Hôm nay, 23.5 cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp

Thấu lòng dân, giữ trọn lời hứa với Nhân dân

- Chủ Nhật, 23/05/2021, 07:02 - Chia sẻ
Với 6 nhiệm kỳ liên tiếp làm đại biểu Quốc hội (Khóa VI, VII, VIII, IX, X và XI), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội NGUYỄN THỊ HOÀI THU cho rằng, lời hứa của đại biểu có sức nặng ngàn cân. Gửi kỳ vọng đến các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sẽ được cử tri lựa chọn trong ngày trọng đại hôm nay, Bà mong muốn mỗi đại biểu nếu đã hứa điều gì với cử tri thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải làm và làm cho thật tốt, thật trọn vẹn, phải mở rộng trái tim và khối óc để thấu lòng dân và để phân tích thấu đáo các vấn đề Nhân dân đặt ra.

Luôn giữ đúng lời hứa

- Tham gia Quốc hội từ Khóa VI đến Khóa XI, kỷ niệm của bà về lần đầu tiên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử là?

- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa VI diễn ra trong bối cảnh lịch sử - đất nước vừa mới thống nhất, non sông liền một dải. Khi đó, hầu hết những người ứng cử đại biểu Quốc hội đều là những người hoạt động Cách mạng, từng được Nhân dân che trở, đùm bọc trong những ngày còn hoạt động kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy, khi các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đi gặp gỡ, tiếp xúc bà con cử tri để vận động bầu cử giống như “cá về với nước”. Cuộc tiếp xúc cử tri khi đó giống như cuộc hội ngộ, đoàn tụ giữa những người thân trong gia đình. Chúng tôi dành thời gian để hàn huyên, tâm sự về sự đổi thay của địa phương sau khi miền Nam được giải phóng, ai còn ai mất… Trong đoàn ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa VI của tỉnh Tiền Giang - nơi tôi ứng cử, có nhiều nhà hoạt động Cách mạng như bà Nguyễn Thị Thập, một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước ta và là đại biểu Quốc hội liên tục từ Khóa I đến Khóa VI. Bà con cử tri Tiền Giang vui mừng khôn xiết khi được gặp gỡ, tiếp xúc những người đã dành cả đời cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng, cho đất nước về ứng cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh. Bà con cũng không đặt câu hỏi với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội là sẽ làm gì nếu trúng cử đại biểu Quốc hội vì họ tin tưởng rằng những người được chọn để ra ứng cử đại biểu Quốc hội đều là những người xứng đáng, đủ đức, đủ tài.

- Bà còn nhớ mình đã hứa gì với cử tri khi ứng cử đại biểu Quốc hội không, thưa bà?

- Trong lần đầu tiên ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi không hứa hẹn điều gì với cử tri vì hồi đó các ứng cử viên đại biểu Quốc hội không đưa ra lời hứa khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi và những người ứng cử đại biểu Quốc hội lúc bấy giờ đều mang một lời hứa, một tâm nguyện chung là luôn cố gắng đem mọi tâm sức phục vụ Quốc hội, phụng sự Nhân dân nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội.

Những lần ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa IX, Khóa X… các ứng cử viên đại biểu Quốc hội bắt đầu đưa ra lời hứa khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Cá nhân tôi không hứa nhiều nhưng tôi luôn hứa với cử tri rằng tôi sẽ thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Điều quan trọng với người đại biểu của Nhân dân là phải luôn gần dân, lắng nghe dân, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cả những vấn đề bức xúc của người dân để phản ánh tới nghị trường, tới các cơ quan chức năng nhằm giải quyết kịp thời.

Suốt hơn 30 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi đã luôn giữ đúng lời hứa ấy. Cử tri liên hệ với tôi bằng nhiều cách như qua điện thoại, qua đường bưu điện. Địa chỉ cơ quan, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại của tôi đều được công khai để cử tri biết và liên lạc khi cần. Sau này, theo quy định của Quốc hội, đại biểu Quốc hội không được tiếp công dân hoặc tiếp nhận đơn thư của cử tri tại nhà riêng nhưng vẫn có cử tri gửi thư đến nhà tôi, vẫn có những người tìm đến tận nhà riêng để gặp tôi… Họ lặn lội từ xa tới, tôi không tiếp sao được? Bằng lương tâm và trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, tôi vẫn tiếp đón cử tri và cũng giải thích để họ hiểu, lần sau không đến nhà gặp tôi nữa. Ngay cả khi tôi đi vắng, người thân trong gia đình tôi vẫn ra mở cửa, tiếp đón cử tri và đôi khi thay mặt tôi tiếp nhận đơn, thư của cử tri gửi cho tôi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng  

Ảnh: Đông Bắc 

Mở rộng trái tim và khối óc

- Thực tế trong quá trình vận động bầu cử, nhiều ứng cử viên đưa ra những lời hứa nghe rất “bắt tai” nhưng khi trúng cử lại chưa thực hiện đúng, đủ, trọn vẹn lời hứa của mình. Bà nghĩ sao về điều này?

- Đại biểu Quốc hội là người được Nhân dân trực tiếp bầu ra, là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Do đó, lời hứa của đại biểu có sức nặng ngàn cân, là cam kết chính trị của đại biểu đối với cử tri - người đã tin tưởng, tín nhiệm bầu ra mình. Việc thực hiện lời hứa rất quan trọng, thể hiện rằng đại biểu Quốc hội “giữ chữ tín” với cử tri. Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Đại biểu Quốc hội không làm cho dân tin thì không còn là đại biểu Quốc hội nữa. Mà nếu đã hứa thì khó khăn đến mấy cũng phải làm và phải làm cho thật tốt, thật trọn vẹn. Tốt nhất là nên hứa ít làm nhiều và liệu sức mình để đưa ra những lời hứa trong khả năng thực hiện của mình chứ không nên hứa “ào ào”.

Tôi có một kỷ niệm khi còn làm đại biểu Quốc hội là trong kỳ họp Quốc hội, tôi chất vấn một bộ trưởng về vấn đề mà cử tri bức xúc và sau khi tôi chất vấn thì bộ trưởng đó đã hứa “dữ” lắm. Những điều mà bộ trưởng đó hứa cũng đúng trong chức năng, thẩm quyền của bộ trưởng nhưng vì còn liên quan đến những vấn đề khác như ngân sách, rồi liên quan đến luật này luật kia… nên bộ trưởng không thực hiện được lời hứa của mình. Đến nhiệm kỳ sau, bộ trưởng mới lên thay và rút kinh nghiệm của người trước, không dám hứa gì hết. Đến khi tôi chất vấn bộ trưởng mới, tôi nói rằng “Bộ trưởng trước hứa rất nhiều mà không làm được, còn bây giờ bộ trưởng không hứa gì thì tôi cũng không đồng ý, vì không hứa thì cử tri sẽ đặt câu hỏi là anh định làm được chăng nên chớ hay sao?”. Với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội cũng vậy, không nên hứa nhiều, hứa suông nhưng cũng phải hứa để cử tri lấy đó làm căn cứ theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu.

- Cùng với sự phát triển và đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, cử tri ngày càng quan tâm hơn tới hoạt động của Quốc hội. Qua các lần tiếp xúc cử tri, có thể thấy cử tri đặt nhiều câu hỏi hóc búa hơn, xoáy vào nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống. Theo bà, điều quan trọng nhất đối với một đại biểu là gì để có thể đáp ứng được mong đợi và đòi hỏi của cử tri? 

- Tiếp xúc cử tri là nhiệm vụ, cũng là cơ hội cho mỗi người ứng cử đại biểu Quốc hội thể hiện năng lực, trình độ và sự nhạy bén của mình. Việc ứng xử thế nào trước những vấn đề hóc búa mà cử tri nêu ra cũng là nghệ thuật của mỗi người vì có những vấn đề mà cử tri nêu không nằm trong kịch bản, không nằm trong chương trình hành động. Có những vấn đề cử tri nêu không nằm trong lĩnh vực mà ứng cử viên nắm rõ hoặc có khả năng giải quyết của đại biểu Quốc hội. Vì vậy, khi đưa ra lời hứa với cử tri, đại biểu Quốc hội cần bám sát nhiệm vụ, chức năng của Quốc hội, đó là lập Hiến, lập pháp; giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Mặt khác, đại biểu cũng cần lưu ý tới nguyên tắc hoạt động của Quốc hội là quyết định theo đa số. Đại biểu Quốc hội cũng chỉ là 1 trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội. “Một cánh én không làm nên mùa xuân”, vì vậy đại biểu không thể tự mình giải quyết mọi vấn đề. Mỗi đại biểu cũng cần lưu ý rằng mình nên hứa với bà con cử tri là mình sẽ cùng với các đại biểu khác, cùng Quốc hội tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Điều quan trọng nhất khi đưa ra lời hứa với cử tri là sự chân thành, chân phương của đại biểu. Vì có chân thành mới gần được dân, có chân phương mới thấu được tấm lòng của những người dân thẳng thắn, chất phác, thật thà. Khi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cần có kỹ năng nhất định, đó là kỹ năng mở rộng trái tim và khối óc để thấu lòng dân và để phân tích thấu đáo các vấn đề Nhân dân đặt ra.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nhật An thực hiện