Khoa học - Công nghệ

Thể chế “đi trước một bước” để thúc đẩy công nghệ số

Quang Khánh 27/05/2025 13:19

Tại hội thảo "Quản trị công nghệ trong kỷ nguyên số: Những chính sách nổi bật tại Việt Nam" sáng 27/5, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thể chế linh hoạt trong bối cảnh nước ta đang từng bước vươn lên trở thành trung tâm công nghệ của khu vực.

z6642894946305_1975a3aec99d00f29216e6df8edc2b3e.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Vũ Quang

Tại hội thảo, bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình, Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI) nhấn mạnh: chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đang trở thành xu hướng chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện của các công nghệ mới không chỉ tạo ra sản phẩm, dịch vụ đa dạng mà còn góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Đặc biệt trong bối cảnh các mô hình kinh tế số thay đổi liên tục với tốc độ chóng mặt, công nghệ giữ vai trò then chốt. Tại Việt Nam, năm 2023, kinh tế số đã đóng góp tới 18,3% GDP. Mục tiêu đến năm 2025 là nâng tỷ lệ này lên 25%. Để hiện thực hóa, Chính phủ Việt Nam đang triển khai loạt chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, bà Citra cho biết.

Tuy vậy, bà cũng lưu ý rằng bên cạnh cơ hội, công nghệ số cũng kéo theo không ít rủi ro và thách thức. Do đó, khung chính sách và pháp luật cần được cập nhật liên tục, đảm bảo phát huy tối đa lợi ích và kiểm soát tác động tiêu cực từ những mô hình kinh doanh mới.

Trình bày báo cáo nghiên cứu của TFGI về quản trị công nghệ tại 6 nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam (nhóm SEA-6), ông Keith Detros, đại diện TFGI, cho biết: khu vực này đang chứng kiến quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Chính phủ các nước liên tục cập nhật khung pháp lý nhằm tận dụng cơ hội và xử lý thách thức do công nghệ mới mang lại.

Báo cáo cung cấp phân tích chuyên sâu về thực trạng quản trị công nghệ của từng quốc gia, qua đó khẳng định hệ sinh thái pháp lý cho kinh tế số tại SEA-6 sẽ tiếp tục chuyển động nhanh, thích ứng với đặc thù của từng nước. Báo cáo cũng hướng tới thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực điều hành công nghệ.

“Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN (DEFA) dự kiến hoàn tất cuối năm nay, báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm tương đồng có thể trở thành nền tảng cho hợp tác thực chất, tăng cường tính tương tác và kết nối khu vực”, ông Keith nhấn mạnh.

Chia sẻ tại sự kiện, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về nhân lực số, năng lực đổi mới sáng tạo và tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GDP.

“Muốn phát triển nhanh và bền vững, chúng ta cần thể chế đi trước một bước so với thực tiễn công nghệ”, bà Thảo khẳng định.

Bà nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW là dấu mốc chính trị quan trọng khi lần đầu tiên xác định chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ là ba “đột phá chiến lược” trong phát triển đất nước. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam vào top 3 ASEAN về năng lực nghiên cứu AI; đến năm 2045, kinh tế số đóng góp ít nhất 50% GDP, doanh nghiệp công nghệ số đạt trình độ tương đương các quốc gia phát triển.

Đặc biệt, năm 2025 sẽ là năm bản lề với nhiều chính sách mang tính đột phá, như Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đặc biệt với lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.

Cùng với đó,Nghị quyết 198/2025/QH15 và Nghị định 88/2025/NĐ-CP cũng tiếp tục thúc đẩy khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D).

“Nếu không kịp cải cách thể chế và mở rộng không gian thử nghiệm công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tụt lại. Cần nhân rộng mô hình sandbox, thúc đẩy chính sách mềm và khuyến khích R&D, đồng thời bảo đảm giám sát hiệu quả và an toàn số”, bà Thảo nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thể chế “đi trước một bước” để thúc đẩy công nghệ số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO