Những điểm nổi bật của chương trình
Chương trình mới có tên chính thức là Chương trình hỗ trợ người tìm việc SkillsFuture, được tổ chức riêng để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp và trung bình. Mục tiêu chính là "cứu trợ" tài chính tạm thời, đồng thời tạo điều kiện để người lao động nâng cao tay nghề chuyên môn liên tục và giúp họ tìm kiếm việc làm.
Chương trình cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cá nhân đủ điều kiện lên tới 6.000 SGD (khoảng 4.561 USD) trong thời gian 6 tháng. Hỗ trợ này được thiết kế để giảm bớt gánh nặng tài chính khi chuyển đổi công việc, giúp người lao động quản lý các chi phí sinh hoạt thiết yếu trong thời gian thất nghiệp.
Để đủ điều kiện tham gia chương trình, người nộp đơn phải đáp ứng một số điều kiện. Trước hết là yêu cầu về thu nhập. Chương trình nhắm đến đối tượng lao động trước đây có thu nhập trung bình hàng tháng dưới 5.000 SGD. Trọng tâm này tập trung hỗ trợ vào những người dễ bị tổn thương nhất trong thời kỳ kinh tế không chắc chắn.
Tiếp đến, cá nhân đủ điều kiện phải chứng mình bản thân đang tích cực tìm kiếm việc làm và phải đạt được các chỉ tiêu về điểm hoạt động hàng tháng, có được tham gia nhiều hoạt động như tham dự các cuộc phỏng vấn xin việc, nộp đơn xin việc hay tham gia hội chợ việc làm có liên quan.
Nền tảng của chương trình là nhấn mạnh vào quá trình học tập, đào tạo nâng cao tay nghề liên tục. Do đó, người nộp đơn cũng được yêu cầu tham gia các chương trình đào tạo, hướng dẫn nghề nghiệp và dịch vụ tìm kiếm việc làm. Các hoạt động này được thiết kế để nâng cao khả năng được tuyển dụng của họ, giúp người lao động được chuẩn bị tốt hơn để nắm bắt cơ hội việc làm mới và có thêm kỹ năng bổ ích. Trong bài phát biểu về ngân sách 2024, Thủ tướng Wong từng tuyên bố, người dân Singapore từ 40 tuổi trở lên có thể nhận được khoản trợ cấp đào tạo hàng tháng lên tới 3.000 SGD nếu đăng ký các khóa học toàn thời gian đã chọn. Bên cạnh đó, một số khoản trợ cấp đào tạo cũng được mở rộng cho những ai tham gia các khóa học bán thời gian.
Nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của các yêu cầu trong chương trình mới, cho rằng “đây là những khoản đầu tư thiết yếu mà mỗi lao động cần thực hiện cho bản thân để tìm được công việc tốt hơn”. Ông nói thêm, “đây là bản chất của hợp đồng xã hội mới của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ủng hộ bạn, chúng tôi sẽ sát cánh cùng bạn, nhưng bạn cũng phải chịu trách nhiệm cho tương lai của mình và nỗ lực để tự vực dậy”.
Chương trình hỗ trợ người tìm việc SkillsFuture sẽ do Workforce Singapore, cơ quan phát triển lực lượng lao động thuộc Bộ Nhân lực quản lý. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các đơn đăng ký, giải ngân và giám sát việc tuân thủ điều kiện của chương trình.
Thay đổi tư duy
Việc đưa ra chương trình hỗ trợ thất nghiệp mới đánh dấu thay đổi tư duy đáng kể so với cách tiếp cận truyền thống của Singapore đối với phúc lợi xã hội. Kể từ khi tách khỏi Malaysia vào năm 1965 để trở thành quốc gia độc lập và có chủ quyền, Singapore dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu luôn bác bỏ ý tưởng về một nhà nước phúc lợi. Năm 2005, ông từng phát biểu: “Tôi rời bỏ chủ nghĩa phúc lợi vì nó làm suy yếu tinh thần tự lực của người dân, cũng như mong muốn vươn lên và thành công của họ”.
Do đó, đảo quốc sư tử hầu như không cung cấp bảo hiểm thất nghiệp hoặc các giải pháp tương tự, vì lo ngại rằng người dân sẽ ỉ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Thủ tướng Lawrence Wong cho biết: “Sau khi nhận được khoản trợ cấp hào phóng, cá nhân đó có thể cảm thấy không cần thiết phải quay lại làm việc”. Thay vào đó, Singapore tập trung vào các chính sách thúc đẩy sự tự lực, phát triển kỹ năng và làm việc ổn định. Nước này tạo ra "Workfare" (phúc lợi việc làm) thay vì bảo hiểm thất nghiệp. Đây là chương trình được Chính phủ triển khai vào năm 2005 để hỗ trợ lao động thu nhập thấp bằng cách tăng thêm thu nhập và thanh toán quỹ hưu trí với điều kiện cá nhân phải có việc làm.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thay đổi, với sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu hóa, tiến bộ công nghệ và biến đổi trên thị trường lao động đã đưa đến nhiều thách thức mới cho người lao động. Đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật thêm điểm yếu mà họ phải đối mặt, đặc biệt là những người trong nhóm thu nhập thấp, vốn chỉ có nguồn tài chính hạn chế trong thời kỳ thất nghiệp.
Động thái thay đổi chính sách mới nhất cho thấy, Chính phủ Singapore ngày càng nhận ra rằng cần có cách tiếp cận hỗ trợ nhiều hơn để giúp người lao động vượt qua khó khăn. Bằng cách cung cấp cứu trợ tài chính tạm thời, cùng với yêu cầu tham gia tích cực vào phát triển chuyên môn, chương trình hỗ trợ người tìm việc SkillsFuture được kỳ vọng tạo ra sự cân bằng giữa cung cấp mạng lưới an toàn với khả năng duy trì việc làm ổn định và liên tục.
Chương trình được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế và xã hội Singapore. Trong ngắn hạn, hỗ trợ tài chính do chương trình cung cấp sẽ giúp ổn định thu nhập hộ gia đình cho những người lao động bị ảnh hưởng, giảm bớt căng thẳng tài chính tức thời do tình trạng thất nghiệp gây ra. Đổi lại, điều đó có thể giúp duy trì chi tiêu của người tiêu dùng, cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về lâu dài, việc tập trung vào phát triển kỹ năng và tìm kiếm việc làm tích cực có thể sẽ cải thiện khả năng được tuyển dụng chung của lực lượng lao động Singapore. Bằng cách khuyến khích người lao động liên tục nâng cao kỹ năng và duy trì sự tham gia vào thị trường lao động, chương trình có thể giúp giảm tình trạng thất nghiệp dài hạn, đồng thời bảo đảm lực lượng lao động được trang bị tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.
Thông báo của Thủ tướng Lawrence Wong về chương trình hỗ trợ người tìm việc nêu bật cam kết của chính quyền đương nhiệm trong việc điều chỉnh các chính sách của Singapore để phục vụ người dân.
“Một nền kinh tế đang phát triển sẽ tạo ra nhiều cơ hội, việc làm hơn cho tất cả mọi người. Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng, các lợi ích được chia sẻ rộng rãi và mọi người đều được hưởng lợi từ sự tiến bộ của quốc gia”, người đứng đầu Chính phủ Singapore khẳng định.