Thật sự công tâm, khách quan
Thực hiện chương trình kiểm tra năm 2017, Bộ Chính trị đã thành lập 5 Đoàn kiểm tra do 5 Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 24-KL/TW và Quyết định số 68-QĐ/TW về công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử ở 15 tổ chức đảng trực thuộc (10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương).
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp kết quả của 5 Đoàn kiểm tra sáng 8.12 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của công tác cán bộ, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, “then chốt của then chốt”.
Đánh giá cán bộ là khâu rất khó
Nói đến công tác cán bộ, cần khẳng định ngay rằng bao gồm rất nhiều khâu. Đợt kiểm tra của Bộ Chính trị tại 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương vừa qua tập trung vào việc thực hiện Kết luận số 24-KL/TW (ngày 5.6.2012 của Bộ Chính trị Khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo) gắn với thực hiện Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW (ngày 4.7.2007 của Bộ Chính trị Khóa X). Trọng tâm là công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Những nội dung này có liên quan đến các đề án mà Hội nghị Trung ương 7 và Trung ương 8 sẽ bàn, quyết định trong năm 2018.
Vậy soi chiếu những nội dung nêu trên vào 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương Bộ Chính trị vừa kiểm tra thì việc thực hiện như thế nào?
Khẳng định những nội dung về công tác cán bộ có mối liên quan đến nhau và không tách rời, vì đây là một hệ thống những việc phải làm xung quanh công tác này, Tổng Bí thư nói rằng, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ thời gian qua là để có tầm nhìn xa, có khung để đào tạo, bố trí cán bộ. Cho nên, phải “động” và “mở” là vì thế. Đặc biệt, làm quy hoạch cán bộ không phải là làm công tác nhân sự, không phải cứ quy hoạch xong là nhăm nhăm bố trí, bổ nhiệm những cán bộ có trong quy hoạch. Nói cách khác, quy hoạch cán bộ không phải là “khung cứng”.
Tương tự, luân chuyển cán bộ theo quy hoạch khác với điều động cán bộ. Không phải mọi trường hợp luân chuyển đều là điều động, hoặc mọi trường hợp điều động đều là luân chuyển. Kết quả kiểm tra tại 10 địa phương và 5 cơ quan Trung ương vừa qua cho thấy, “có nơi còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ theo quy hoạch với điều động cán bộ”.
Dẫn ra ví dụ từ thực tế, người đứng đầu Đảng ta nói rằng, “hình như cứ đi luân chuyển về là để lên chức cao hơn”. Chẳng thế mà, “vừa qua còn có hiện tượng “phấn đấu” để được đi luân chuyển, “chạy” luân chuyển về nơi nào thuận, dễ, ngon ăn, nhưng chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghé đòi về”. Nói cách khác, “luân chuyển để làm cán bộ, chứ không nghĩ để mình trưởng thành”, Tổng Bí thư thẳng thắn. Để chấn chỉnh tình trạng này, vừa qua, Bộ Chính trị đã ra Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ, trong đó khẳng định dứt khoát thời gian luân chuyển đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm) ít nhất phải đủ 36 tháng.
Đánh giá cán bộ là khâu rất khó, phải có thông tin đầy đủ, nhiều kênh, nhiều chiều, đặc biệt phải thật sự trong sáng, công tâm, khách quan. Vậy 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương đã thực hiện công tác này như thế nào? Vừa qua, chúng ta tiến hành lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cách để đánh giá cán bộ. Quốc hội làm, trong Đảng làm và các địa phương cùng làm. Nhấn mạnh điều này, song Tổng Bí thư cũng cảnh báo, nếu công tác đánh giá cán bộ không công tâm, khách quan thì có thể lại là hình thức, hợp thức hóa phiếu đánh giá để đề bạt cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng.
Dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai?
Liên quan đến bố trí, sử dụng cán bộ, có việc là đề bạt cán bộ, có việc là phân công, có việc là giới thiệu cán bộ sang chính quyền..., và ở khâu nào cũng đòi hỏi sự công tâm, khách quan. Nhưng tại sao dư luận cứ râm ran rằng, thứ nhất “quan hệ”, thứ hai “tiền tệ”, thứ ba “hậu duệ”, và cuối cùng mới là “trí tuệ”? Thân quen, “cánh hẩu”, thích thì nói cho thật hay, đưa vào để tạo vây cánh, qua đào tạo cũng chỉ là “tráng men” thôi? Và tại sao dư luận lại nói rằng, không nên bố trí cán bộ là người thân, anh em, vợ con… cùng làm việc ở một nơi? Nêu những câu hỏi từ thực tế, Tổng Bí thư khẳng định, “đây là vấn đề vô cùng biện chứng, phức tạp và lắt léo, đòi hòi phải hết sức tỉnh táo”.
Trong công tác cán bộ, làm đúng quy trình, thủ tục là một cách để hạn chế tiêu cực, phát huy cái tốt, cái đúng để tìm được cán bộ xứng đáng, cho nên phải rất chặt chẽ, bảo đảm sự uy nghiêm. Nhưng câu hỏi mà người đứng đầu Đảng ta đặt ra là: Tại sao vừa qua có dư luận, cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ lại không đúng, có nghĩa dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai? Đây là vấn đề cần được nghiêm túc đặt ra, xem xét thấu đáo để có biện pháp xử lý.
Những kết quả và hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra tại cuộc họp là trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Chính trị tại 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương. Đây chưa phải là “mẫu số chung” cho công tác cán bộ. Song rõ ràng, kết quả kiểm tra lần này một lần nữa khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của công tác cán bộ. Bên cạnh những mặt được cần phát huy, thì công tác cán bộ tại 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương cũng có hạn chế, khuyết điểm cần được rút kinh nghiệm, kịp thời sửa chữa. Và kết quả kiểm tra lần này còn góp phần vào việc tổng kết, chuẩn bị cho các Hội nghị Trung ương sẽ bàn chuyên đề về công tác cán bộ trong năm tới.