Thấy gì qua thỏa thuận thuế lịch sử của G7?

- Thứ Tư, 09/06/2021, 06:36 - Chia sẻ
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa đạt được thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu sau nhiều năm thảo luận, cam kết mức tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%, áp dụng tùy theo từng nước. Đây có thể coi là nền tảng cho một thỏa thuận rộng hơn tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào tháng 7 tới ở Venice, Italy. Thỏa thuận được cho là nhắm tới các “doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất”.
Bộ trưởng Tài chính G7 đạt được thỏa thuận thuế lịch sử
Nguồn: reuters

Cam kết chưa từng có

Hãng tin Reuters đánh giá động thái này có thể buộc các gã khổng lồ công nghệ như Google, Apple hay Amazon phải trả nhiều thuế hơn, từ đó giúp các nước thu về hàng trăm tỷ USD, đối phó với hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo các bộ trưởng, thỏa thuận mới “mang tính lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu phù hợp với kỷ nguyên số toàn cầu”, là “cam kết quan trọng và chưa từng có”, giúp chấm dứt cuộc đua trong đó các nước cạnh tranh lẫn nhau để thu hút các tập đoàn lớn bằng cách áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế. Thực tế, do thuế thấp, số tiền thuế thu được khó có thể giúp các chính phủ thực hiện những vấn đề ưu tiên liên quan đến y tế hay giáo dục…

Sở dĩ G7 nhắm mục tiêu vào các công ty đa quốc gia với thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là để ngăn chặn trốn thuế bằng cách giấu nhẹm lợi nhuận ở những nước có mức thuế thấp. Cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G7 tại London vừa qua tán thành đề xuất khiến các công ty lớn nhất thế giới, bao gồm cả các công ty công nghệ khổng lồ trụ sở tại Mỹ, nộp thuế ở các quốc gia họ có doanh thu lớn nhưng không có trụ sở chính.

Trong nhiều năm qua, các quốc gia đã vật lộn với câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn các công ty tránh nộp thuế một cách hợp pháp bằng cách sử dụng các chiêu kế toán và pháp lý để phân chia lợi nhuận cho công ty con ở các thiên đường thuế, thường là các quốc gia nhỏ thu hút những công ty có mức thuế thấp hoặc bằng 0, mặc dù thực tế họ hầu như ít kinh doanh ở đó. Các cuộc thảo luận quốc tế về vấn đề thuế có thêm động lực sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ ý tưởng mức tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% và có thể cao hơn đối với lợi nhuận doanh nghiệp.

Những điểm đáng chú ý

Các đề xuất thuế vừa được thông qua có hai phần chính. Phần đầu tiên cho phép các quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận thu được từ các công ty không hiện diện nhưng có doanh số bán hàng đáng kể, chẳng hạn như thông qua bán quảng cáo kỹ thuật số.

Thực tế, Pháp đã khởi động cuộc tranh luận về vấn đề này bằng cách áp thuế dịch vụ kỹ thuật số của riêng mình đối với doanh thu mà họ cho là do các công ty như Google, Amazon và Facebook kiếm được tại Pháp. Nhiều nước khác đã học theo. Trong khi đó, Mỹ lại coi các loại thuế quốc gia đó là các biện pháp thương mại không công bằng nhằm loại bỏ các công ty Mỹ một cách không phù hợp.

Một phần của thỏa thuận thuế vừa đạt được là các quốc gia khác sẽ bãi bỏ thuế kỹ thuật số đơn phương của họ để ủng hộ một thỏa thuận toàn cầu. Tuyên bố của G7 lặp lại đề xuất của Mỹ, cho phép các quốc gia đánh thuế một phần thu nhập của các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất - kỹ thuật số hoặc không - nếu họ đang kinh doanh trong biên giới của mình. Nó trao cho các quốc gia quyền đánh thuế 20%, hoặc nhiều hơn lợi nhuận tại địa phương mà vượt quá tỷ suất lợi nhuận 10%.

Phần chính khác của thỏa thuận thuế là các nước đánh thuế lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty trong nước với thuế suất ít nhất là 15%. Điều đó sẽ ngăn chặn hành vi sử dụng các chiêu kế toán để chuyển lợi nhuận sang một số quốc gia có thuế suất rất thấp, bởi vì thu nhập không bị đánh thuế ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với khoản thuế bổ sung tại quốc gia đặt trụ sở chính.

Tại Mỹ, Tổng thống Biden đang đề xuất áp mức thuế 21% đối với thu nhập ở nước ngoài của các công ty, tăng từ mức 10,5 - 13,125% dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ngay cả khi tỷ giá của Mỹ tăng cao hơn mức tối thiểu toàn cầu, sự khác biệt sẽ đủ nhỏ để loại bỏ hầu hết phạm vi tránh thuế. Đề xuất của ông chủ Nhà Trắng sẽ cần được Quốc hội thông qua.

Theo một số chuyên gia, thỏa thuận hiện chưa nói rõ về một số điểm chính, bao gồm chính xác những công ty đa quốc gia “lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất” nào sẽ được đề xuất và cách các công ty sẽ được bảo vệ khỏi việc lập hóa đơn hai lần nếu các quốc gia không đồng ý về việc ai có quyền đánh thuế họ. Những phức tạp đó là tiền đề cho các cuộc đàm phán của G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế diễn ra tại Paris hiện nay.

Phản ứng bước đầu

Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook Nick Clegg phát biểu trên Twitter: “Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ quan trọng”, cho dù “điều này có thể có nghĩa là Facebook phải trả nhiều thuế hơn ở những nơi khác nhau”.

Người phát ngôn của gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon thì đánh giá, kế hoạch thuế là “bước tiến đáng hoan nghênh”. “Chúng tôi hy vọng sẽ thấy các cuộc thảo luận tiếp tục tiến triển với G20 và đưa ra khuôn khổ bao trùm rộng lớn hơn”. Trong khi đó, Google cho biết họ ủng hộ mạnh mẽ công việc đang được thực hiện để cập nhật các quy tắc thuế quốc tế.

Tuy vậy, một số người vẫn tỏ ra nghi ngại. Nhóm vận động Oxfam thậm chí đánh giá nó là không thỏa đáng. “Thật vô lý khi G7 tuyên bố họ đang “đại tu hệ thống thuế toàn cầu bị hỏng bằng cách thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tương tự như mức thuế mềm được áp dụng bởi các thiên đường thuế như Ireland, Thụy Sĩ và Singapore”.

Theo Oxfam, mức giới hạn đang được đặt quá thấp để các công ty có thể vượt qua. “Việc ngăn chặn sự bùng nổ bất bình đẳng do đại dịch Covid-19 gây ra và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ là không thể nếu các công ty tiếp tục hầu như không phải trả thuế… Đây không phải là một thỏa thuận công bằng”.

Linh Anh