Thắt lưng buộc bụng để chống lạm phát

Hải Phong 26/02/2011 07:32

Thắt lưng buộc bụng, đó là từ khóa của từng người dân, hộ gia đình, mỗi doanh nghiệp, địa phương và của cả Chính phủ trong thời điểm hiện nay. Chính phủ đã phát ra tín hiệu thắt lưng buộc bụng (từng làm thành công trong năm 2008) qua Nghị quyết số 11/NQ - CP về ổn định kinh tế vĩ mô vừa được công bố.

Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn
Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn

Thông điệp rõ ràng

Hai ngày sau khi họp với các chuyên gia kinh tế, Chính phủ công bố Nghị quyết số 11/NQ - CP tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 64 tỉnh thành và các bộ ngành, diễn ra ngày 24.2. Không đề cập đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết số 11 mang thông điệp rõ ràng là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này hết sức cần thiết để khôi phục niềm tin cho thị trường trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng cao gần 3,8% chỉ trong 2 tháng đầu năm song Chính phủ vẫn phải cho tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than cũng như giảm giá tiền đồng.

Trong số 6 nhóm giải pháp được đưa ra, giải pháp hàng đầu là chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, “thắt chặt tín dụng để giảm cầu đầu tư cao, giảm cung tiền qua lưu thông xuống 15% đến 16%”. Tuy nhiên, Chính phủ cũng giải thích rõ là việc thắt chặt tín dụng và đầu tư chỉ thực hiện với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Vốn tín dụng được Chính phủ khẳng định chỉ ưu tiên phục vụ sản xuất kinh doanh cho nông nghiệp, nông dân, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành sản xuất thiết yếu của đất nước như năng lượng, dầu khí, sản xuất điện. Điều này nhận được sự tán thành và ủng hộ cao của các chuyên gia kinh tế, bởi nguyên nhân chính của lạm phát ở nước ta chính là sự nới lỏng tiền tệ trước đó để cố gắng đạt được mức tăng trưởng cao, chứ không phải tại giá cả thế giới tăng cao ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Khi chính sách tiền tệ đã được lựa chọn, điều quan trọng là cần phải dứt khoát hơn trong quá trình thực thi chính sách. Làm được như thế thì mới hy vọng lấy lại được niềm tin của thị trường - một yếu tố nền tảng cho những ổn định vĩ mô.

Mặc dù áp lực trên tổng cầu có thể giảm bớt phần nào do sự cố gắng thắt chặt tiền tệ, tuy nhiên sự thắt chặt này vẫn chưa đủ do mức tăng tiền tệ từ năm 2010 đã quá lớn. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định giảm chi trong chính sách tài khóa và nhất là đầu tư công sẽ đóng vai trò thiết yếu trong chương trình giảm lạm phát tương lai. Theo tinh thần Nghị quyết số 11, song hành với chính sách tiền tệ thắt chặt, Chính phủ sẽ dè sẻn  hơn nữa trong chi tiêu. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo giảm bội chi xuống dưới 5%; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011; các khoản chi ngân sách cho mua mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng sẽ bị dừng lại… Ba khoản chi từ nguồn ngân sách như chi đầu tư trong dự toán ngân sách sẽ không cho tạm ứng trước các khoản chi năm 2012 và không cấp tiền cho các dự án kéo dài tiến độ từ những năm trước. Chi từ nguồn trái phiếu chính phủ sẽ chậm lại, tín dụng đầu tư của ngân hàng phát triển và ngân hàng thương mại nhà nước sẽ cắt giảm thêm 10%. Tổng đầu tư toàn xã hội giảm xuống 38% đến 39% so với mức hơn 40% của kế hoạch trước đó để tác động trực tiếp đến tăng giá và lạm phát.

Bốn nhóm giải pháp còn lại gồm: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu và sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường đảm bảo an sinh xã hội và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền.

Bài học năm 2008

Cách đây 2 năm, Chính phủ ban hành hệ thống tám nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Các nhóm giải pháp đó không những được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao về mặt chính sách mà điều quan trọng hơn chúng nhận được sự đồng thuận rộng rãi của người dân và đây là yếu tố có tính then chốt đảm bảo cho sự thành công của chính sách.

Cuộc chiến chống lạm phát năm 2008 còn cho chúng ta còn thấy rằng, nâng cao tính đồng bộ trong việc hoạch định và thực thi các chính sách, đặc biệt là giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng là một bài học quan trọng khác làm cho các chính sách đó trở nên hiệu quả hơn. Tám nhóm giải pháp của Chính phủ phát huy hiệu quả một phần không nhỏ là nhờ tính đồng bộ của chúng. Nếu thiếu sự đồng bộ đó thì có khả năng sẽ xảy ra cái gọi là sự “vô hiệu hóa”. Khi ấy không những mục tiêu của mỗi chính sách có thể không đạt được như mong muốn mà còn tạo ra những hệ quả không tốt cho tăng trưởng hay thậm chí có thể làm trầm trọng hơn vấn đề chính sách.

Sáu nhóm giải pháp trong Nghị quyết 11 hội tụ đủ các yếu tố đã tạo nên thành công của việc thực thi các chính sách đối phó với lạm phát năm 2008.

Nếu xác lập được sự nhất quán trong chính sách và trong thực thi chính sách, sự ổn định có thể đang nằm ngay trước mắt chúng ta.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thắt lưng buộc bụng để chống lạm phát
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO