Thấy gì từ “chủ nghĩa Ramos”?

Thanh Bình
Theo Hufftington Post
14/08/2016 08:34

Không phải bỗng dưng cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos được cử làm đặc phái viên để tái khởi động mối quan hệ đầy sóng gió với Trung Quốc. Theo giáo sư Richard Javad Heydarian, cố vấn chính sách Hạ viện Philippines, có nhiều lý do để ông Ramos trở thành người thích hợp nhất, trong đó, “cách tiếp cận Ramos” từng được ông áp dụng là nhân tố quyết định.

Khó khăn trong quá khứ

Năm 2012 không phải là lần đầu tiên Philippines bị mất một bãi cạn ở Biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines). Hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra trước đó khá lâu, đặc biệt dưới thời Tổng thống Fidel Ramos.

Vào thời điểm ông Fidel Ramos lên nắm quyền, Philippines chỉ còn là cái bóng của chính họ trong thời kỳ hưng thịnh giữa thế kỷ XX, với đỉnh cao là cuối thập niên 1960. Tổng thống Ramos đã được thừa hưởng một quốc gia suy yếu, quân đội bạc nhược và kinh tế đang xuống dốc kèm theo sự sụp đổ của các dịch vụ cơ bản. Chưa hết, đó cũng là thời điểm lần đầu tiên trong gần một thế kỷ, Philippines phải bảo vệ quốc gia của họ mà không có các căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ. Câu hỏi chiến lược đặt ra với Tổng thống Ramos càng trở nên hóc búa khi quốc gia láng giềng Trung Quốc khi đó đang đặc biệt hưng thịnh dưới thời Đặng Tiểu Bình và bắt đầu đánh giá lại vị thế của nước này trong trật tự châu Á.

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos và Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos và Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte

Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh hướng sự chú ý nhiều hơn đến các vấn đề ở Trung Đông, một khoảng trống quyền lực nguy hiểm xuất hiện ở Đông Á: Các căn cứ của Mỹ đã được di rời khỏi lãnh thổ Philippines, Nhật Bản mắc kẹt trong vòng xoáy suy thoái kinh tế nguy hiểm. Đó là cơ hội hoàn hảo để Trung Quốc giành lại ánh hào quang của họ trong khu vực.

Cách tiếp cận song - đa phương

Không có gì ngạc nhiên khi chỉ sau ba năm cầm quyền, Tổng thống Fidel Ramos đã phải đối mặt với nguy cơ Trung Quốc xâm nhập vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Tháng 2.1995, Philippines choáng váng khi phát hiện quốc kỳ Trung Quốc và các hoạt động xây dựng thô sơ trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Không giống như bãi cạn Scarborough, vốn nửa chìm nửa nổi, Đá Vành Khăn là bãi đá ngầm chìm dưới nước khi thủy triều lên cao.

Manila khi đó không có ý đối đầu nhưng cũng không định đầu hàng Trung Quốc. Thay vào đó, Tổng thống Ramos đã áp dụng cách phản ứng chiến lược theo 4 bốn hướng để ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, truyền đạt hướng giải quyết của Philippines và làm thay đổi chiều hướng các tranh chấp hàng hải.

Ban đầu, Tổng thống Ramos định áp dụng cách tiếp cận cứng rắn, xem xét các lựa chọn quân sự khác nhau để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, do thừa kế một lực lượng vũ trang quá yếu trong khi Mỹ đã từ chối hỗ trợ và tuyên bố theo đuổi lập trường trung lập đối với các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, ông Ramos thiếu khả năng quân sự cần thiết để bảo đảm một chiến thắng nhanh chóng.

Cùng lúc đó, ông Ramos nhận ra rằng, việc duy trì mối quan hệ song phương toàn diện và ổn định với Trung Quốc là điều quan trọng và mối quan hệ này không được bị ảnh hưởng hưởng bởi các tranh chấp lãnh thổ - trong trường hợp này là tranh chấp về một đảo đá. Một Trung Quốc phát triển thần tốc trong giai đoạn này đã biến họ trở thành đối tác kinh tế lớn đối với các quốc gia châu Á. Về phần mình, trong bối cảnh vừa vươn lên về kinh tế, Trung Quốc cũng không muốn đối đầu trực tiếp làm thay đổi quỹ đạo “trỗi dậy hòa bình” của họ theo hướng đáng lo ngại hơn.

Thay vì chọn cho cách tiếp cận song phương hoặc đa phương, Tổng thống Ramos đã theo đuổi “chủ nghĩa song-đa phương”. Một mặt, ông ngay lập tức khởi động các cuộc đối thoại cấp cao Philippines-Trung Quốc để giảm leo thang căng thẳng và ngăn chặn Trung Quốc mở rộng hơn nữa sự hiện diện ở các vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền.

Những năm sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã nhiều lần đến thăm Philippines để thảo luận về cách để quản lý các tranh chấp lãnh thổ và duy trì quan hệ song phương đầy hứa hẹn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc này thậm chí còn nhảy “Cha-Cha” và hát karaoke bài “Love Me Tender” của Elvis Presley trong chuyến thăm Philippines.

Tuy nhiên, Tổng thống Ramos không hoàn toàn bị thuyết phục bởi chiến lược “tấn công quyến rũ” của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Bên cạnh cách tiếp cận song phương, ông Ramos đã thúc đẩy nỗ lực ngoại giao khu vực lớn hơn, mà đỉnh điểm của nỗ lực này là việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gây sức ép với Trung Quốc để buộc nước này ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 dưới thời chính quyền của Tổng thống Gloria Arroyo. Rõ ràng, người kế nhiệm của ông Ramos đã hưởng lợi lớn từ những nỗ lực ngoại giao trước đó của ông.

Nhận ra những khoảng trống quyền lực sau việc di dời các căn cứ của Mỹ khỏi lãnh thổ Philippines, Tổng thống Ramos cũng tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Mỹ bằng cách thúc đẩy đàm phán và phê chuẩn Hiệp định Thăm viếng Quân sự (VFA). Hiệp định mới này không chỉ tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, mà còn tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho Các lực lượng vũ trang Philippines. Tuy nhiên, Tổng thống Fidel Ramos cũng không đặt tất cả “số trứng” mà ông có trong tay vào “chiếc rổ Mỹ”.

Trong gần hai thập kỷ (1995-2012), Philippines và Trung Quốc đã mở rộng quan hệ song phương và đóng băng xung đột lãnh thổ ở Biển Đông. Và Tổng thống Fidel Ramos, nhà lãnh đạo tiến hành nhiều chuyến công du nhất trong lịch sử Philippines, chính là kiến trúc sư của quá trình này.

Trên bình diện quốc tế, Tổng thống Fidel Ramos - người đã giúp Philippines trở thành một “con hổ” châu Á cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - đã nhận được sự kính trọng ở nước ngoài. Thậm chí, một số nhà phân tích còn gọi ông là “Lý Quang Diệu của Philippines”. Trong một cuộc trò chuyện tháng trước, ông Ramos còn hài hước nói rằng lẽ ra người ta phải gọi ông Lý Quang Diệu là “Ramos của Singapore”.

Hiện thời, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đặt cược vào ông Ramos, với hy vọng vị cựu Tổng thống này một lần giải quyết ổn thỏa thách đố của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thấy gì từ “chủ nghĩa Ramos”?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO