Thay quốc kỳ để làm mới quốc gia
Quốc hội New Zealand vừa thông qua dự luật mở đường cho việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi quốc kỳ. Dự kiến, cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên sẽ được tổ chức vào cuối năm nay, cử tri quốc đảo này sẽ bỏ phiếu lựa chọn trong bốn mẫu thiết kế được đề xuất.
Ý tưởng về lá cờ mới cho New Zealand
Theo Wikipedia, New Zealand là một đảo quốc tại khu vực tây nam của Thái Bình Dương. Năm 1642, nhà thám hiểm Abel Tasman là người châu Âu đầu tiên đặt chân tới New Zealand. Đến năm 1840, Hoàng gia Anh và người Maori ký kết Hiệp định Waitangi, biến New Zealand thành một thuộc địa của Anh Quốc.
Với lịch sử thuộc địa như thế, rất nhiều người New Zealand mong muốn thay đổi quốc kỳ để “rũ bỏ quá khứ” bởi hiện nay góc trái quốc kỳ của nước này có hình ảnh lá cờ của Liên hiệp Vương quốc Anh. Thậm chí, Thủ tướng John Key đã đưa ra dự định “đoạn tuyệt” chỉ vài ngày sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ ba. Bên cạnh đó, có người tỏ ý bức xúc về việc New Zealand đang ở dưới cái bóng quá lớn của Australia và việc quốc kỳ hai nước khá tương đồng càng làm phức tạp thêm vấn đề (lá cờ Anh cũng có mặt trên quốc kỳ Australia).
Theo Ban Nghiên cứu về quốc kỳ mới của Chính phủ New Zealand, “một lá cờ vĩ đại cần phải có sự nổi bật và đơn giản để ngay cả những đứa trẻ cũng dễ dàng vẽ lại bằng trí nhớ”. Lá cờ ấy phải có giá trị trường tồn và có thể kết nối với những giá trị quan trọng nhất đại diện cho quốc gia. Ngoài ra, nó cũng phải thể hiện được những phẩm chất cao quý mà người New Zealand vốn có và là tiếng nói đại diện cho mọi người trên quốc đảo Kiwi.
![]() Nguồn: Getty image |
Rất nhiều mẫu thiết kế đã lấy cảm hứng từ lá cây dương xỉ bạc, một biểu tượng mạnh mẽ cho New Zealand không kém gì lá phong đại diện trên quốc kỳ của Canada. Thủ tướng John Key là một trong những chính khách cao cấp đã lên tiếng ủng hộ cho cảm hứng này. Thực tế, lá dương xỉ thường được in trên trang phục của các đội tuyển thể thao và gần như được coi là biểu tượng quốc gia vì nó thể hiện danh dự, tinh thần quật cường, vượt khó của người New Zealand. Thực tế, quốc huy của nước này cũng có hình ảnh chiếc lá dương xỉ. Nói chung, các thiết kế được ưa thích hầu hết có ít nhất một trong 3 yếu tố trang trí chủ đạo bao gồm hình xoắn ốc, lá dương xỉ, và chòm Nam Thập Tự.
Hôm 12.8 vừa qua, các nhà tổ chức ở New Zealand đã quyết định chọn ra 40 mẫu thiết kế Quốc kỳ mới trong hàng trăm mẫu gửi tới. Theo kế hoạch, bốn mẫu cuối cùng để đưa ra trưng cầu ý dân sẽ được công bố vào giữa tháng 9 tới. Dự kiến, cuộc trưng cầu đầu tiên sẽ diễn ra trong khoảng 20.11 đến 11.12. Thiết kế nhận được sự ủng hộ nhiều nhất trong cuộc trưng cầu đầu tiên sẽ tiếp tục được “thử lửa” trong cuộc trưng cầu dân ý thứ hai vào tháng 3 năm sau. Lúc đó, cử tri sẽ có tiếng nói cuối cùng về việc giữ nguyên quốc kỳ hiện tại hay thay mẫu mới này.
Và những tranh cãi nóng bỏng
Nhưng ý tưởng thay quốc kỳ mới đã không thể thuyết phục được hết tất cả mọi người. Với đảng Lao động, việc New Zealand phải bỏ ra hàng triệu USD để tổ chức trưng cầu dân ý thay đổi quốc kỳ là lãng phí quá mức. Thậm chí nhiều người cho rằng đây chỉ là sáng kiến của Thủ tướng để né tránh những chỉ trích nhằm thẳng vào ông hiện nay. Được biết, New Zealand tiêu tốn 26 triệu USD để thay quốc kỳ. Trong khi đó, nhiều người dân lại tỏ ra luyến tiếc lá cờ cũ bởi họ đã gắn bó với nó trong nhiều năm, có người còn từng chiến đấu dưới lá cờ này.
Khi New Zealand mở cuộc thi thiết kế quốc kỳ mới, có người lại lo ngại, 40 mẫu thiết kế được lựa chọn nhìn quá giống nhau và không nổi bật về mặt thẩm mỹ. Có ý kiến còn cho rằng các thiết kế quá giống logo của các tập đoàn. Thậm chí, có nhà báo phải thốt lên chưa “có ý tưởng tra tấn tập thể nào tồi tệ hơn việc thay đổi quốc kỳ của một quốc gia. Quá trình này kéo dài tưởng như vô tận bởi bạn sẽ phải tham vấn rất nhiều người mà chẳng thể thống nhất ý kiến được”. Tuy nhiên, để phản bác các ý kiến chê bai, Thủ tướng John Key tỏ ra tin tưởng một lá quốc kỳ mới thay vì “tốn kém” như mọi người nói lại có thể đem lại hàng tỷ USD cho New Zealand trong dài hạn. Bởi khi quốc kỳ mới được công nhận, nó sẽ gây chú ý và thúc đẩy người tiêu dùng trên khắp thế giới mua sản phẩm của New Zealand, từ đó giúp kinh tế nước này phát triển hơn. Ông John hy vọng, xứ sở Kiwi sẽ làm được như Canada, một quốc gia cũng từng là thuộc địa của Anh. Canada đã mạnh dạn thay đổi quốc kỳ cũ thành lá cờ có biểu tượng lá phong nổi tiếng vào năm 1965 dù trước đó từng có một cuộc tranh luận rất căng thẳng trong nước về vấn đề này.