IPU và nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của phụ nữ trong chính trị

Thể chế hóa vấn đề bình đẳng giới trong IPU

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 09:00 - Chia sẻ
Từ khi phong trào nữ quyền tại các nước phát triển và đang phát triển đạt được nhiều thành công, IPU đã luôn coi bình đẳng giới là nhân tố then chốt của một nền dân chủ. Trong Tuyên bố toàn cầu về Dân chủ năm 1997, IPU đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa dân chủ và việc cân bằng sự tham gia của nam và nữ trong chính trị, đặc biệt trong nghị viện. Liên minh luôn kiên trì đấu tranh cho nền dân chủ được phổ biến trên toàn thế giới và đáp ứng các yêu cầu dân chủ bình đẳng giữa nam và nữ, như vậy nền dân chủ mới thể hiện rõ nét tính đại diện và bền vững. Điều này được thể hiện đầu tiên qua việc IPU không ngừng nỗ lực sửa đổi các quy định và điều lệ để phụ nữ ngày càng có một vị trí và vai trò quan trọng trong chính tổ chức này.

Những sửa đổi quan trọng trong Điều lệ

Theo những sửa đổi vào năm 1988, Điều lệ của IPU quy định, Ban Chấp hành có ít nhất 2 nữ trong số 12 thành viên. Và từ đó trở đi Ban Chấp hành thường xuyên có từ 2 - 5 thành viên là nữ.

Năm 1990, Điều lệ của IPU đã quy định: “Nghị viện thành viên ít nhất cần có một nữ đại biểu trong đoàn tham dự các kỳ họp toàn thể của IPU”. Điều lệ sửa đổi năm 1991 bổ sung quy định cân bằng tỷ lệ giới trong các ủy ban dự thảo. Điều lệ sửa đổi năm 1995 về ngôn ngữ của Điều lệ và Quy chế của IPU quy định loại bỏ bất kỳ từ ngữ nào có xu hướng tập trung vào một giới tính riêng biệt. Kể từ đó, Ban Thư ký IPU đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị bảng thống kê sự thay đổi trong số lượng nữ đại biểu tham dự các kỳ họp của IPU. Con số thống kê cho thấy, so với tỷ lệ tham gia trung bình của nghị viện quốc gia từ năm 1989 - 1990, thì số lượng nữ nghị sĩ tham dự IPU đã tăng lên đáng kể.

IPU cũng đề cập đến yêu cầu về số lượng bình đẳng nam, nữ trong đoàn tham dự trong thư mời và thư triệu tập chính thức của từng hội nghị; nhấn mạnh trong thư mời, IPU coi yếu tố then chốt của một nền dân chủ là sự hợp tác giữa nam và nữ nghị sĩ, và nhận thức cũng như các hành động, sức ảnh hưởng ngày càng tăng của nữ nghị sĩ tham dự IPU.

Các thành viên Ban chấp hành hiện tại của IPU  

Nguồn: IPU

Giám sát việc thực hiện Điều lệ

Để cụ thể hóa hơn nữa chiến lược tăng cường vị trí của nữ nghị sĩ trong tổ chức, IPU đã thực hiện các hoạt động cụ thể bao gồm thể chế hóa vấn đề bình đẳng giới trong IPU, xây dựng nhận thức về thúc đẩy bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ IPU, phát triển các hệ thống tăng cường vai trò của nữ giới. Trong đó, IPU luôn thực hiện giám sát và rà soát Điều lệ và quy định chung của tổ chức, các tài liệu nghị quyết, gồm cả vấn đề tài chính để bảo đảm rằng các vấn đề bình đẳng giới đã được cân nhắc nêu lên trong các tài liệu đó cũng như giám sát và rà soát các công việc và chính sách về nhân sự với mục tiêu đáp ứng công bằng lợi ích của cả hai giới. Nhằm tạo môi trường làm việc đề cao vai trò phụ nữ, IPU cũng thường xuyên giám sát và rà soát số lượng cán bộ trong các nghị viện thành viên và Ban Thư ký để bảo đảm số cán bộ cân bằng giữa nam và nữ; đồng thời nâng cao kiến thức và năng lực quản lý của Thành viên và Ban Thư ký về vấn đề bình đẳng giới. Ngoài ra, tổ chức cũng đặt ra các mục tiêu và định hướng định kỳ về bình đẳng giới trong hoạt động và chương trình của IPU, và có đánh giá thường xuyên về các đóng góp của IPU trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Đưa ra chế tài

Không chỉ đặt ra chỉ tiêu tăng số lượng nữ nghị sĩ trong tổ chức để bảo đảm sự tham gia bình đẳng hơn của cả hai giới trong tất cả các cơ quan; IPU còn đặt ra các biện pháp chế tài đối với các đoàn nghị viện tham gia Đại Hội đồng nhưng chỉ có một giới tham dự. Năm 1978, số nữ nghị sĩ tham dự trong các đoàn chỉ khoảng 7,7%. Đến năm 2013, con số đã tăng lên 33%. IPU cũng đang nỗ lực dành ưu tiên cho phụ nữ hơn trong các vị trí cấp cao của tổ chức. Để thực hiện mục tiêu này, IPU đã xây dựng hệ thống đánh giá nhân viên và các chương trình theo tiêu chí bình đẳng giới.

Có thể nói, IPU là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên trên thế giới đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính cơ cấu của tổ chức. IPU đã trở thành ví dụ điển hình cho các tổ chức quốc tế khác khi thực hiện đúng cam kết đưa ra trong việc bảo đảm sự tham gia và hợp tác bình đẳng giữa nam và nữ trong tổ chức.

Đạt Quốc