Biểu tình phản đối kết quả bầu cử tại Mỹ

Thay đổi nhiều điều quan trọng?

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:37 - Chia sẻ
Việc những người ủng hộ Donald Trump tấn công Tòa nhà Quốc hội trong nỗ lực cuối cùng nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng 10 tiếng hỗn loạn ở cơ quan đại diện cao nhất chính là cú giáng vào những giá trị của quốc gia luôn tự hào là nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Nỗ lực hủy bỏ kết quả bầu cử

6.1 là ngày diễn ra phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ để kiểm lại phiếu cử tri đoàn, xác nhận kết quả bầu cử tổng thống 2020. Cần nhắc lại là, trước đây, cuộc họp như thế này hoàn toàn mang tính thủ tục và thường chỉ kéo dài từ 30 phút đến một tiếng. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay rất đặc biệt, bởi vì Tổng thống Donald Trump và các đồng minh quyết định thách thức kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn tại 6 bang chiến địa xảy ra tranh chấp (Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin). Trước khi phiên họp diễn ra, 13 thượng nghị sĩ và khoảng 140 hạ nghị sĩ Cộng hòa tham gia vào nỗ lực chung nhằm lật ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Trong bài phát biểu ngắn trước những người ủng hộ trưa cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã khuyến khích họ tiến về trụ sở Quốc hội để phản đối lưỡng viện xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Không lâu sau khi phiên họp lưỡng viện Quốc hội bắt đầu, hàng nghìn người biểu tình đã áp sát tòa nhà Quốc hội và nhiều người trong số này đã tràn vào cả Thượng viện và Hạ viện, đập phá và chiếm các văn phòng nhằm tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử. Nữ phát ngôn viên Sở Cảnh sát Washington cho biết, các nghị sĩ được sơ tán tới nơi an toàn, một số người biểu tình đã bị bắt giữ, một số nhân viên an ninh bị thương và một phụ nữ đã thiệt mạng do bị trúng đạn trong vụ bạo loạn.

Theo tờ Business Insider, khi người biểu tình tìm cách chiếm phiếu bầu để đốt, nhân viên đảng Dân chủ đã nhanh chóng lấy được các thùng phiếu và chạy khỏi tòa nhà. Luật liên bang quy định phiếu bầu của đại cử tri được chứng nhận tại mỗi bang phải niêm phong trong các thùng da. Những lá phiếu này là một phần quan trọng trong bước cuối cùng để xác nhận kết quả cuộc bầu cử và tái khẳng định người chiến thắng. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện đều phải đọc to kết quả bầu cử và kiểm phiếu chính thức, trong cuộc họp do Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Mike Pence chủ trì. Mặc dù những thùng phiếu trên không phải là nơi duy nhất chứa bản sao phiếu bầu của đại cử tri tại mỗi bang, song trong trường hợp chúng bị xâm phạm hoặc bỏ lại, quy trình chứng nhận kết quả chiến thắng có thể phải kéo dài hơn thời gian dự kiến, qua ngày 6.1.

Lên án

Nina L. Khrucheva, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại New School, viết trên Project Syndicate: Hành động của những kẻ nổi dậy - mặc dù là vô cùng thảm hại - sẽ có tác động mang tính lịch sử đối với hình ảnh và vị thế của nước Mỹ trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia này, một tổng thống đương nhiệm bị thua cuộc đã triệu tập đám đông đe dọa Quốc hội, bất chấp Hiến pháp, bất chấp mọi nguyên tắc về thượng tôn pháp luật - điều mà nước Mỹ vẫn tôn thờ, để giữ cho mình tiếp tục nắm quyền. Bốn năm cầm quyền của ông là 4 năm công khai khinh thường các giá trị, thể chế và chuẩn mực dân chủ, cuối cùng đã mang lại chính xác những gì ông luôn mong muốn: Một cuộc nổi dậy phi luật pháp chống lại “giới tinh hoa” bởi “những kẻ thua cuộc”.

Không lâu sau khi Thượng viện nối lại phiên họp, lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer phát biểu: “Ngôi đền dân chủ đã bị báng bổ. Đây sẽ là vết nhơ của đất nước chúng ta mà không dễ rửa sạch, di sản cuối cùng không thể thanh tẩy của Tổng thống Mỹ thứ 45”. Ông nói thêm: “Ngày 6.1 sẽ đi vào lịch sử như một trong những ngày đen tối nhất lịch sử đương đại nước Mỹ. Đây là lời cảnh báo cuối cùng với đất nước chúng ta về hệ quả của một nhiệm kỳ tổng thống dân túy”.

Về phần mình, lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mitch McConnell thì lên án những người biểu tình là “bất trị và vô pháp”. “Họ tìm cách phá vỡ nền dân chủ của chúng ta và đã thất bại. Họ đã không thể ngăn cản Quốc hội tiếp tục quy trình cho dù bị gián đoạn. Vụ nổi dậy thất bại này chỉ nhấn mạnh một điều rằng, nhiệm vụ trước mắt chúng ta quan trọng nhường nào”.

Thậm chí, tức giận trước hành vi bạo loạn, hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa là Steve Daines và James Lankford, những người trước đây từng nói sẽ phản đối kết quả bầu cử, nay khẳng định ủng hộ xác nhận chiến thắng đối với ông Joe Biden. Tối cùng ngày, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kelly Loeffler, người vừa thất bại trong cuộc chạy đua vào ghế Thượng viện ở bang Georgia trong cuộc bỏ phiếu ngày 5.1, cũng có quyết định tương tự, không phản đối chiến thắng của ông Biden nữa.

Là một trong số những lãnh đạo châu Âu đầu tiên lên tiếng trước các diễn biến biểu tình bạo lực tại thủ đô Washington, ông Boris Johnson, Thủ tướng Anh, nước đồng minh châu Âu thân cận nhất của Mỹ, cho rằng những gì vừa diễn ra là “điều đáng hổ thẹn” và kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình và trật tự.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg thì bình luận:  “Những cảnh tượng không thể tin nổi ở Washington D.C. Đây là sự tấn công không thể chấp nhận vào nền dân chủ. Tổng thống Trump phải có trách nhiệm ngăn chặn điều này”.

“Cảnh tượng ở Điện Capitol tối nay rất đáng quan ngại. Các lá phiếu dân chủ cần được tôn trọng”, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli viết trên Twitter.

Trên trang cá nhân, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, những gì đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ là “những cảnh rất đau buồn” và khẳng định Australia “lên án những hành động bạo lực này và mong muốn sự chuyển giao chính phủ một cách hòa bình cho chính quyền mới được bầu theo truyền thống dân chủ” của Mỹ.

Từ Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas kêu gọi người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump “ngừng giẫm đạp lên nền dân chủ”. Ông Heiko Maas cũng liên hệ những gì đang diễn ra tại Mỹ với quá khứ đen tối tại Đức thời phát-xít khi cho rằng “những lời nói hận thù đã biến thành hành động bạo lực - trên các bậc thang của Quốc hội Đức - Reichstag và bây giờ là tại đồi Capitol”. Ông Heiko Maas cũng kêu gọi ông Donald Trump và những người ủng hộ “chấp nhận quyết định của cử tri Mỹ”.

Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande thì chỉ trích đích danh ông Donald Trump, cho rằng “cảnh tượng hỗn loạn sau những lời nói vô trách nhiệm của một Tổng thống sắp mãn nhiệm là sự xúc phạm đối với những người dân chủ trên toàn thế giới”.

Nguồn: Getty Image

Lời kêu gọi luận tội từ lưỡng đảng

Sự kiện tại Quốc hội Mỹ cũng vô hình trung đã đoàn kết những người Cộng hòa và Dân chủ trên cùng chiến tuyến, để phản đối những điều phi dân chủ. Không chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích, nhiều nghị sĩ của phe Dân chủ và đáng ngạc nhiên hơn là cả Cộng hòa đã kêu gọi luận tội Tổng thống.

Trong thông báo trên trang Twitter cá nhân ngay sau khi diễn ra vụ việc, Hạ nghị sĩ Ilhan Omar, bang Minnesota cho biết, bà đang vạch ra các điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump. “Chúng ta không thể cho phép ông ấy tiếp tục đương nhiệm. Đây là vấn đề bảo vệ nền Cộng hòa và chúng ta cần thực hiện theo lời thề của mình".

Vài tiếng sau, tối 6.1 (sáng 7.1 theo giờ Việt Nam), nhiều nhà lãnh đạo và nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng kêu gọi luận tội và phế truất đương kim Tổng thống. Nhóm nghị sĩ Cộng hòa này, với số lượng đang tăng lên nhanh chóng, cho rằng sau khi làn sóng biểu tình bạo lực bùng phát và làm gián đoạn phiên họp kiểm phiếu đại cử tri của Quốc hội Mỹ, Tu chính Án số 25 nên được kích hoạt để ngay lập tức khởi động quá trình luận tội và phế truất tổng thống trước 20.1, tức là ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống hiện nay của ông.

Nhẹ hơn, những lời kêu gọi ông Donald Trump từ chức ngay lập tức từ các nghị sĩ Dân chủ, các nhà bình luận và một số nghị sĩ Cộng hòa, nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Giáo sư Nina L. Khrucheva bình luận: 10 tiếng của ngày 6.1 đã làm thay đổi nhiều điều quan trọng. Chắc chắn rằng, cuộc nổi dậy của những người ủng hộ ông Trump sẽ không được làm dịu đi bằng những bài phát biểu nhẹ nhàng về việc “tiến lên” mà không phải chịu tội. Đối với ông Trump, đối với Đảng Cộng hòa, câu ngạn ngữ: “Ai phá hoại ngôi nhà của mình, cuối cùng sẽ phải hứng chịu những trận gió”, sẽ cho thấy sự tàn bạo của nó.

Đạt Quốc