“Bắt rễ” sâu vào cuộc sống và ý nguyện của Nhân dân - động lực để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả

“Bắt rễ” sâu vào cuộc sống và ý nguyện của Nhân dân - động lực để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả -0

“Bắt rễ” sâu vào cuộc sống và ý nguyện của Nhân dân - động lực để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả

Từ thực tiễn sôi động, kết quả toàn diện của Quốc hội vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG nhấn mạnh, Quốc hội “bắt rễ” rất sâu vào thực tiễn cuộc sống và ý nguyện của Nhân dân, đó là khởi nguồn cũng là động lực để hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Năng lượng đổi mới của Quốc hội còn rất dồi dào bởi cội nguồn của năng lượng đó bắt nguồn từ Nhân dân và hơn nữa đó là tinh thần vì Nhân dân, vì đất nước.

Phản ứng nhạy bén, kịp thời giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề cấp bách của cuộc sống

- Quốc hội đã đi qua nửa nhiệm kỳ với những kết quả toàn diện, hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn. Nhìn lại năm 2023 và chặng đường nửa nhiệm kỳ qua, Tổng Thư ký Quốc hội ấn tượng nhất điều gì?  

- Quốc hội bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV trong bối cảnh khó khăn, thách thức vô cùng lớn do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như những diễn biến khó lường của tình hình quốc tế. Chính vì thế, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng một Chương trình hành động rất căn cơ, bài bản trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước và những yêu cầu đổi mới để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Qua đó, đã xác định hơn 100 đề án, nhiệm vụ giao cho từng cơ quan thực hiện với thời hạn cụ thể nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trong hơn 2 năm qua, công tác triển khai thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội hết sức nghiêm túc, hiệu quả, nhiều đề án, nhiệm vụ “về đích” sớm so với thời hạn của Chương trình hành động. Đảng đoàn Quốc hội đặc biệt chú trọng việc đôn đốc thực hiện, lần đầu tiên tổ chức giao ban hàng tháng của lãnh đạo Quốc hội và giữa Lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở, định hướng nhiều nội dung, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, qua đó, tạo chuyển biến rất căn cơ trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, làm cho hoạt động của Quốc hội sát với thực tiễn hơn, hiệu quả hơn.

Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở, định hướng nhiều nội dung, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, qua đó, tạo chuyển biến rất căn cơ trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, làm cho hoạt động của Quốc hội sát với thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội vừa qua đã tiếp tục thể hiện sâu đậm tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân.

Cùng với các đề án, nhiệm vụ đã được xác định thì từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã phản ứng mau lẹ, nhạy bén, kịp thời giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề cấp bách của cuộc sống. Có nhiều việc Quốc hội không chờ Chính phủ, các cơ quan trình mà chủ động gợi mở, định hướng và cùng phối hợp xây dựng, trình Quốc hội quyết định ngay, như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù khác với luật, chưa được luật quy định để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hay Nghị quyết số 43/2022/QH15 về hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch... Cùng với đó là nhiều kỳ họp bất thường đã được tổ chức cũng nhằm tháo gỡ, xử lý ngay các vấn đề cấp bách của cuộc sống.

Điều này không phải tự Quốc hội đánh giá mà được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đã nhiều lần cảm ơn Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vì sự đồng hành hết sức chặt chẽ, hiệu quả này.

Có thể nói rằng, hơn 2 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay là khoảng thời gian bộn bề công việc, nhưng cũng rất nhiều dấu ấn của Quốc hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thôi thúc từ cuộc sống, Quốc hội đã tiếp tục đổi mới cách thức làm việc, hành động quyết liệt, chủ động đồng hành sát sao với Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị để kịp thời xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra với phương châm “vì Nhân dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”; triển khai rất hiệu quả một trong 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thực tiễn hoạt động của Quốc hội vừa qua đã tiếp tục thể hiện sâu đậm tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân. “Bắt rễ” rất sâu vào thực tiễn cuộc sống và ý nguyện của Nhân dân, hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và Nhân dân.

“Bắt rễ” sâu vào cuộc sống và ý nguyện của Nhân dân - động lực để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả -0
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV

Chuẩn hóa quy trình, thúc đẩy tư duy sáng tạo, nâng cao năng lực dự báo

- Trong thành tựu chung của Quốc hội có vai trò quan trọng của Văn phòng Quốc hội - cơ quan tham mưu, giúp việc tin cậy và hiệu quả của Quốc hội. Xin Tổng Thư ký Quốc hội chia sẻ về hoạt động của Văn phòng thời gian qua?  

- Với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu, tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã triển khai, thực hiện và hoàn thành nhiều yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề, trong đó có những nội dung đột xuất, mới, khó, phức tạp. Tập thể lãnh đạo và từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội đã không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống, đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức làm việc theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn, thúc đẩy tư duy sáng tạo, ý chí phấn đấu, nâng cao năng lực dự báo tình hình và kịp thời phản ứng đối với nhiều vấn đề phát sinh, chủ động tham mưu, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ.

Riêng trong năm 2023, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công hơn 3.000 cuộc họp, các cuộc làm việc, hội nghị, hội thảo, trong đó, có 5 kỳ họp Quốc hội (3 kỳ họp bất thường và 2 kỳ họp thường lệ); 15 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 8 hội nghị quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 25 cuộc họp, hội nghị của Đảng đoàn Quốc hội; 4 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 4 Đoàn ra của Chủ tịch Quốc hội, 8 Đoàn ra của các Phó Chủ tịch Quốc hội, 8 Đoàn vào cấp Chủ tịch Quốc hội; 251 cuộc tiếp khách quốc tế của lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023; Diễn đàn Người lao động Việt Nam lần thứ nhất; Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất; các cuộc làm việc của Lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cùng nhiều hoạt động khác của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Văn phòng Quốc hội đã soạn thảo ban hành hoặc cấp số và phát hành khoảng 20.300 văn bản đi, tiếp nhận và xử lý khoảng 336.500 văn bản đến - con số này gần gấp đôi của năm 2022. Cùng với đó là bảo đảm về cơ sở vật chất, phương tiện, tài chính, an ninh, an toàn… cho các hoạt động của Quốc hội. 

Như thế để thấy rằng, khối lượng công việc là vô cùng lớn, nhưng Văn phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thành công chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong năm 2023, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.

- Đó thực sự là những con số “biết nói” nhưng chắc chắn cũng chưa thể đo đếm được hết những đóng góp thầm lặng của cơ quan tham mưu giúp việc của Quốc hội. Nếu ví Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban là “công xưởng làm việc” của Quốc hội thì Văn phòng Quốc hội chính là “công xưởng của công xưởng”. Năm 2023 tiếp tục ghi dấu ấn nhiều đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Ở “công xưởng của công xưởng”, tinh thần đổi mới đó như thế nào, thưa Tổng Thư ký Quốc hội?

- Đổi mới của Văn phòng Quốc hội, các vụ chuyên môn trong năm 2023 tập trung nhiều hơn vào các vấn đề mang tính chất chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa quy trình làm việc để qua đó, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Đơn cử như trong công tác lập pháp, quán triệt sâu sắc tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”, chủ động, quyết liệt, không chờ cơ quan soạn thảo, Văn phòng đã phối hợp tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách các lĩnh vực thường xuyên tổ chức làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan về tình hình chuẩn bị, cho ý kiến về các nội dung lớn và các yêu cầu cụ thể trong quá trình hoàn thiện đối với từng dự án luật, dự thảo nghị quyết. Văn phòng đã tham mưu, phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo nội dung để nắm chắc tiến độ cũng như chất lượng chuẩn bị; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm… để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần hoàn thiện các dự án, dự thảo; tổ chức các cuộc làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức, địa phương, các cuộc họp của cơ quan thẩm tra với các bộ, ngành để trao đổi, thống nhất về một số vấn đề lớn, nhằm hoàn thiện các dự án, dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. 

Cách làm như vậy đã mang lại những tác động, hiệu quả rõ nét, giúp nâng cao chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết ngay từ khâu chuẩn bị, tạo sự đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua. Đặc biệt, lần đầu tiên, Văn phòng đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến và chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện đối với tất cả các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của kỳ họp. Nhờ đó, các dự thảo luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao, góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ.

Văn phòng Quốc hội, trực tiếp là các vụ giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Ban luôn quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; tăng cường tham mưu theo chiều sâu, có nhiều cải tiến, đổi mới về cách thức tổ chức thực hiện; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, với nhiều cách làm mới, linh hoạt, hiệu quả gắn với tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, kiên quyết không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác tham mưu, phục vụ cũng tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước được cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, Văn phòng đã tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đây là Nghị quyết rất quan trọng nhằm thống nhất, chuẩn hóa quy trình, thủ tục, cách thức tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, qua đó, các cơ quan của Quốc hội sẽ kịp thời xem xét các vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc trong lĩnh vực phụ trách để yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết nhanh hơn, sớm hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cuộc sống và người dân.

Công tác tham mưu, phục vụ tổ chức các phiên chất vấn cũng có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, có thể nói là đổi mới qua từng kỳ họp, phiên họp, được Lãnh đạo Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, Văn phòng đã tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến các nhóm vấn đề chất vấn gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội ngay từ ngày khai mạc kỳ họp và được thông báo sớm đến thành viên Chính phủ để chuẩn bị.

Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì cuộc họp nghe các cơ quan, người trả lời chất vấn báo cáo về công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn, kịp thời chỉ đạo, xử lý vướng mắc để việc tổ chức phiên chất vấn đạt chất lượng, hiệu quả. Các vụ chuyên môn tham mưu, phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban theo dõi, giám sát các nội dung thuộc nhóm vấn đề chất vấn và cung cấp thông tin nhiều chiều đến đại biểu Quốc hội. Công tác chuẩn bị dự thảo Nghị quyết chất vấn cũng được triển khai sớm, tạo sự chủ động cho các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện. Việc xây dựng nghị quyết chất vấn thực hiện đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đáp ứng yêu cầu của Lãnh đạo Quốc hội. Cách thức như vậy đã tạo sự chủ động cho cả người trả lời chất vấn và người chất vấn, từ đó, góp phần làm rõ các nội dung, trách nhiệm và giải pháp để tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực. 

Công tác tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tạo được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội. Công tác ngoại giao nghị viện được chú trọng với sự tham mưu, phục vụ chu đáo theo đúng định hướng chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc gia và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Công tác thông tin, báo chí, tuyên truyền của Quốc hội ngày càng đổi mới, chuyên nghiệp, bảo đảm tuyên truyền kịp thời, sâu rộng, hiệu quả và đúng định hướng, góp phần quan trọng để Nhân dân theo dõi, đóng góp ý kiến, hiến kế cho Quốc hội, đồng thời cũng giám sát được hoạt động của Quốc hội, đánh giá được các vấn đề Quốc hội bàn thảo, quyết định đã đúng, trúng với ý nguyện của Nhân dân, đòi hỏi của thực tiễn hay chưa. Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, với nhiệm vụ "cơ quan thông tấn về hoạt động Quốc hội", đã thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác với hình thức phong phú, phản ánh sâu rộng, toàn diện các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đến cử tri và Nhân dân cả nước; tăng cường xây dựng hệ sinh thái số, tuyên truyền trên các kênh truyền thông số như: YouTube, Fanpage, TikTok... thu hút ngày càng nhiều người đọc, góp phần lan tỏa để chính sách, pháp luật sớm đi vào cuộc sống.

- Có những đổi mới tưởng chừng mang tính chất kỹ thuật nhưng hiệu quả mang lại rất rõ nét, thưa Tổng Thư ký Quốc hội?

- Đúng vậy, tôi lấy ví dụ như công tác ghi biên bản tổng hợp thảo luận tại các phiên họp tổ, phiên họp toàn thể của Quốc hội. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, các cán bộ, công chức vụ chuyên môn của Văn phòng, những người hiểu rõ các nội dung của từng dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo, tờ trình đang được Quốc hội xem xét trực tiếp ngồi nghe, tổng hợp ý kiến thảo luận, hiệu đính gỡ băng ý kiến của đại biểu. Nhờ đó, các biên bản tổng hợp vừa bảo đảm tính chính xác, đại biểu đồng thuận những nội dung nào, nội dung nào còn băn khoăn, còn ý kiến khác nhau, không "bỏ sót" ý kiến của bất cứ đại biểu nào... vừa bảo đảm yếu tố nhanh, kịp thời để phục vụ cho công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Hay, công tác cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội cũng có nhiều đổi mới. Viện Nghiên cứu lập pháp, Thư viện Quốc hội đã cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung nghị sự của Quốc hội sớm hơn, chú trọng các thông tin về kinh nghiệm quốc tế, pháp luật quốc tế, ý kiến chuyên gia, thực trạng tại Việt Nam, những vấn đề đang đặt ra... Từ đó, giúp đại biểu Quốc hội có nguồn thông tin phong phú, đa chiều, làm cơ sở để đánh giá các dự án luật, các dự thảo nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn chưa, đã kiến tạo phát triển chưa, còn nội dung nào mâu thuẫn, cài cắm lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm không... qua đó, chất lượng ý kiến của đại biểu cũng được nâng lên, sâu hơn, trúng hơn, góp phần nâng cao chất lượng các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Không quyết liệt đổi mới không thể đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, ý nguyện của Nhân dân

- Có thể thấy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã tiếp tục đổi mới căn cơ, bài bản và toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động. Như Tổng Thư ký Quốc hội chia sẻ, Quốc hội sẽ ngày càng đổi mới hơn nữa. Điều gì khiến năng lượng đổi mới của Quốc hội luôn dồi dào như thế?

- Tôi cho rằng, đổi mới là yêu cầu tất yếu, khách quan của cuộc sống để Quốc hội ngày càng thực hiện hiệu quả hơn nữa trọng trách của mình. Nhiệm kỳ nào của Quốc hội cũng có những đổi mới, nhưng sang nhiệm kỳ Khóa XV, với những khó khăn, thách thức mới chưa có tiền lệ do đại dịch toàn cầu gây ra đòi hỏi Quốc hội càng phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, căn cơ, bài bản và toàn diện hơn bao giờ hết.

Những nội dung trình Quốc hội trong hơn 2 năm qua đều rất khó, rất phức tạp, có phạm vi tác động rất sâu rộng, không chỉ trong hiện tại mà còn đối với tương lai phát triển của đất nước, nhiều việc chưa có tiền lệ, chưa có pháp luật quy định... Như Chủ tịch Quốc hội nhiều lần chia sẻ “bối cảnh đặc biệt cần có những cách thức đặc biệt, quyết sách đặc biệt”. Nếu Quốc hội không quyết liệt đổi mới, không chủ động, linh hoạt như vừa qua thì chắc chắn không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, mong muốn và kỳ vọng của cử tri, Nhân dân.

Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng tập thể Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và là "kiến trúc sư" của nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả của Quốc hội trong hơn nửa nhiệm kỳ qua. Nói năng lượng đổi mới của Quốc hội dồi dào cũng rất đúng, bởi cội nguồn của năng lượng đó chính là tinh thần vì Nhân dân, vì đất nước, luôn đặt lợi ích Quốc gia, Nhân dân lên trên hết và trước hết.

- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!

Thực hiện: Quỳnh Chi
Trình bày: Xuân Tùng