Thể chế - động lực để đất nước cất cánh

- Thứ Sáu, 19/02/2021, 08:23 - Chia sẻ
TS. TRẦN DU LỊCH, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh các Khóa IX, XII và XIII, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hóa thể chế chính là động lực của động lực cho đất nước cất cánh cao hơn trong giai đoạn tới. Trong đó, thể chế được Đảng ta xác định tại các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua là thể chế phát triển bao trùm, vừa phản ánh nhu cầu phát triển khách quan của đất nước vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Hệ sinh thái cho phát triển bao trùm

- Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh việc xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Ông đánh giá như thế nào về điểm được bổ sung này?

- Chủ trương xây dựng thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập trong văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII được đưa ra với ý nghĩa là một thể chế phục vụ cho mục tiêu phát triển bao trùm, vừa phản ánh nhu cầu phát triển khách quan của đất nước, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Những nội dung về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển lần này thể hiện sự đúc kết và bổ sung từ thực tiễn 10 năm thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược đề ra từ Đại hội lần thứ XI của Đảng (thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng) với quan điểm hệ thống và đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị gắn với mục tiêu phát triển.

Quan điểm xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nêu trên cũng cho phép chúng ta nhìn lại tất cả trở lực về thể chế trong quá trình công nghiệp hoá đất nước vừa qua và cũng nhìn lại những “điểm nghẽn” nhằm hoàn thiện cả hệ thống gồm thể chế kinh tế, hành chính công và tài chính công, khai thông mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển. Tôi muốn nhấn mạnh đến tính đồng bộ của cải cách.

- Việc xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế sẽ có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của nước ta trong giai đoạn tới, thưa ông?

- Việc hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ vẫn động lực của động lực cho đất nước cất cánh cao hơn trong giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Để thực hiện được yêu cầu này cần ưu tiên giải quyết những trục trặc từ mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, không phải từ góc độ lý luận mà phải cụ thể hóa trong từng đạo luật về quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực về chức năng quản lý của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường.

Khi đặt ra một nội dung quản lý, chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Quản lý để đạt mục đích gì? Đây là việc của Nhà nước hay việc của thị trường? Nhà nước không làm thay thị trường, nhưng cũng không thể bắt thị trường làm thay việc của Nhà nước. Đây đang là tồn tại lớn hiện nay. Các cơ quan, đơn vị phải đặt ra những câu hỏi này vì nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả, mà tính mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm.

Cải cách đồng bộ theo 5 nhóm quan điểm

- Theo ông, để thực hiện mục tiêu đưa ra liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế mà Đảng ta đã xác định tại Đại hội lần thứ XIII cần bám sát những quan điểm nào?

- Việc hoàn thiện thể chế, theo tôi, cần dựa trên 5 nhóm quan điểm.

Thứ nhất, làm rõ và minh định chức năng Nhà nước, với tư cách là một trong 3 chủ thể của kinh tế thị trường (Nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng; hay Nhà nước, doanh nghiệp và người dân). Nhà nước không làm thay thị trường và làm thay người dân trong quan hệ dân sự. Đây là cơ sở để xây dựng bộ máy công vụ và hành chính công quyền.

Thứ hai, xóa bỏ tư duy “cơ cấu kinh tế tỉnh”; tách biệt hoạt động kinh tế với hành chính công quyền; hình thành các vùng kinh tế; xây dựng các chương trình phát triển quốc gia thay cho các loại chính sách ưu đãi tràn lan.

Thứ ba, xóa bỏ tư duy lồng ghép công vụ quốc gia và công vụ địa phương. Không nên quy định công vụ nhà nước chung chung. Đây là nền tảng xây dựng mô hình chính quyền địa phương; cụ thể hóa cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Trung ương và địa phương theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước; kiểm soát lạm quyền; bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các cơ quan dân cử địa phương và vai trò thanh tra, kiểm tra công vụ của chính quyền Trung ương.

Thứ tư, tách biệt ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Xóa bỏ cơ chế “ngân sách lồng ghép” gọi chung là ngân sách nhà nước như hiện nay. Đây là cơ sở để cải cách nền tài chính quốc gia. Xóa cơ chế xin - cho về ngân sách.

Thứ năm, phát huy vai trò của các định chế phi lợi nhuận, thay cho quan điểm xã hội hóa về dịch vụ công như hiện nay. Dịch vụ công ích, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ, được Nhà nước cung cấp một phần gián tiếp qua các định chế phi lợi nhuận.

Thể chế kinh tế thị trường không thể vận hành trôi chảy bởi một bộ máy hành chính về bản chất gắn với thuộc tính của nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương như hiện nay. Tính thống nhất của nền hành chính quốc gia đã biến thành tính đồng nhất của bộ máy hành chính. Đây là nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, hiệu lực.

- Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Để khơi dậy mọi tiềm năng phát triển, theo ông, cần triển khai những công tác nào, trong đó cần sửa đổi đạo luật cụ thể nào? 

- Để khơi dậy mọi tiềm năng phát triển, theo tôi, cần thực hiện hai nhóm công việc chủ chốt sau đây:     

Về kinh tế vĩ mô, cần xây dựng chính sách chủ động về lạm phát mục tiêu; tỷ giá; lãi suất; bội chi ngân sách, nợ công. Chủ động tăng mức nợ công/GDP và lạm phát cơ bản khoảng 3% trong 2 năm 2021 - 2022 nhằm mở rộng dư địa cho chính sách tài khóa và tín dụng. Tận dụng xu hướng giảm lãi suất huy động để tăng nhanh thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, chuyển dần việc huy động vốn sang thị trường vốn, giảm áp lực tín dụng của ngân hàng thương mại.

Cần sớm có một Chương trình trung hạn gọi là “hậu covid” để phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là thúc đẩy doanh nghiệp tái cơ cấu thị trường, giảm lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc (cả đầu vào lẫn đầu ra); đồng thời gắn với cơ hội thực thi CPTPP; EVFTA và RCEP. Đây mới là vấn đề căn cơ đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

5 năm tới được xem là thời kỳ “bất khả tiên liệu” trên tất cả lĩnh vực: Địa - kinh tế, địa - chính trị, thương mại quốc tế, toàn cầu hóa, chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công nghệ… sẽ thay đổi nhanh chóng. Những vấn đề của bài toán phát triển của những quốc gia trong giai đoạn công nghiệp hóa mang tính truyền thống như nước ta hiện nay sẽ hoàn toàn thay đổi trong tương lai. Do đó, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là làm thế nào thiết kế hệ thống chính sách kinh tế khả dĩ có thể thích ứng với sự biến đổi của thế giới và các khu vực kinh tế. Cần đặt “chương trình số hóa nền kinh tế” là trọng tâm của nội dung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025.

Về thể chế, cần ưu tiên cải cách thể chế theo hướng đồng bộ trên nền tảng Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các luật về tổ chức nhà nước hiện hành. Theo đó, trước tiên, sẽ phải tiến hành rà soát lại tất cả quy định liên quan đến vận hành của 5 loại thị trường (hàng hóa, tài chính, lao động, công nghệ và bất động sản) để đồng bộ hóa theo hướng: Giảm can thiệp của Nhà nước tăng tính thị trường; phát huy vai trò và trách nhiệm của các chủ thể tham gia trên nền tảng quan hệ dân sự.

Trước mắt, cần tập trung vào 3 nội dung: Giải quyết cho được những chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật về kinh tế hiện hành; ban hành mới các đạo luật hoặc nghị quyết của Quốc hội mang tính đặc thù giúp doanh nghiệp phục hồi (dạng như nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu hiện nay); mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm khai thác tính năng động của địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải