Thể chế kiến tạo phát triển

- Thứ Tư, 14/07/2021, 05:20 - Chia sẻ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kể, hồi mới được Trung ương phân công về địa phương (Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - PV), ông thấy chỗ nào cũng kêu vướng luật. Sau đó, cứ 15 ngày, ông tổ chức họp một lần. "Cuối cùng có vướng đâu, làm được hết. Đó là do cách tổ chức công việc, cách bố trí, thậm chí là cách hiểu luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Câu chuyện ở một địa phương cụ thể nhưng cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Đổ thừa tại cơ chế, chính sách, pháp luật cũng là một trong hai khuynh hướng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra tại phiên họp sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khuynh hướng này, thậm chí, theo người đứng đầu cơ quan lập pháp, “dường như đang nổi lên rất mạnh”. Khuynh hướng thứ hai là “bảo thủ, sai mà không sửa”. Có những chính sách, những quy định cụ thể không còn phù hợp nhưng rất chậm được sửa đổi, thậm chí là không muốn sửa đổi, gây ách tắc trong thực tiễn. Đơn cử như câu chuyện tưởng chừng rất đơn giản là cải tạo một ngôi nhà 3 tầng, 4 tầng trong nội đô Hà Nội thôi là phải đi “xin” các bộ từng việc một; hay đề án cải tạo chung cư cũ thì chỉ có một quy định trong Luật Nhà ở nhưng “vướng” đến 8 - 9 điều trong nghị định… 

Dù tác động tiêu cực theo những hướng khác nhau nhưng hệ quả tất yếu của cả hai khuynh hướng trên đây là thể chế, chính sách, pháp luật không “ăn khớp” được với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển, thậm chí trong một số trường hợp cụ thể còn trở thành lực cản, gây ách tắc “dòng chảy” của đời sống, xã hội, khiến cho thể chế, chính sách pháp luật trở thành nơi “ẩn náu” cho sự trì trệ, thiếu trách nhiệm và cả những lợi ích cục bộ, cá nhân, nhóm lợi ích của một bộ phận cán bộ.

Từ Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã xác định thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Sau 10 năm, đến nhiệm kỳ Khóa XIII này, thể chế vẫn tiếp tục được xác định là một trong ba đột phá chiến lược nhưng với yêu cầu cao hơn, đó là “thể chế kiến tạo sự phát triển”. Điều này đòi hỏi phải có tư duy rất mới về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải tập trung nghiên cứu, thể chế hóa các vấn đề, các chủ trương rất mới và các vấn đề, chủ trương đã có nhưng được tiếp cận với tư duy mới, tầm nhìn mới đã được chỉ ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Song song với đó là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó, như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội “phải khắc phục cho được cả hai khuynh hướng: Bảo thủ, sai nhưng không sửa và đổ thừa tại cơ chế, thể chế”. Muốn vậy, phải xác định rất cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong quy trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, pháp luật, trong đó phải cá thể hóa trách nhiệm trong việc đề xuất, soạn thảo và thông qua chính sách, pháp luật. 

Kể từ sau Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XIV đến nay, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan của Quốc hội chủ động vào cuộc để triển khai thực hiện đột phá chiến lược về thể chế với hai mũi “giáp công”: Vừa tập trung xây dựng định hướng, chiến lược xây dựng luật, pháp lệnh, xác định rõ những ưu tiên lập pháp của Quốc hội trong 5 năm tới; vừa rà soát, đánh giá các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành. Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương cũng được huy động tham gia rà soát để đánh giá hiệu quả thực thi các luật từ cơ sở. Với hệ thống các văn bản dưới luật, từ các nghị định, thông tư, chỉ thị…, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương, bộ, ngành rà soát, đánh giá cụ thể.

Thực tế vừa qua cũng cho thấy, địa phương nào cũng kêu thể chế, bộ nào cũng kêu thể chế, doanh nghiệp cũng kêu thể chế. Nhưng có vướng thể chế thật hay không? "Cứ thấy phát biểu là hiện nay vướng luật lệ lắm nhưng hỏi vướng điều nào, khoản nào, ai là người sửa thì không nói, không chỉ ra được”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết.

Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp tiến hành một cuộc tổng rà soát hệ thống pháp luật (bao gồm cả luật, nghị định, thông tư...) là hết sức cần thiết. Điều quan trọng hơn nữa là, qua rà soát, đánh giá, đo lường hiệu quả, tác động thực tế của hệ thống pháp luật, phải trả lời được các câu hỏi: Những vướng mắc trong thực tế có thực sự do thể chế, cơ chế chính sách không hay là do khâu tổ chức thực hiện? Cứ nhìn vào lĩnh vực đầu tư công, tại sao cùng hệ thống pháp luật như vậy, trong khi các năm trước giải ngân đầu tư công đều rất ì ạch thì đến năm 2020 lại bứt lên, trở thành điểm sáng, cao nhất trong cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, thậm chí có những địa phương giải ngân đến 98% kế hoạch? Nếu câu trả lời thực sự là do thể chế, do chính sách pháp luật thì phải chỉ ra được cụ thể, vướng ở điều khoản nào, văn bản nào? Đề xuất sửa đổi ra sao? Cơ quan nào có thẩm quyền sửa đổi? Trong thời hạn bao lâu phải hoàn thành việc sửa đổi?... Phải trung thực, khách quan và sòng phẳng trong vấn đề này, bắt trúng bệnh mới kê được phương thuốc hữu hiệu, bởi hơn lúc nào hết, chúng ta đang cần khung khổ chính sách, pháp luật có khả năng đột phá, khơi thông các điểm nghẽn, kiến tạo các động lực phát triển.

Nguyễn Bình