Thay đổi tư duy làm du lịch
Tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” ngày 16.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngày nào các địa phương còn sa đà lạm dụng tài nguyên du lịch thì còn khó xây dựng tính liên kết vùng. Hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường du lịch, tính năng động, cầu thị của chính quyền địa phương… tiếp tục là những vấn đề được Thủ tướng, các chuyên gia và nhà đầu tư đặt lên bàn nghị sự.
Vẫn cảnh “mạnh ai nấy làm”…
Tiềm năng và sức hút của du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung cũng như 5 tỉnh Tây Nguyên là không phải bàn cãi. Vùng đất này không chỉ hội tụ những tài nguyên du lịch cơ bản nhất của Việt Nam như: Biển, đảo, văn hóa, sinh thái, núi rừng, hang động, 11 di sản văn hóa thế giới, những bãi biển đẹp nhất cả nước; mà còn là nơi sinh sống của 47/54 dân tộc anh em, tạo ra một kho tàng văn hóa đặc sắc, là nơi giao thoa văn hóa Đông - Tây và kim cổ.
Các chuyên gia cũng nhắc lại: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Tự ngành du lịch không thể mạnh lên mà phải là sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành và lĩnh vực phụ trợ. Vậy nhưng, theo TS. Trần Du Lịch, tính kết nối liên thông đang là rào cản lớn nhất để du lịch miền Trung và Tây nguyên cất cánh. Cụ thể, hệ thống đường xương cá nối Quốc lộ 1 với các tỉnh Tây Nguyên được xây dựng chậm chạp đã làm mất nhiều cơ hội. Ông đề xuất chia toàn khu vực thành 2 vùng trọng điểm du lịch là Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Bình Định đến Bình Thuận, cộng thêm 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đồng tình với câu chuyện kết nối giao thông, Tổng Giám đốc Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ và Chủ tịch Vina Capital Don Lam đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến hạ tầng xã hội, đặc biệt là hàng không, để mở toang cánh cửa bầu trời. Theo các nhà đầu tư, hạ tầng hàng không là yếu tố quan trọng nhất trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra là chính sách thị thực cho du khách quốc tế để tạo bước phát triển đột phá cho miền Trung - Tây Nguyên.
Ở góc tiếp cận khác, TS. Trần Đình Thiên khẳng định, thời gian qua, do chưa có quy hoạch đúng nên việc khai thác tài nguyên du lịch giữa các địa phương không đồng đều, tự phát, dẫn đến lãng phí. Điều này để lại hệ lụy lớn cho tương lai, bởi nhiều thứ bị hủy hoại, không thể phục hồi và sửa chữa. “Ví dụ, các tỉnh duyên hải đều tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, nhưng hầu hết chỉ khai thác đến mép biển, không tính đến không gian biển (mặt biển, lòng biển). Các địa phương có biển đều chưa có quy hoạch khai thác biển phối hợp thống nhất tất cả các ngành, lĩnh vực trên cơ sở lấy định hướng phát triển ngành mũi nhọn (du lịch - PV) làm “trụ cột” phối hợp và liên kết. Nguyên lý chi phối hành động và “thế mạnh phát triển lớn nhất” của du lịch miền Trung nói riêng, của cả nước nói chung vẫn là “mạnh ai nấy làm, mạnh tỉnh nào tỉnh ấy chạy”… - ông Thiên nhận định.
![]() |
Lấy cụm ngành làm trung tâm
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập trực diện đến những yếu tố để phát triển bền vững cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên. “19 tỉnh, thành phố hội tụ đủ điều kiện phát triển tất cả các cụm ngành du lịch cơ bản như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản, du lịch văn hóa, biển đảo, sinh thái, khám phá đồi núi và nhất là khám phá hang động… Xoay quanh đó là các ngành dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi, giải trí và các ngành cung cấp yếu tố đầu vào như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản phẩm địa phương, quản lý tài sản, chăm sóc sức khỏe và an ninh, an toàn”.
Tuy vậy, tài nguyên du lịch nơi đây, theo Thủ tướng, vẫn chỉ là “viên ngọc thô, chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng”. Thủ tướng chỉ ra rằng, việc có quá nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là bất lợi khi khó tìm được một bản sắc, nhận diện thương hiệu, lưỡng lự trong lựa chọn ưu tiên, kể cả ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Từ nhận định này, Thủ tướng đề nghị cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý: “Lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phân tích kỹ những hạn chế của du lịch miền Trung và Tây Nguyên, mà trước hết là “thiếu kiến trúc du lịch mang bản sắc Việt Nam rõ nét”. Tài nguyên du lịch bị phân mảnh trong quản lý, khai thác và sử dụng, nhiều nơi bị xuống cấp, mất giá trị, khó phục hồi. Cùng với đó là sự xung đột lợi ích giữa du lịch và công nghiệp; tầm nhìn ngắn hạn khiến một số tài nguyên bị tàn phá, sử dụng sai mục đích; chất lượng nhân lực ngành du lịch còn yếu kém dẫn đến năng lực phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu; dịch vụ hỗ trợ đi kèm còn đơn điệu… Đặc biệt là tình trạng “chặt chém” du khách cùng với các vấn nạn taxi dù, bán hàng rong, mất vệ sinh, một vài trường hợp lừa đảo, ép khách du lịch đã làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Thủ tướng đặt ra 5 câu hỏi: Làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn? Làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn? Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu? Làm thế nào để du khách kể những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một chuyện xấu nào đó ở Việt Nam? Và làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất chứ không phải một đi không trở lại?
Thủ tướng cho rằng ngành du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng, còn nhiều việc phải làm. Đầu tiên là giữ môi trường sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự, an toàn, vui vẻ, người dân luôn nở nụ cười trên môi. Các địa phương, sau hội nghị này, cần rà soát, phân tích lại xem tài nguyên du lịch của chúng ta được khai thác, sử dụng hiệu quả chưa, có được trao đúng “thợ kim hoàn” có năng lực và tiềm lực không. Với miền Trung, cần chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, homestay để đưa thế giới đến gần với người dân hơn, đưa văn hóa bản địa ra thế giới và tạo thu nhập cho người dân tốt hơn. Cần tránh phong trào trong đầu tư du lịch, ví dụ “thấy tỉnh bạn làm chợ đêm thì tỉnh mình cũng làm chợ đêm, thấy người ta tổ chức lễ hội, mình cũng làm lễ hội, mặc dù không có hiệu quả”. Điều quan trọng là phải làm cho sản phẩm du lịch địa phương độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục…
Vietjet tiên phong thúc đẩy du lịch miền Trung - Tây Nguyên Phát biểu tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ về hoạt động của hãng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo đó, Vietjet là hãng hàng không tiên phong mở đường bay tới 12 sân bay ở Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đồng Hới, Phù Cát, Chu Lai, Tuy Hòa, Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Vinh, Thanh Hóa thuộc 19 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương. Hãng Hàng không Vietjet ra đời, mang giai điệu “Hello Vietnam” trên khắp các đường bay trong nước và quốc tế. Hãng đầu tư đội máy bay mới, hiện đại, tiện nghi, an toàn với những dịch vụ mới mẻ, món ăn trên tàu tươi ngon, đội bay thân thiện, chu đáo. Vietjet tiên phong sơn biểu tượng du lịch Việt Nam lên thân tàu bay. Vietjet hiện khai thác gần 70 đường bay quốc tế tới Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar… CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên để tăng tần suất các chuyến bay, xúc tiến mở nhiều hơn các đường bay quốc tế, đặc biệt đến 12 sân bay thuộc 19 tỉnh trong khu vực... Tập đoàn Sovico cũng sẵn sàng tham gia các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, cung cấp nguồn vốn cho các dự án, doanh nghiệp và người dân... Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh, miền Trung là nơi có ý nghĩa đặc biệt với Sovico khi từ Furama, bà và các cộng sự đã trở về Việt Nam đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, khách sạn, bất động sản, tài chính ngân hàng, hàng không, năng lượng… đóng góp xây dựng kinh tế nước nhà. |