì sao lại như vậy, thưa Bộ trưởng?

- Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới được Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV thảo luận lần đầu, nhưng đã có rất nhiều ý kiến chia sẻ, góp ý của các đại biểu Quốc hội. Thay mặt Ban soạn thảo, cá nhân tôi và ngành lao động, thương binh và xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn trân trọng các ý kiến, góp ý, hiến kế từ các đại biểu Quốc hội, Hiệp hội Doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông… Đó là những thông tin rất hữu ích trong quá trình chúng tôi hoàn thiện dự thảo Luật. Vấn đề BHXH một lần, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị - xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.  

Hiện tại chúng ta khó có thể đưa ra một phương án tối ưu đáp ứng được mọi nhu cầu, mà cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất, hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn. Từ ý kiến của người lao động, tổ chức đại diện người lao động và đặc biệt là ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng việc điều chỉnh hưởng BHXH sẽ tiếp tục theo hướng tối đa quyền lợi cho người lao động. Điều quan trọng là cần giữ chân người lao động và chăm lo cho họ, để khi hết tuổi lao động có lương hưu, bảo đảm cuộc sống.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thực hiện: Thái Bình
Trình bày: Xuân Tùng