“Thắt lưng buộc bụng”

- Thứ Bảy, 12/06/2021, 06:58 - Chia sẻ
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. Biện pháp “thắt lưng buộc bụng” được coi là rất cần thiết ở vào thời điểm này để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và chi cho đầu tư phát triển.

Hội họp, hội nghị và công tác trong và ngoài nước là điều cần thiết chỉ khi nó mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp việc tổ chức còn gây lãng phí. Không chỉ là hội họp, không ít những đoàn công tác mang tên học hỏi kinh nghiệm nước ngoài cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực khi mà thành phần tham gia đoàn đa phần là người chuẩn bị về hưu. Cá biệt, có đoàn công tác có cả người đã về hưu. Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra, trong giai đoạn 2012 - 2016, bốn bộ, ngành và sáu tỉnh đã cử trên 17.500 đoàn đi nước ngoài với gần 53.000 lượt cán bộ. Kinh phí cho các chuyến công tác này trên 1.000 tỷ đồng. Thậm chí, có người khi còn làm bộ trưởng, có năm tham gia 22 đoàn công nước ngoài với tổng thời gian 163 ngày, chiếm đến hơn nửa thời gian làm việc trong năm. Và không khó để thấy đây là những khoản kinh phí rất lớn và không khỏi lãng phí khi thành phần tham gia đoàn là những người không còn tiếp tục cống hiến trong bộ máy.

Lãng phí không chỉ đến từ những cuộc hội họp không thực sự chất lượng, những cuộc công cán nước ngoài không đúng thành phần, không đúng mục đích mà còn là những khoản kinh phí chi cho bộ máy chưa thực sự tinh gọn.

Trong lúc ngân sách nước nhà có hạn, việc chi tiêu cũng phải được tính toán từng đồng. Nhất là trong điều kiện hiện nay, dịch Covid-19 đang hoành hành, thì việc tiết kiệm chi để tập trung nguồn lực phòng, chống dịch là yêu cầu rất quan trọng. Muốn vậy, không còn cách nào khác là Chính phủ, các ngành, các cấp phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm khoản chi không cần thiết.

Trên diễn đàn Quốc hội Khóa XIV, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, nay là Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh đến việc chúng ta phải tiết kiệm. Ông cho rằng, chúng ta chi thường xuyên tới 65% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc tăng chi chủ yếu vào chi lương và phụ cấp (chiếm tới hơn 58%), còn lại là chi hành chính. Nếu tiết kiệm được 1%, chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng. Ông Phạm Minh Chính cũng khẳng định: Phải có chính sách tiết kiệm, phải “thắt lưng buộc bụng”, mà dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên là có.

Xác định rõ tầm quan trọng của chính sách tiết kiệm chi, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14 về Kỳ họp thứ Chín, trong đó Quốc hội giao Chính phủ chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách nhà nước, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

Rất mừng, trong báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Chính phủ trình tại Phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cho thấy, trong bối cảnh thu ngân sách giảm do tác động của thiên tai, dịch bệnh, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đó điều hành chi đầu tư gắn với tiến độ nguồn thu; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng); cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách (ngân sách trung ương tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1 nghìn tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng). Những con số tiết kiệm được rất đáng quý vào lúc này khi mà nguồn thu của chúng ta đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.  

Có thể thấy, chính sách “thắt lưng buộc bụng” đang được Chính phủ thực hiện tương đối quyết liệt. Những “quả ngọt” đầu tiên trong việc triển khai nghị quyết của Quốc hội cho thấy, nếu chúng ta thật sự quyết tâm nói không với các cuộc họp, chuyến công cán nước ngoài không cần thiết, kiên quyết tinh giản bộ máy thì sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng để chi cho các nhiệm vụ cấp bách, cần thiết, hiệu quả hơn.

Hà An