Thầy trò một thuở

NSƯT Ngọc Hiền 01/01/2011 00:00

1961 - đang học kỳ 2 năm cuối tại trường phổ thông cấp 3B, tôi lẳng lặng bỏ học để thi vào khóa học sinh diễn viên đầu tiên của khoa kịch trường Điện ảnh và Kịch nói Việt Nam(*). “Đồng lõa” với tôi là Mỹ Dung, cô bạn gái từ tuổi thơ con chấy cắn đôi.

08-thay-tro-DL11-300.jpg

Mỗi sáng, hai đứa cắp sách hệt như những học trò chăm chỉ đến trường. Nhưng chỉ đi đến gần dốc hàng Kèn (phố Bà Triệu) là ngoặt đến nhà người bạn, vừa lấy chỗ tập tiểu phẩm, vừa nhờ anh ta đóng vai anh trai, đem sổ liên lạc đến trường, xin phép cho hai đứa nghỉ học vì cùng “bị cúm”?

Xong vụ ấy, trong khi chờ đợi ngày thi tuyển của trường Điện ảnh và Kịch nói, chúng tôi vẫn tiếp tục đi học, nhưng rõ ràng là đã chểnh mảng lắm.

Không hiểu duyên nợ thế nào mà bọn tôi lại tha thiết muốn phá ngang để đi học nghệ thuật? Có lẽ vì ánh hào quang sân khấu rực rỡ đã quyến rũ chúng tôi từ những buổi tham gia tập tành và biểu diễn với đội kịch Thành đoàn thanh niên Hà Nội. Một phần không nhỏ nữa, sang đến học kỳ 2 của năm học lớp 10, những đạo hàm, lượng giác, những cốt, sin, những hình học không gian rối rắm khó khăn đã khiến chúng tôi thêm sợ môn toán, nói chung là sợ những môn khoa học tự nhiên… Mặc dù kết quả các môn xã hội của bọn tôi không tồi, thậm chí tôi còn đoạt giải nhì thi văn khối 10 toàn trường và các bạn, cả thầy chủ nhiệm nữa, ai cũng nghĩ tôi sẽ trở thành cô giáo trong tương lai.

May mà sau kỳ thi, cả hai đứa tôi đều trúng tuyển.

Cha tôi không muốn tôi bỏ học giữa chừng để học nghề “con hát”. Tôi đã phải thuyết phục ông bằng số học bổng 28 đồng khi được nhận vào trường, trong khi mức lương khởi điểm cơ quan nhà nước là 36 đồng. Dưới tôi còn có năm đứa em trứng gà trứng vịt phải nuôi ăn học, đứa lớn mười hai tuổi, nhỏ nhất vừa cai sữa mẹ. Tôi được nhận vào học sẽ đỡ đi một phần gánh nặng nuôi con của bố mẹ. Cuối cùng, bố đã gật đầu.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đến khu trường tiếng Đức dự thi - Nam thanh nữ tú của Hà Nội, của cả các vùng lân cận: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hồng Quảng (tên gọi cũ của thành phố Hạ Long) có mặt tranh tài. Xa hơn nữa, còn những thí sinh người dân tộc được cử đi học từ các tỉnh vùng cao: Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn…

 Nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới sân khấu Thủ đô: Ngọc Dư, Tuấn Sửu, những người mà khi còn nhỏ, được bố mẹ cho theo xem cải lương mỗi tối ở rạp Kim Phụng, Chuông Vàng, tôi vẫn mơ ước có ngày được gặp ở đời thường.

 Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và nhiều đoàn nghệ thuật Quân đội, nhân có khóa học chính quy đầu tiên, cũng cử người đến theo học…

 Bắt đầu cuộc thi, các nữ thí sinh, được yêu cầu mặc áo dài, quần trắng đi qua sân khấu nhiều lần để ban giám khảo thẩm định.

 Chao ôi là sợ khi ở dãy bàn giám khảo lấp loáng những cặp kính trắng. Đầu tiên là cặp kính của anh Minh Ngọc giữ nhiệm vụ thư ký ban giám khảo. Thực ra, anh Minh Ngọc không đáng sợ lắm vì anh em chúng tôi đã cùng tham gia sinh hoạt ở đội kịch Thành đoàn. Chính anh là người thông báo với chúng tôi về cuộc thi tuyển này.

 Cặp kính của chuyên gia Liên Xô, M. Astansky, cố vấn của cuộc thi, hình như cũng ôn hòa hơn khi ông nhận xét mang chút ít tính ngoại giao về các thí sinh Việt Nam.

 Đáng sợ nhất là cặp kính của thầy Đình Quang. Cặp kính chỉnh tề trên gương mặt lạnh lùng và nghiêm nghị. Hầu như suốt buổi thi tuyển không thấy ông cười. Mọi người truyền tai nhau: “Những năm còn trẻ, ông đã từng theo học trường dòng! Trách gì, bề ngoài ông nghiêm túc thế! Từ trường Đại học sân khấu Bắc Kinh trở về, lập tức ông được Bộ Văn hóa giao trọng trách đào tạo lớp đạo diễn, diễn viên “có học” một cách bài bản trong ngôi trường nghệ thuật chính quy đầu tiên của Việt Nam.

 Năm đó, thầy Đình Quang mới khoảng ngoài ba mươi tuổi, chưa lập gia đình. Vậy mà vẻ đạo mạo của ông khiến bọn học sinh đứa nào cũng xanh mắt, nem nép như rắn mồng năm mỗi khi có việc phải đối diện với thầy.

 Đầu tiên, trường mới chỉ có một giảng viên chính là thầy Đình Quang. Bên cạnh là cô Kim Oanh dạy hình thể và ballet cơ bản. Hai ông thầy trẻ Nguyễn Đình Nghi và Ngô Y Linh còn đang học năm cuối ở Bắc Kinh, chưa hồi hương. Gọi “hai ông thầy trẻ” vì các thầy đều ở độ tuổi ba mươi, “tam thập nhi lập”. Vài năm sau, hai nữ sinh học giỏi, xinh đẹp của lớp diễn viên đã trở thành ý trung nhân của các thầy.

 Học kỳ đầu, thầy Đình Quang chỉ có những trợ giáo giúp việc. Anh Minh Ngọc làm thư ký trong các buổi lên lớp tại hội trường. Thầy Chu Ngọc sau một thời gian gặp “tai nạn văn chương” đã được phục hồi, trở lại làm việc trong biên chế chưa chính thức. Bọn học sinh lớp diễn viên thường gọi thầy Chu Ngọc là “bố”. Phải nói là “bố Ngọc” đã có công lớn trong việc giúp học sinh hình thành lối diễn mực thước và nội tâm.

 Ban giáo vụ còn có anh Kỳ Ngung, năm đó mới khoảng ngoài bốn mươi tuổi – anh vốn là diễn viên trong đoàn kịch Thế Lữ từ trước cách mạng, hình thể rất đẹp, cao, thanh mảnh, da trắng, mũi cao, môi đỏ! Anh có giọng nói trầm và có kỹ thuật cộng âm nên rất vang, nghe nói anh đã từng đóng vai tráng sĩ Kinh Kha! Tiếc là quan niệm biểu diễn của anh đã lỗi thời, không phù hợp với giáo trình của trường. Hơn nữa cá tính khác người và phong cách sinh hoạt kiểu công chức cũ của anh đã không mấy được lòng học sinh. Thậm chí mấy học sinh nam tinh nghịch còn đặt lời bài hát về anh phỏng theo một điệu nhạc quốc tế quen thuộc: “Kỳ Ngung trong ban Giáo vụ/ Người đẹp trai mà tính lại chây lười…/ Ngủ sớm dậy trưa, mượn xe…”

Ngày ấy, xe đạp là một tài sản đắt tiền quý giá, bọn tôi mấy ai có mà đi. Chỉ có các anh chị lớp đạo diễn vốn là những cán bộ nhà nước được cử đi học và mấy học sinh lớp diễn viên thuộc diện “con nhà giàu” mới có.

 Mỗi chiều thứ bảy được nghỉ, từ khu nội trú trở về nhà, bọn tôi nhất loạt rủ nhau ra dốc Cầu Giấy, leo lên xe điện. Chuyến xe điện về đến Bờ Hồ. Tôi ở phố Bà Triệu, phải thêm một lần đổi sang tuyến Bờ Hồ - Nhà Rượu. Bao nhiêu năm rồi, mỗi khi nhớ về ngôi trường mái lá khu Cầu Giấy, còn văng vẳng bên tai đâu đây tiếng chuông tàu điện leng keng trong ký ức. Mỗi chiếc vé tàu điện giá năm xu, bằng giá một cái bánh mì ăn sáng. Tranh thủ cắt cơm về nhà, cuối tháng ra quản lý thanh toán tiền cơm, tích cóp may quần áo, chả phải xin tiền bố mẹ!

Thầy Đình Quang đã dạy chúng tôi những bài học vỡ lòng. Sau này, ông tập hợp giáo trình ấy trong cuốn Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý cho những ai muốn bước đầu tìm hiểu kỹ thuật biểu diễn. Cuốn sách được tái bản nhiều lần, thậm chí còn trở thành cẩm nang khi tôi được mời làm giảng viên cho lớp diễn viên khóa đầu tiên (1978) của trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng.

Thật bỡ ngỡ khi được tiếp cận với những bài học đầu tiên về sân khấu của thầy. Nhiều vấn đề được vỡ ra và những ấn tượng khó quên về một thế giới cực kỳ mới mẻ. Lặn ngụp trong những bài giảng về lý luận của thầy, chúng tôi bắt đầu hiểu được những điều sơ đẳng nhất khi làm quen với lĩnh vực mà mình say mê, tưởng gần gũi dễ dàng mà lại rất xa lạ, rất khó khăn.

Qua một học kỳ, hai thầy Nguyễn Đình Nghi và Ngô Y Linh từ Bắc Kinh về nước, tạo “thế chân kiềng” vững chắc trong đào tạo học sinh khóa I.

Khác với thầy Đình Quang nghiêm ngắn, chuẩn mực, thầy Ngô Y Linh tài hoa và gần gũi học sinh hơn. Giữa sân trường, với một đám học trò vây quanh, ông có thể biểu diễn những động tác hý khúc của sân khấu Trung Quốc rất diệu nghệ hoặc khi cao hứng, ông cất giọng hát một đoạn opera không rõ lời trêu chọc chúng tôi, khiến lũ trò nhỏ cười lăn cười bò thỏa thích. Bằng cách ấy, ông đã thổi vào hồn chúng tôi những cảm nhận đầu tiên về một nền sân khấu hiện đại và mới mẻ.

Đứng giữa hai thái cực ấy là thầy Nguyễn Đình Nghi. Thừa hưởng chất văn chương từ cha mình là nhà thơ Thế Lữ, ông kỹ càng từng câu chữ, ý tứ trong bài giảng, luôn đặt yêu cầu hàng đầu đối với học sinh là phải hoàn thành bài học ở mức cao nhất.

Tựu trung, chúng tôi may mắn đã được theo học những giảng viên sân khấu hàng đầu ở Việt Nam lúc đó.

Lần ấy, chúng tôi được thầy Đình Quang giới thiệu về đơn nguyên “vô thực vật”. Yêu cầu của bài học là dù không có vật thực trong tay, nhưng người diễn viên phải tưởng tượng và dùng động tác mô tả một cách chân xác cho người xem hiểu được công việc mình đang làm.

Không nắm được yêu cầu nghiêm ngặt như vậy của bài học, tôi đã thực hiện mô phỏng rất sơ sài một công việc tưởng chừng như đơn giản: viết, bút máy hết mực, lấy mực vào bút và viết tiếp.

Thầy không thông qua. Bài tập của tôi bị “phá sản”, phải trả lại trong buổi học sau. Không chỉ có thế, cặp kính trắng lấp lóa và nghiêm khắc của thầy còn phê phán: “Nếu từ những bài tập nhỏ đầu tiên này đã không làm được thì đừng mong sẽ trở thành một diễn viên bình thường, đừng nói đến trở thành một diễn viên tài năng sau này”.

Đêm hôm ấy, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ mông lung, tôi thấy con đường trước mặt sao lắm vất vả chông gai. Làm diễn viên sao khó đến vậy! Cặp kính trắng của ông thầy nghiêm khắc dõi theo và như khích lệ “Phải cố lên! Chưa hết hy vọng đâu! Hãy cố gắng trả bài tốt trong giờ học tới”.

Cuối cùng, mọi sự “khởi đầu nan” rồi cũng qua đi.

Ngoài những bài học ở trường, mỗi ngày nghỉ, bọn tôi còn được giao bài “mô tả nhân vật” gặp ở đời thường, trên xe điện, trên đường phố, trong gia đình hoặc hàng xóm xung quanh. Chúng tôi kêu trời vì công việc ấy sẽ ngốn không ít thời gian thư giãn của mình vào chủ nhật. Nhưng quả thật, đó là cẩm nang cho nhiều vai diễn của tôi sau này. Vốn sống được các thầy yêu cầu rèn luyện từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đã là “của để dành” góp nhặt từ cuộc sống dùng thể hiện những vai diễn đa dạng trên sân khấu.

Chúng tôi bước vào bài tập học kỳ đầu tiên. Bài tập của tôi là nhân vật Trần Hồng Linh trong vở kịch Trung Quốc Đường tình sóng gió do chính thầy Đình Quang dịch và đem về từ nước bạn. Lại nghe xì xầm, trong vở kịch có nhân vật Vương Nhược Quyên là kỷ niệm tình yêu của ông với một bạn học nước ngoài.

Chà! “Cặp kính trắng nghiêm khắc cũng lãng mạn ghê”. Tôi nghĩ thầm như vậy và hình như từ khi nghe được thông tin ấy, tôi bỗng cảm thấy thầy như bớt khô khan…

Vở kịch được mở đầu bằng một đoạn chú thích: “Sân khấu vắng, im lặng, chỉ có tiếng cười từ xa, phía ngoài cánh gà vọng vào, càng ngày tiếng cười càng lớn, càng rõ, càng gần. Tiếng cười của người hài lòng với những việc mình đã làm”.

Đây là tình huống thứ nhất mà nhân vật của tôi phải thể hiện. Không phải ai lên sân khấu cũng có thể cười được ngay. Mà lại cười giòn giã, có hồn cốt như thế. Buổi tập đầu tiên, đến đoạn ấy, tôi đứng im chịu trận. Buổi thứ hai, vẫn vậy, không hơn.

Tôi gãi đầu gãi tai: “Anh cho em khất, em sẽ tập cười sau”. Ngày ấy, thầy trò chúng tôi xưng hô như vậy. Cho đến bây giờ khi thầy đã qua tuổi tám mươi và lũ học trò chúng tôi sắp vào ngưỡng thất thập cũng vẫn xưng hô thế.

Cặp kính trắng của thầy giữ nguyên vẻ nghiêm khắc thường nhật: “Không ai đi học lại khất trả bài như thế. Nếu cô không cười được thì tôi sẽ không lên lớp nữa”. Buổi học bị ngừng ngang xương như vậy, vì tôi.

Lại một đêm không ngủ. Tôi trằn trọc vì không biết bằng cách nào vượt qua cửa ải khó khăn này. Chợt nhớ đến một câu danh ngôn: “Tài năng có được do 99% khổ luyện và 1% năng khiếu”. Như tìm được lời giải đáp, tôi vùng dậy, quyết tâm tập cười bằng được.

Những buổi học sau, thầy từng bước hài lòng hơn với kết quả của trò. Học kỳ ấy, tôi được điểm 5/5 cho bài tập của mình. Đây là một nhân vật phản diện, tham lam trong tình yêu, yêu hai người một lúc. Hôm đi thực tập ở Thanh Hóa, khi diễn vở này có tiếng khuyến cáo rất lớn từ phía khán giả cho nhân vật nam cùng đóng với tôi (anh Văn Toản): “Đừng nghe nó, nó nói dối đấy!”

Mười hai năm sau, được nhận vai Klêa trong vở Con cáo và chùm nho của Đoàn kịch Hải Phòng, tôi đã dễ dàng xử lý tiếng cười với nhiều tâm trạng khác nhau của nhân vật đa chiều này.

Bài học của ông thầy nghiêm khắc từ hơn mười năm trước đã giúp tôi kinh nghiệm thể hiện được một vai diễn mà hơn ba mươi năm sau còn có khán giả một thời nhớ đến.

Cả cách thể hiện nỗi đau của nhân vật từ những giọt nước mắt lưng tròng, không được phép trào ra khỏi bờ mi, thầy cũng yêu cầu phải tập bằng được. Ông bảo: “Hãy để khán giả khóc thay cho diễn viên và nhân vật. Sự thành công của vai diễn trong trạng huống bi thương chính là ở chỗ đó”.

Tôi đã tâm niệm điều này suốt cuộc đời làm sân khấu. Đến khi đứng trên bục giảng, tôi cũng đã yêu cầu học sinh của mình phải làm được như thế.

Cám ơn sự tận tâm của những ông thầy nghiêm khắc, đã uốn nắn cho chúng tôi từ tiếng nói, hình thể, từ suy nghĩ đến cách thể hiện nhân vật, đã chắp cánh bay xa cho lũ học trò nhỏ ngày nào.

Lớp học trò đầu tiên ngày xưa của khóa I khoa Kịch trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, một thế hệ vàng đã thành danh, hầu hết đã được vinh danh nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Nhiều người trong số đó đã góp phần đào tạo những thế hệ diễn viên sau này trong cả nước.

Không có thầy nghiêm khắc thì không có trò giỏi”. Đấy cũng chính là những suy nghĩ gan ruột của tác giả để kết thúc những dòng hồi ức này.

 __________________________________

(*) Sau này, khoa kịch chuyển về trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thầy trò một thuở
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO