Còn “khiên cưỡng và chưa phù hợp”
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia như tờ trình của Chính phủ.
Theo đại biểu, việc thực hiện các luật trên trong thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cho lĩnh vực tài chính ngân sách, tạo điều kiện thu hút tối đa các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
“Tuy nhiên, trước sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế thì các văn bản pháp luật về tài chính đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần phải được rà soát và nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Như So khẳng định, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật trên là “vô cùng cấp thiết”.
Nêu quan điểm về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Như So đánh giá cao việc dự thảo Luật đã bổ sung thêm các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm tăng cường tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật.
Đại biểu cũng chỉ rõ, việc bổ sung hành vi không công bố thông tin của người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này tại Khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật còn “khiên cưỡng và chưa phù hợp”. Lý do là bởi, việc công bố thông tin theo luật hiện hành về nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân trong hoạt động chứng khoán, trường hợp các tổ chức và cá nhân này vi phạm thì phải chịu chế tài xử phạt theo quy định tương ứng của pháp luật.
Theo đại biểu, việc tổng kết và nghiên cứu các tình huống thực tế để xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh là cần thiết nhưng cần xem xét về tính bao quát đại diện, tránh điều chỉnh từng hành vi và vụ việc riêng lẻ dẫn đến bỏ sót, lọt.
“Chúng ta không thể vì không quản lý được thì cấm mà nên căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của các hành vi để xử lý theo hướng thật nặng đối với các hành vi cố tình vi phạm và xử lý ở mức độ hợp lý đối với các hành vi do vô ý”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, cần xem xét để đảm bảo tính phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành mà không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vì khoản 1 Điều 33 của Thông tư 96 năm 2000 của Bộ Tài chính đang cho phép người nội bộ và người có liên quan không phải công bố thông tin đối với các giao dịch trong ngày có trị giá dưới 50 triệu đồng.
“Nếu quy định cấm sẽ khiến cho hàng loạt các giao dịch nhỏ lẻ phải công bố sẽ làm tăng thêm gánh nặng pháp lý không cần thiết cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Điều này sẽ dẫn đến sự trì trệ trong các quyết định giao dịch, làm ảnh hưởng đến thanh khoản và tính linh hoạt của thị trường mà vốn là do các yếu tố quan trọng và sự phát triển năng động và thu hút đầu tư”.
Do đó, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, dự thảo Luật cần nghiên cứu bỏ nội dung bổ sung “không công bố thông tin về dự kiến giao dịch là một hành vi bị cấm.
“Thay vì cấm, chúng ta nên tăng cường các biện pháp giám sát hợp lý từ các thành viên thị trường như các công ty chứng khoán, sở giao dịch và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước... sẽ giúp cho thị trường duy trì tính công khai và không làm giảm quyền tự chủ của cá nhân và các tổ chức”, đại biểu nhấn mạnh.
Phân cấp để đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi),ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá, nội dung dự thảo trình Quốc hội lần này đã bám sát các nhóm vấn đề lớn: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung rà soát với các cam kết quốc tế như cam kết với WTO và các FTA thế hệ mới. Trong đó, Khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật quy định: Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
"Nhưng khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế và khoản 5 Điều 156 Luật quy định: Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp. Do đó, đề nghị sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật cho phù hợp", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.
Về phân cấp, phân quyền, đại biểu chỉ rõ, theo quy định hiện nay của Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn triển khai cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 6 - 7 tháng để thực hiện 11 bước), gây ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn.
"Theo dự kiến, việc phân cấp này sẽ cắt giảm được nhiều trình tự, thủ tục (giảm được 5 bước, giảm thời gian khoảng 3 tháng), sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Do đó, nhất trí phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang cho Thủ tướng nhằm cắt giảm trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ".
Nêu quan điểm trên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng, quy định nêu trên của dự thảo Luật bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp (Khoản 4 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là “quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương”). Đồng thời, cũng thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 52 Luật NSNN quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất trong các trường hợp sau: a) Dự kiến số thu không đạt dự toán được Quốc hội quyết định phải điều chỉnh giảm một số khoản chi; b) Có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh hoặc vì lý do khách quan cần phải điều chỉnh.