Mong có chiến lược ứng phó hiệu quả với thiên tai
- Kỳ họp thứ Tám vừa chính thức khai mạc. Ở góc độ doanh nghiệp, ông trông đợi gì vào Kỳ họp này?
- Như lời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong phát biểu khai mạc, Kỳ họp lần này có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn, với 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó Quốc hội xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, được doanh nghiệp và cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm.
Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa trải qua thảm họa thiên tai do bão số 3 (Yagi) gây ra, gây thiệt hại ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng và sẽ cần nhiều thời gian để hồi phục. Doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh, thế giới bất ổn, giờ lại thêm cơn bão này sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, chúng tôi rất tán thành với phát biểu định hướng của Chủ tịch Quốc hội khi đề nghị các đại biểu Quốc hội cùng với việc bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả, còn cần lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ đề ra mục tiêu thật sát tình hình cho năm tới, đi kèm là có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Điều quan trọng nữa là, bên cạnh việc tìm giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, chúng tôi cũng trông đợi Quốc hội, Chính phủ sẽ có những giải pháp, kế hoạch mang tính chiến lược, cụ thể để phòng chống thảm họa trong tương lai, khi biến đổi khí hậu diễn biến khó lường. Bình Định là tỉnh ven biển, dù đã có kinh nghiệm phòng chống bão lũ song sau cơn bão số 3 vừa qua, chúng tôi rất mong Nhà nước có kế hoạch tổng thể để hướng dẫn doanh nghiệp trong xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm ứng phó với các sự cố thiên tai mang tính thảm họa.
- Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến, thông qua một loạt dự án luật có liên quan trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
- Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua một loạt luật quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia... Chúng tôi đang đặt rất nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào chất lượng các luật này.
Sở dĩ nói vậy bởi lẽ thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước nói chung, tại Bình Định nói riêng đã gặp rất nhiều khó khăn, cả từ tình hình thế giới lẫn nội tại trong nước. Trong đó, nguồn vốn là khó khăn, vướng mắc lớn nhất của phần lớn doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong các luật lần này sẽ tháo gỡ về vốn, thông qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu khi sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán. Cùng đó, các ngân hàng cũng tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi), chúng tôi mong muốn có chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm trên 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, được tham gia vào các dự án đầu tư công quan trọng; khi đó, chúng tôi vừa được tạo thu nhập, việc làm, mà còn nâng cao năng lực, trình độ... Các quy định liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư cũng cần theo hướng đơn giản, giảm bớt thủ tục hơn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp rất mong việc sửa đổi các luật cần bảo đảm thực sự tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, để doanh nghiệp yên tâm và có động lực phát triển; có chính sách để thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp.
Luật ngắn gọn, dễ hiểu sẽ tạo thuận lợi cho thực thi
- Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định. Ông nghĩ sao về định hướng này?
- Đây là định hướng hết sức quan trọng và thiết thực. Bởi lẽ, một trong những vướng mắc được nhiều doanh nghiệp phản ánh thời gian qua là có tình trạng luật chồng chéo, thậm chí là còn có cách hiểu khác nhau về cùng một điều khoản, không chỉ gây khó cho doanh nghiệp, người dân mà còn cho chính cán bộ thực thi. Vì thế, nếu luật được xây dựng một cách ngắn gọn và phải bảo đảm dễ hiểu, “chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực”…; cùng với “cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính”, tất cả với tinh thần “xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” như trong phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này sẽ bảo đảm chất lượng cao nhất.
- Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó có đi qua địa bàn tỉnh Bình Định. Ông trông đợi gì từ dự án này đối với sự phát triển của địa phương?
- Đây là điều mà người dân Bình Định nói chung, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Định nói riêng đang rất háo hức mong đợi bởi chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực to lớn đối với sự phát triển của địa phương, đặc biệt là thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Đây là dự án có quy mô đầu tư rất lớn và có tác động lan tỏa tới nhiều ngành khác trong nền kinh tế, vì thế, chúng tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ sẽ có phương án để huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tại địa phương có đủ năng lực vào dự án này. Đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp chúng tôi.
- Xin cảm ơn ông!